Một góc khu vực nhà ga T2, CHKQT Nội Bài (Hà Nội). Ảnh: Tiến Hưng.
Chiều 1/6, trao đổi với Zing.vn, ông Võ Huy Cường - Phó cục trưởng Cục Hàng không Việt Nam cho hay, thông tin xây dựng sân bay Nội Bài 2 là chưa chính xác. Theo quy hoạch phát triển vận tải hàng không, thực tế chỉ là mở rộng sân bay Nội Bài về phía bên kia đường Võ Nguyên Giáp với quy mô tương đương sân bay Nội Bài hiện tại.
Cục phó Cục Hàng không cho hay, phương án xây dựng nhà ga CHK Nội Bài mới (Nhà ga T3, T4) và đường cất hạ cánh mới theo hướng “lật” sang phía nam đường Võ Nguyên Giáp (với diện tích 720 ha, thuộc 3 xã Phú Minh, Phú Cường, Mai Đình của huyện Sóc Sơn) đã được Thủ tướng phê duyệt từ năm 2008.
Theo ông Cường, với quỹ đất còn lại hiện nay của CHKQT Nội Bài, sau khi di dời hoạt động quốc phòng tại khu vực phía Bắc, Cục Hàng không VN đã nghiên cứu và xác định phương án tối ưu là xây dựng hệ thống đường cất - hạ cánh hoạt động độc lập, đảm bảo công suất khoảng 80 - 100 triệu hành khách/năm, đáp ứng nhu cầu phát triển dài hạn của thủ đô.
Cục Hàng không Việt Nam dự kiến tới năm 2030, CHKQT Nội Bài được nâng cấp mở rộng với định hướng là CHKQT của thủ đô, có vai trò trung tâm (cả quốc tế và quốc nội) của khu vực phía Bắc. Duy trì, phát triển CHKQT Nội Bài cùng Tân Sơn Nhất, Đà Nẵng là các CHK trục chính của các tuyến bay nội địa. CHKQT Nội Bài cùng với CHKQT Long Thành, Đà Nẵng là các đầu mối vận chuyển hành khách quốc tế quan trọng nhất của đất nước.
Vào năm 2030, CHKQT Nội Bài đạt cấp 4F theo tiêu chuẩn ICAO và sân bay quân sự cấp I, đảm bảo tiếp nhận máy bay B747-400, A350, B787, A380 hoặc tương đương. Công suất khai thác của cảng đạt 60 triệu hành khách/năm.
Diện tích đất được quy hoạch cho CHKQT Nội Bài tầm nhìn tới năm 2030 vào khoảng 1.500 ha (gấp đôi diện tích CHK Nội Bài hiện tại). Theo dự thảo quy hoạch đến năm 2050, CHKQT Nội Bài sẽ đạt công suất 80 - 100 triệu khách/năm
Trong khi đó, theo Quy hoạch giao thông vận tải thủ đô Hà Nội đến năm 2030, tầm nhìn năm 2050 vừa được Thủ tướng phê duyệt, đến năm 2050, Hà Nội sẽ có tổng cộng 5 sân bay, trong đó có 2 sân bay quốc tế.
Cụ thể, CHKQT Nội Bài sẽ được cải tạo, nâng cấp thành CHK, sân bay quốc tế lớn phía Bắc. Đến năm 2020, nâng cấp thành CHK cấp 4E theo tiêu chuẩn ICAO (Tổ chức hàng không dân dụng quốc tế), lưu lượng đạt 20 - 25 triệu hành khách/năm và trên 260.000 tấn hàng hóa/năm.
Đến năm 2030, CHKQT Nội Bài sẽ trở thành CHK cấp 4F có thể tiếp nhận 35 triệu hành khách/năm và sau năm 2030 là 50 triệu hành khách/năm, 500.000 tấn hàng hóa/năm.
CHK Gia Lâm sẽ được sử dụng chung cho dân dụng nội địa tầm ngắn và quân sự. Cảng cấp 3C và sân bay quân sự cấp II, với 2 đường cất hạ cánh kích thước 2000 m x 45 m; lượng hành khách tiếp nhận là 290.000 hành khách/năm.
Sân bay Hòa Lạc, Miếu Môn được sử dụng để phục vụ mục đích quân sự, có thể phục vụ dân sự khi có yêu cầu. Trong khi đó, sân bay Bạch Mai sẽ trở thành sân bay cứu hộ, trực thăng.
Đối với việc nghiên cứu xây dựng CHKQT thứ hai cho vùng thủ đô, ông Võ Huy Cường cho biết, thực tế từ nhiều năm trước, Cục Hàng không VN đã nghiên cứu và khảo sát, định hướng việc xây dựng CHKQT thứ 2 cho vùng thủ đô tại 2 địa điểm là Miếu Môn - Hoà Lạc (Hà Nội) và tại tỉnh Hải Dương. Tuy nhiên, kết quả nghiên cứu cho thấy cả 2 phương án đều không khả thi.
Cụ thể, phương án xây CHK tại Miếu Môn đã bị bác bỏ do đường hàng không nếu được thiết lập sẽ cắt đường bay đang khai thác của CHK Nội Bài. Điều này cũng có nghĩa, không thể khai thác cùng lúc 2 sân bay.
Về đề xuất xây CHK tại Hải Dương (theo đề xuất của Hội quy hoạch phát triển đô thị VN) cũng bị đánh giá không khả thi do tiền đền bù GPMB quá tốn kém, trong khi lại không mấy hiệu quả vì quá gần CHK Nội Bài.
Đại diện Cục Hàng không cho hay việc mở rộng sân bay Nội Bài đã nằm trong quy hoạch phát triển hàng không 8 năm nay. Ảnh: Google maps.