02/09/2014 9:12 AM
Chỉ cần vài địa chỉ cho thuê, bán nhà các văn phòng giao dịch bất động sản làm “mồi” hút khách là có thể ung dung kiếm bộn tiền. Những người có nhu cầu thực sự mới thấu nỗi khổ... nhà đất quay vòng, tiền phí bay vèo.

“Cò số nhà”, thu nhập khủng

Gần đây, đường dây nóng của báo Người Đưa Tin đã nhận được cuộc điện thoại của anh N.V.T (ở Mộc Châu, Sơn La) bức xúc phản ánh về việc anh bị một văn phòng nhà đất có địa chỉ ở phố Cự Lộc, Thanh Xuân, Hà Nội lừa đảo. Theo lời kể của anh T., tuần trước, khi biết con trai mình đỗ một trường đại học danh tiếng, anh đã đưa con trai xuống Hà Nội tìm phòng trọ để chuẩn bị chào đón năm học mới. Sau khi tìm kiếm một hồi trên mạng internet, anh đã tìm được một địa chỉ phòng trọ theo mô tả thì anh khá ưng ý ở Cầu Giấy. Gọi theo số điện thoại đã rao mẩu tin này, anh được chỉ dẫn đến địa chỉ ở 67 Cự Lộc, Thanh Xuân. Tuy nhiên, sau khi đến đây, dù phải đi lại nhiều lần và mất tới 1 triệu tiền phí nhưng anh T. và con trai vẫn không tìm được phòng trọ.

Địa chỉ văn phòng của Phòng giao dịch bất động sản âu Việt ở Cự Lộc.

Trước khi tìm đến địa chỉ cụ thể, PV đã thử gõ trên thanh công cụ tìm kiếm số điện thoại của văn phòng môi giới nhà đất mà anh T. cung cấp. Chỉ trong vòng 0,30s, công cụ tìm kiếm google cho ra hơn 5.000 kết quả về số điện thoại này và hầu hết đều là các tin rao vặt về phòng trọ cho thuê ở tất cả các khu vực Hà Nội. Tuy nhiên, đáng bàn ở chỗ, chỉ cùng một số điện thoại, nhưng trên mỗi website rao tin nhà đất, phòng trọ khác nhau, chủ số điện thoại lại có một cái tên khác nhau.

Trên trang muabannhadat, 123nhadat.vn chủ số điện thoại này có tên: Anh Chiến , còn trên trang batdongsan thì có tên là: Anh Linh, trên raovat lại có tên: Anh Bình hoặc trên nhiều diễn đàn khác lại có tên chú Tùng, chú Đức...Tôi đã dùng hai số điện thoại khác nhau để bấm gọi điện đến số điện thoại này. Mỗi một số, tôi đều gọi người nhấc máy bằng một cái tên khác nhau, từ đầu dây bên kia, cùng một giọng nói nhưng lại có những cái tên khác nhau.

Phóng viên báo Người Đưa Tin tìm đến văn phòng môi giới nhà đất này để thuê nhà. Văn phòng này có tên khá kêu “Phòng giao dịch bất động sản âu Việt”, trong phòng làm việc chỉ có một người đàn ông trẻ khoảng 30 tuổi ngồi tư vấn cho khách hàng. Lúc tôi đến đã có trên dưới 10 người khác cũng đang đợi để lấy địa chỉ phòng cho thuê. Tôi thấy họ lần lượt nộp các khoản phí 200.000 đồng – 500.000 đồng, sau đó được người đàn ông đưa cho một tờ giấy nhỏ trong đó có ghi các địa chỉ cho thuê rồi đi ra.

Sau khi rời khỏi văn phòng này, tôi tìm phòng trọ theo địa chỉ mà người đàn ông này cung cấp. Địa chỉ đầu tiên ở đường Nguyễn Văn Trỗi, Hà Đông nghe tôi hỏi thuê phòng trọ, mọi người nhìn tôi như ở “trên trời rơi xuống” rồi cười nói với tôi rằng, ở đây không có phòng cho thuê.

Trong khi tư vấn cho khách hàng, người đàn ông này liên tục phải trả lời các cuộc gọi đến từ năm chiếc điện thoại.

Đến địa chỉ thứ hai ở phố Ao Sen, Hà Đông, sau khi lượn vòng quanh tìm được đúng địa chỉ, tôi thấy căn nhà 4 tầng đóng im lìm và tuyệt nhiên không thấy có dấu hiệu của việc có phòng cho thuê. Tôi đến địa chỉ thứ ba ở gần trường ĐH Sư phạm Nghệ thuật Trung ương. Đây là một cửa hàng bán linh kiện và sửa chữa máy tính. Tôi bước vào hỏi thì được một phụ nữ trẻ bên trong cho biết, căn nhà này chị ta cũng chỉ là người đi thuê.

Trên bàn làm việc của người đàn ông này, theo quan sát của PV, có đến 5 chiếc điện thoại và có đến 4 quyển sổ dày, màu đã cũ ghi chi chít địa chỉ các phòng cho thuê ở Hà Nội. Đến lượt mình, tôi nói muốn thuê một căn phòng có giá khoảng trên dưới 2 triệu đồng. Người đàn ông này yêu cầu tôi nộp một khoản phí với giá 200.000 đồng. Sau đó, gã lật từng quyển sổ để trên bàn rồi ghi cho tôi 5 địa chỉ ở gần địa điểm mà tôi muốn thuê. Sau đó, gã viết một phiếu thu nhưng không đưa cho khách hàng nội dung cam kết tìm được phòng trọ và bảo tôi tự tìm đến địa chỉ đã được ghi trên giấy. Nhìn vào cuốn sổ ghi tên khách hàng kéo dài vài trang giấy với khoản tiền thu 200-500.000 đồng, thì một ngày số tiền văn phòng này cũng lên tới hàng chục triệu đồng. Có lẽ vì kiếm tiền quá đơn giản nên các văn phòng tư vấn nhà đất mọc khắp nơi vươn đến từng ngõ ngách. Tìm đến hàng chục văn phòng môi giới nhà đất PV báo Người Đưa Tin đều gặp lại kịch bản cũ.


