Dự án Kè gia cố bờ sông Đồng Nai (đoạn từ khu dân cư dọc sông Rạch Cát đến Nhà máy xử lý nước thải số 2, P.Tam Hiệp, TP.Biên Hòa) cũng gặp khó khăn, chậm tiến độ vì vướng mặt bằng. Ảnh: P.Tùng
Thiếu mặt bằng, các dự án chậm triển khai khiến tiến độ giải ngân nguồn vốn cũng bị “níu chân”.
Vốn nằm chờ mặt bằng
Ngày 20-11-2020, sau thời gian thực hiện công tác đấu thầu, Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng tỉnh đã ký kết hợp đồng thi công xây dựng dự án chống ngập khu vực các suối Chùa, Bà Lúa và Cầu Quan
(TP.Biên Hòa) với các nhà thầu. Tuy nhiên, hơn 2 tháng sau ngày ký hợp đồng, dự án này vẫn chưa thể thi công vì chưa có mặt bằng. “Tháng 9-2020, Trung tâm Phát triển quỹ đất TP.Biên Hòa có bàn giao một phần diện tích đất công, tuy nhiên diện tích bàn giao nằm một bên suối nên không đủ bề rộng mặt cắt theo thiết kế để triển khai thi công” - ông Trần Văn Thanh, Phó giám đốc phụ trách Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng tỉnh cho biết.
Năm 2021, tỉnh sẽ ưu tiên nguồn vốn, nhân lực để thực hiện nhanh các công trình quan trọng. Nguồn vốn đầu tư công cho Đồng Nai trong năm 2021 là hơn 35 ngàn tỷ đồng, trong đó riêng dự án Cảng hàng không quốc tế Long Thành là hơn 22,8 ngàn tỷ đồng. |
Vướng mắc trong khâu giải phóng mặt bằng cũng là nguyên nhân chính khiến dự án chống ngập khu vực các suối Chùa, Bà Lúa và Cầu Quan dù đã nhiều lần dời thời điểm khởi công kéo dài từ năm 2018 đến nay nhưng vẫn chưa thể khởi công. Điều này khiến cho nguồn vốn đầu tư công bố trí cho dự án không thể giải ngân.
Không chỉ dự án chống ngập khu vực các suối Chùa, Bà Lúa và Cầu Quan, hàng loạt dự án khác do Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng tỉnh cũng rơi vào tình trạng khó giải ngân nguồn vốn vì thiếu mặt bằng thi công. Theo ông Trần Văn Thanh, trong công tác triển khai thi công các dự án, khó khăn nhất hiện nay vẫn là không có mặt bằng để thi công. Dự án không thể thi công khiến việc giải ngân nguồn vốn đầu tư công theo kế hoạch được giao hằng năm gặp rất nhiều khó khăn.
Tương tự, nhiều dự án đầu tư từ nguồn vốn ngân sách do các địa phương làm chủ đầu tư cũng gặp rất nhiều khó khăn trong việc giải ngân nguồn vốn, không thể triển khai thi công vì vướng mặt bằng.
Theo Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Nguyễn Phú Cường, năm 2021, việc kích cầu đầu tư là một trong những giải pháp để thúc đẩy tăng trưởng của tỉnh do đó phải thực hiện tốt công tác giải ngân nguồn vốn đầu tư công. Đối với nguồn vốn trung ương, tỉnh phải thực hiện nhanh công tác giải phóng mặt bằng các dự án. Đối với nguồn vốn từ ngân sách tỉnh phải bắt tay thực hiện ngay từ đầu năm. Từ tỉnh đến huyện phải thực hiện tốt công tác chuẩn bị cho các dự án bằng việc đẩy nhanh công tác bồi thường, hỗ trợ, tái định cư. Khi thực hiện các dự án phải tổ chức đấu thầu nhanh, lựa chọn đơn vị tư vấn và thi công có năng lực. |
Chủ tịch UBND TP.Biên Hòa Nguyễn Hữu Nguyên cho biết, năm 2020, việc giải ngân nguồn vốn đầu tư công từ nguồn vốn ngân sách tỉnh bố trí cũng như nguồn vốn từ ngân sách thành phố cho các dự án trên địa bàn thực hiện khá chậm. Trong đó nguyên nhân chính vẫn là những vướng mắc trong khâu giải phóng mặt bằng cho các dự án.
Tương tự, ông Nguyễn Phong An, Phó chủ tịch UBND H.Long Thành cho biết, trong năm 2020, có 2 dự án trên địa bàn được đầu tư thực hiện từ nguồn vốn ngân sách huyện không thể khởi công được do các vướng mắc trong quá trình giải phóng mặt bằng. Điều này khiến cho nguồn vốn bố trí cho các dự án này không thể giải ngân theo kế hoạch.
Cũng trong năm 2020, H.Xuân Lộc là địa phương không thể hoàn thành mục tiêu chung của tỉnh trong thực hiện giải ngân đạt trên 95% nguồn vốn đầu tư công từ ngân sách tỉnh. Nguyên nhân là do 1 dự án được bố trí vốn gặp vướng mắc trong công tác giải phóng mặt bằng nên không thể triển khai thực hiện.
Trên thực tế, do gặp những khó khăn trong công tác giải phóng mặt bằng nên việc giải ngân nguồn vốn đầu tư công trên địa bàn tỉnh nhiều năm qua thường rơi vào cảnh “dồn toa”, phải làm gấp rút vào thời điểm cuối năm để đạt chỉ tiêu kế hoạch được giao.
