12/03/2020 6:55 PM
Tình hình kinh doanh ế ẩm khiến nhiều cơ sở phải đóng cửa, trả mặt bằng cho thuê, chấp nhận mất tiền cọc hàng trăm đến hơn tỉ đồng.

Mặt bằng cho thuê ở những con đường nhộn nhịp bậc nhất tại quận 1, quận 3, quận Phú Nhuận… (TP.HCM) luôn có giá cao chót vót. Thế nhưng cùng với diễn biến dịch COVID-19, những mặt bằng sang chảnh này đã dần mất giá và chủ nhà phải bấm bụng hạ giá mạnh tay để kiếm khách.

Giảm 3.000 USD/tháng vẫn không có khách

Con đường Phan Xích Long (quận Phú Nhuận) được xem là thủ phủ của ẩm thực và nhiều dịch vụ vui chơi của giới trẻ Sài thành. Thế nhưng gần đây nhiều chuỗi hệ thống cà phê, nhà hàng lớn đã phải đóng cửa, trả mặt bằng, chấp nhận mất món tiền cọc không hề nhỏ.

Một quán trong chuỗi hệ thống cà phê có tên tuổi chấp nhận mất cọc hơn 200 triệu đồng (đặt cọc ba tháng tiền thuê) để trả lại mặt bằng đẹp như mơ trên đường Phan Xích Long. Được biết mặt bằng này có giá thuê mỗi tháng là 90 triệu đồng. Hợp đồng thuê năm năm, nếu trả mặt bằng trước thời hạn khách phải chấp nhận mất cọc. Anh N., người xưng là chủ nhà, hứa hẹn sẽ giảm giá thêm nếu chúng tôi có thiện chí thuê lại.

Tương tự, một nhà hàng Hàn Quốc gần đó cũng đóng cửa mấy tháng nay mà chủ nhà vẫn chưa tìm được khách mới. Anh Sơn - một môi giới cho biết mặt bằng này ba lầu, diện tích 8 x 16 m, giá thuê cũ là 10.000 USD/tháng.

“Giá thuê sẽ tùy vào ngành kinh doanh của anh định làm. Chủ nhà có thể giảm 1.000-2.000 USD cho anh” - anh Sơn gợi ý.

Đường Phạm Ngọc Thạch kéo dài từ quận 3 sang quận 1 cũng là khu vực khá đông đúc các cơ sở kinh doanh. Gần đây, một số nhà hàng Nhật Bản, Hàn Quốc trên con đường này cũng đã phải trả mặt bằng với thiệt hại cả tỉ đồng tiền đặt cọc. Theo ông Tùng, chủ một mặt bằng ở đây thì khách thuê đã trả nhà mấy tháng rồi mà ông tìm đỏ mắt vẫn chưa có khách hàng mới.

Nhiều mặt bằng vị trí đẹp vẫn phải đóng cửa chờ khách thuê mới. Ảnh: QUANG HUY

“Giá thuê cũ là 25.000 USD/tháng, nay tôi giảm chỉ 22.000 USD/tháng thôi. Khách thuê trước trả mặt bằng, chấp nhận mất cọc tới 1,7 tỉ đồng” - ông Tùng cho hay.

Mặt bằng đắt đỏ nhất TP phải nhắc đến là đường Nguyễn Huệ (quận 1). Tất nhiên giá cho thuê tại đây cũng trên đỉnh. Chúng tôi liên hệ một số điện thoại cho thuê mặt bằng trên đường này thì được báo giá: “Căn này diện tích 4 x 20 m, một trệt hai lầu, giá thuê cũ là 15.000 USD/tháng nay giảm xuống chỉ còn 13.000 USD/tháng thôi”.

Các shophouse ở những khu dân cư sầm uất trên đường Phan Văn Trị, Nguyễn Văn Lượng (Gò Vấp) dù chủ nhà đã giảm đến 20% giá cho thuê trước đó mà vẫn không có khách.

Giá sẽ hạ khoảng 15%-20%

Phân tích về tình hình này, ông Ngô Đức Sơn, Phó Tổng giám đốc DRH Holdings, cho rằng ngoài dịch COVID-19 thì tình hình kinh doanh của nhiều cơ sở đã bị tác động từ các yếu tố khác. Đơn cử như việc Việt Nam bắt đầu tham gia các hiệp định thương mại tự do với nhiều cởi bỏ về thuế quan. Các nhà cung cấp trong nước gặp khó khi nhiều “ông lớn” nước ngoài đổ bộ.

Doanh nghiệp ngoại thường đầu tư xây dựng các trung tâm thương mại hoặc mua lại các hệ thống bán lẻ trong nước. Họ cạnh tranh khiến các cơ sở bán lẻ trong nước chủ yếu thuê mặt bằng nhà phố, shophouse bị ảnh hưởng, hạn chế mở rộng khiến thị trường cho thuê mặt bằng cũng khó khăn. Gây ảnh hưởng nặng nề nhất có lẽ là dịch COVID-19 bởi nó đã ảnh hưởng toàn diện lên các cơ sở kinh doanh, nhà hàng, trung tâm mua sắm...

Ông Sơn dự báo với tình hình khó khăn như hiện nay thì giá cho thuê mặt bằng có thể tiếp tục phải giảm khoảng 15%-20% trong năm nay và kéo dài tới năm sau. Xu hướng chủ nhà phải hợp tác với khách thuê để san sẻ khó khăn, cùng có lợi là cần thiết trong thời điểm này.

Theo TS Sử Ngọc Khương, Giám đốc Cấp cao Savills Việt Nam, dịch COVID-19 chưa được khống chế thì tình hình kinh doanh chắc chắn sẽ tiếp tục khó khăn. Đặc biệt, những cơ sở đang phải trả chi phí thuê mặt bằng cao sẽ buộc phải đóng cửa.

Nhiều doanh nghiệp sở hữu BĐS cho thuê đã chủ động giảm giá mặt bằng để chiến đấu cùng COVID-19. Mới đây, Tập đoàn Hưng Thịnh tuyên bố giảm giá thuê mặt bằng cho đến tháng 4, áp dụng tại hai trung tâm thương mại tại TP.HCM gồm Moonlight Plaza (Thủ Đức), Saigon Mia (Bình Chánh) và một địa điểm nữa là VungTau Melody tại TP Vũng Tàu. Mức giảm tùy từng đối tượng, dao động khoảng 20%-40%.

Theo Hiệp hội BĐS Việt Nam, dù chưa phổ biến nhưng một số chủ mặt bằng trên các tuyến đường lớn ở Hà Nội và TP.HCM vì không muốn để trống mặt bằng đã chủ động giảm 20%-30% giá cho thuê so với cuối năm 2019 để đôi bên cùng vượt khó.

Theo PLO
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.