Trước "mê hồn trận" phòng trọ cho thuê, SV vẫn khó tìm được phòng như ý. Ảnh minh họa

Thả nổi, buông lỏng quản lý

Bày tỏ quan điểm trước việc hiện nay những trung tâm lừa đảo về nhà đất mọc tràn lan ở Hà Nội, luật sư Nguyễn Văn Nguyên (Giám đốc công ty Luật Hưng Nguyên, Đoàn Luật sư thành phố Hà Nội) nói: "Việc để tình trạng các văn phòng, trung tâm môi giới giới thiệu nhà hoạt động trái phép, tràn lan và lừa dối khách hàng ở nhiều nơi thật sự rất đáng lo ngại. Đây là hoạt động môi giới bất động sản bất hợp pháp, họ lợi dụng quản lý lỏng lẻo của chính quyền địa phương và sự thiếu quyết tâm xử lý vi phạm của các cơ quan quản lý chuyên ngành để thu lợi nhuận".

ông Nguyên cho biết, một cá nhân muốn kinh doanh ngành nghề môi giới bất động sản thì phải được cấp chứng chỉ môi giới bất động sản. Một tổ chức muốn kinh doanh dịch vụ môi giới bất động sản thì phải có ít nhất một người có chứng chỉ môi giới bất động sản. Cả hai trường hợp trên đều phải thành lập công ty hoặc hợp tác xã có ngành nghề môi giới bất động sản. "Với các đối tượng vi phạm quy định về kinh doanh dịch vụ bất động sản có thể phạt tiền đến 70 triệu đồng nếu các phòng, trung tâm không đăng ký ngành nghề kinh doanh dịch vụ bất động sản nhưng vẫn tự ý hoạt động kinh doanh dịch vụ bất động sản", ông Nguyên nói. Cũng theo ông Nguyên, các cơ quan phải chịu trách nhiệm khi để tình trạng tràn lan các trung tâm môi giới bất động sản hoạt động trái phép, lừa đảo khách hàng là UBND các cấp và cơ quan quản lý chuyên ngành là Thanh tra xây dựng.

'Mê trận' nhà 'ma', thu tiền thật - Ảnh 4

Phiếu cam kết sẽ tìm được nhà cho khách hàng.

Dưới góc nhìn từng là một nhà quản lý, ông Đặng Hùng Võ - nguyên Thứ trưởng bộ Tài nguyên Môi trường nói: "Những kiểu lừa đảo như môi giới nhà đất, lừa đảo việc làm đã và đang tồn tại khá nhiều trong xã hội ta. Vì sao những "tồn tại" này vẫn nhan nhản? Nguyên nhân trước hết là ở chính quyền. Hiện nay, chính quyền đang quá vô cảm, có thể họ biết hoặc cố tình không biết những tồn tại này. Nhiều người chỉ coi đó là một hành vi nhỏ, nhưng theo tôi, đó không phải là hành vi nhỏ vì nó ảnh hưởng và tác động khá lớn đến xã hội.

Để giải quyết câu chuyện này, trước hết là ở người dân, khi phát hiện mình bị lừa, khi có bức xúc phải đến các cơ quan chức năng tố cáo. Dù rằng, số tiền có thể không lớn và đi trình báo có thể mất thời gian, nhưng không làm thế thì việc những trung tâm lừa đảo vần tồn tại và tiếp tục lừa đảo là hiển nhiên. Ngoài ra, ta đã có chế tài xử phạt, quan trọng là các cơ quan chức năng phải quyết liệt vào cuộc và đừng coi những hành vi này là hành vi nhỏ, hành vi không đáng để xử lý" .

Thu xong tiền liền chặn điện thoại

Ba lần không tìm được căn phòng như đã quảng cáo, tôi liền bấm số điện thoại văn phòng âu Việt, tuy nhiên dù bấm gọi nhiều lần số điện thoại này không hề nhấc máy. Những lần tôi gọi lại, điện thoại báo bận, họ đã chặn số. Đến cuối giờ chiều, tôi dùng một số điện thoại khác rồi gọi đến số điện thoại đã rao tin trên mạng để hỏi phòng thuê, đầu dây bên kia lại hẹn mai đến xem nhà…

Hà Nhị (Người Đưa tin)
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.
CafeLand.vn là Network bất động sản hàng đầu tại Việt Nam và duy nhất chuyên về bất động sản. Cập nhật thực trạng thị trường bất động sản hiện nay, cung cấp cho các độc giả những thông tin chính xác và những góc nhìn phân tích nhận định về thị trường bất động sản từ các chuyên gia trong ngành. Ngoài ra, CafeLand còn cung cấp cho độc giả tất cả các thông tin về sự kiên, dự án, các xu hướng phong thủy, nhà ở để các bạn có cái nhìn tổng quan hơn về thông tin mua bán nhà đất tại Việt Nam.