Hoàn thành công tác bồi thường các dự án từ quý II hằng năm
Các vướng mắc trong công tác giải phóng mặt bằng “níu” tiến độ giải ngân nguồn vốn đầu tư công là thực trạng đã xảy ra nhiều năm nay. Do đó, để tránh tái lập tình trạng này trong thời gian tới đòi hỏi các cơ quan chức năng cũng như các địa phương cần có những giải pháp mạnh mẽ và hoàn tất sớm các thủ tục liên quan đến công tác giải phóng mặt bằng.
Dự án Hệ thống thoát nước suối Nước Trong, H.Long Thành bị chậm tiến độ vì vướng mặt bằng
Ông Nguyễn Hồng Quế, Chi cục trưởng Chi cục Quản lý đất đai (Sở TN-MT) cho rằng, để đẩy nhanh công tác giải ngân vốn đầu tư công, đối với công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng để thực hiện các dự án cần phải hoàn thành từ quý II hằng năm. “Hiện nay theo Luật Đất đai năm 2013, trước khi có quyết định thu hồi đất, chậm nhất là 90 ngày đối với đất nông nghiệp và 180 ngày đối với đất phi nông nghiệp, cơ quan nhà nước có thẩm quyền phải thông báo thu hồi đất cho người có đất thu hồi biết. Nội dung thông báo thu hồi đất bao gồm kế hoạch thu hồi đất, điều tra, khảo sát, đo đạc, kiểm đếm. Do đó, chậm nhất trong quý II phải hoàn tất các công tác trên mới đủ thời gian để thực hiện các bước tiếp theo” - ông Nguyễn Hồng Quế nhấn mạnh.
Ông Nguyễn Hồng Quế cũng lưu ý các địa phương, đối với các dự án đầu tư công có thực hiện thu hồi đất, giải phóng mặt bằng, việc lập dự án thực hiện cần tính toán sát kinh phí cho công tác bồi thường. Trước đây, chi phí bồi thường được xác định theo bảng giá đất, tuy nhiên hiện nay đã được thay thế bằng giá đất cụ thể do các địa phương đề xuất. Do đó, khi lập dự án đầu tư mới, dù chưa có giá đất cụ thể nhưng các địa phương có thể dựa trên dữ liệu là giá đất cụ thể của các dự án đã được phê duyệt trước đó để tính toán kinh phí sát với thực tế. Hiện nay, việc định giá đất để bồi thường đã được tỉnh giao quyền chủ động cho các địa phương. Do đó, khi bố trí vốn, triển khai các dự án thì các địa phương cũng đồng thời ký hợp đồng với các đơn vị tư vấn để xác định giá đất cụ thể để khi hoàn tất hồ sơ chuyển lên cơ quan có thẩm quyền thì có luôn giá đất cụ thể.
“Khi đã phê duyệt giá đất cụ thể của dự án thì cần nhanh chóng áp giá, phê duyệt phương án bồi thường để chi trả tiền bồi thường, hỗ trợ. Không thể để tình trạng phê duyệt giá đất cụ thể từ năm nay nhưng năm sau mới phê duyệt phương án bồi thường, bởi khi đó sẽ xảy ra tình trạng khiếu kiện, đòi điều chỉnh, tăng mức đầu tư rất phức tạp và khó khăn khi xử lý. Đồng thời làm ảnh hưởng đến tiến độ dự án” - ông Nguyễn Hồng Quế cho biết thêm.
Phó chủ tịch UBND tỉnh Võ Tấn Đức cho rằng, để đẩy nhanh công tác giải phóng mặt bằng phục vụ cho các dự án đầu tư bằng nguồn vốn đầu tư công, các địa phương cần phối hợp chặt chẽ với Sở TN-MT, Sở Tài chính để hoàn thành nhanh các thủ tục, hồ sơ liên quan.
-
Bổ sung 3 khu công nghiệp Đồng Nai vào Quy hoạch
CafeLand - Thủ tướng Chính phủ đồng ý đề nghị của Bộ Kế hoạch và Đầu tư về việc bổ sung các khu công nghiệp trên địa bàn tỉnh Đồng Nai vào Quy hoạch phát triển các khu công nghiệp ở Việt Nam đến năm 2020.
-
Đồng Nai có quy định mới về bồi thường, hỗ trợ, tái định cư từ 5/11
UBND tỉnh đã ban hành Quyết định số 58/2024/QĐ-UBND ngày 25-10-2024 quy định về bồi thường, hỗ trợ, tái định cư khi nhà nước thu hồi đất trên địa bàn tỉnh Đồng Nai.
-
Đồng Nai chốt thời điểm hoành thành Vành đai 3, cao tốc Biên Hòa – Vũng Tàu
Lãnh đạo tỉnh Đồng Nai chỉ đạo các địa phương, sở ngành tập trung mọi nguồn lực để hoàn thành hai dự án hạ tầng trọng điểm là Vành đai 3, cao tốc Biên Hòa – Vũng Tàu đoạn qua địa bàn.
-
Kiến nghị làm thêm đường băng thứ 2 ở Sân bay Long Thành với kinh phí 3.455 tỷ
Sáng 2/11, đoàn công tác Ủy ban Kinh tế Quốc hội làm việc với tỉnh Đồng Nai và Tổng Công ty Cảng Hàng không Việt Nam (ACV) khảo sát vị trí đường sắt tốc độ cao trong khu vực sân bay Long Thành.