05/06/2013 3:23 PM
Thời gian gần đây phát sinh nhiều vụ án dân sự lẫn hình sự mà khởi sự bắt đầu từ nhu cầu vay vốn của người có thu nhập thấp.

Điều này cho thấy, nhu cầu tín dụng của một bộ phận người dân chưa được đáp ứng, buộc họ phải tham gia các quan hệ vay – mượn bất thường, gây rủi ro cho nhiều bên.

Một bộ phận người dân có nhu cầu vay vốn với số tiền không lớn và thường không đáp ứng được các điều kiện vay vốn của ngân hàng

Vay 1 đồng trả lãi cho cả 10 đồng

Ở góc độ dân sự, những án kiện phổ biến là tình huống vay ké, người dân cho DN, hộ kinh doanh “mượn” giấy tờ bất động sản để làm tài sản bảo đảm, thế chấp vay vốn ngân hàng. Tuy nhiên, trong số 10 đồng mà DN vay được, người có tài sản chỉ được vay có 1 đồng nhưng lại phải chịu nghĩa vụ trả nợ cho cả 10 đồng. Điều này khiến cho nhiều hộ gia đình lâm vào nguy cơ mất nhà, trong khi phía ngân hàng cũng chẳng vui vẻ gì, bởi việc xử lý tài sản bảo đảm không dễ dàng, nhiều khi mất đến vài năm để có thể có được quyền phát mại nhà đất. Ở phần hình sự, đã từng có án mạng xảy ra vì xô xát trong quá trình đòi nợ.

Những vụ án nói trên cho thấy một bộ phận người dân có nhu cầu vay vốn với số tiền không lớn, chỉ vài chục triệu đồng để sử dụng vào mục đích sản xuất - kinh doanh gia đình, giải quyết khó khăn tạm thời… Tuy nhiên, những người này không dễ để tiếp cận vốn ngân hàng, bởi không đáp ứng được những điều kiện của ngân hàng.

Đáp ứng nhu cầu tín dụng cho người thu nhập thấp là chức năng của hệ thống các tổ chức tài chính vi mô (TCVM). Hiện, trên thị trường có hàng trăm tổ chức TCVM đang hoạt động, chính thức thì có hệ thống Quỹ tín dụng nhân dân, Ngân hàng Chính sách xã hội, Ngân hàng Nông nghiệp và phát triển nông thôn; bán chính thức có các tổ chức phi chính phủ trong và ngoài nước, quỹ hỗ trợ của các tổ chức xã hội. Về cơ bản, các tổ chức này cho vay ở quy mô nhỏ, từ một triệu đồng cho tới vài chục triệu đồng, không cần tài sản thế chấp, tiền gốc và lãi có thể thu hàng tuần để người vay tích cóp và trả dần, không tạo gánh nặng nợ nần và tránh được tình trạng phải vay nặng lãi ở nông thôn.

Vấn đề là dù đã có hàng trăm tổ chức TCVM, người có thu nhập thấp vẫn không tiếp cận được tín dụng mà phải tìm đến các hình thức phi chính thức như: hụi, họ, vay nặng lãi… và đem lại nhiều hậu quả cho gia đình cũng như xã hội. Bên lề Quốc hội, đại biểu Trương Trọng Nghĩa (TP. HCM) đánh giá: “Ngân hàng thương mại không giải quyết được nhu cầu tín dụng của người thu nhập thấp thì đã có hệ thống Quỹ tín dụng nhân dân, có các quỹ hỗ trợ của các hội như hội nông dân, hội phụ nữ… Nếu vẫn không đáp ứng được, có thể là do nhu cầu quá lớn mà khả năng của hệ thống còn hạn chế, cũng có thể là do nhiều vấn đề chúng ta làm chưa tốt. Nếu có điều gì cần nhấn mạnh thì chính là vấn đề cán bộ, nhất là đối với các tổ chức thuộc Nhà nước như Quỹ tín dụng nhân dân, phải tránh quan liêu, vô cảm”.

Cần xem lại quy định về tổ chức tài chính vi mô

Trước đây, theo Nghị định số 41/2010/NĐ-CP, các tổ chức TCVM được cho vay theo lãi suất thỏa thuận với khách hàng, phù hợp với quy định của pháp luật. Tuy nhiên, Thông tư số 33/2012/TT-NHNN đã quy định: Quỹ tín dụng nhân dân và tổ chức TCVM ấn định lãi suất cho vay ngắn hạn bằng đồng Việt Nam tối đa là 13%/năm. Với quy định như vậy, theo phản ánh của một số tổ chức TCVM, trần lãi suất 13%/năm không phù hợp với hoạt động đặc thù cho vay tận nhà của các tổ chức này.

Khi thành lập, mục tiêu của các quỹ này là để tương trợ các hội viên trên cơ sở mang lại lợi ích chung cho các thành viên khác. Do đó, cơ chế quản lý linh hoạt hơn: chủ yếu là vay tín chấp, không đòi hỏi tài sản bảo đảm, thời gian xét duyệt ngắn hơn, điều kiện thẩm định, thủ tục giản lược, cho vay tận nhà, lãi suất cũng cao hơn. Nhưng khi chuyển đổi thành tổ chức TCVM thì bị áp trần lãi suất dẫn đến các tổ chức này “bí” vì họ không có cơ hội mở rộng thị trường mà chỉ đáp ứng khách hàng nội bộ. Trong khi đó, các quỹ chưa chuyển đổi vẫn hoạt động như cũ và ít bị ràng buộc bởi các quy định pháp luật.

Luật sư Trần Minh Hải, Giám đốc Công ty Luật Basico cho biết: “Dù có văn bản quy định riêng về tổ chức và hoạt động của tổ chức TCVM, nhưng nhiều “chuẩn” đã được sao y từ các quy định về tổ chức tín dụng, không phù hợp với đặc thù của các tổ chức TCVM”. Luật sư Hải dẫn ví dụ, về quản trị điều hành, các tổ chức TCVM cũng giống như các ngân hàng, phải thực hiện cơ chế báo cáo, khi bầu các bộ phận quản trị điều hành như HĐQT, Tổng giám đốc cũng cần xét duyệt lý lịch và phải được Ngân hàng Nhà nước chấp thuận trước. “Do đó, cần xem xét lại quy định về tổ chức TCVM và đưa ra các tiêu chuẩn riêng phù hợp với đặc thù của tổ chức TCVM”, Luật sư Hải nói.

TS. Andrew Pospielovsky, Chuyên gia quản lý rủi ro cao cấp, Tổ chức Tài chính Quốc tế (IFC)

Hiện nay, trần lãi suất cho vay tín dụng của Quỹ tín dụng nhân dân và các tổ chức TCVM (13%) đang cao hơn 1% so với các TCTD khác. Trần lãi suất cho vay có thể đem lại tác động tiêu cực như dẫn đến tình trạng lỗ/mất vốn, bởi khoản thu từ lãi suất cho vay chiếm tới 97 - 99% tổng thu của các tổ chức TCVM. Nếu các tổ chức TCVM không thể tồn tại, phá sản, ngừng hoạt động… thì hậu quả là vay nặng lãi phát triển. Điều này sẽ dẫn tới những tác động xấu về mặt xã hội, chiến lược phát triển tổ chức TCVM bền vững không thực hiện được.

Hoàng Duy (Đầu tư chứng khoán)
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.
CafeLand.vn là Network bất động sản hàng đầu tại Việt Nam và duy nhất chuyên về bất động sản. Cập nhật thực trạng thị trường bất động sản hiện nay, cung cấp cho các độc giả những thông tin chính xác và những góc nhìn phân tích nhận định về thị trường bất động sản từ các chuyên gia trong ngành. Ngoài ra, CafeLand còn cung cấp cho độc giả tất cả các thông tin về sự kiên, dự án, các xu hướng phong thủy, nhà ở để các bạn có cái nhìn tổng quan hơn về thông tin mua bán nhà đất tại Việt Nam.