Trong cuộc trò chuyện trước khi nghỉ Tết, một chuyên gia nghiên cứu thị trường bất động sản bán lẻ nhận định: siêu thị, cửa hàng ăn uống, nhượng quyền sẽ tiếp tục bùng nổ trong năm 2014.
Chuyên gia này cũng đưa ra đánh giá, lĩnh vực Food & Beverage (F&B) đang cứu các Shopping Mall khỏi sự sa sút. Đó là lý do mà các chủ đầu tư luôn dành từ 20 - 30% diện tích sàn trong trung tâm thương mại (TTTM) cho khách hàng F&B thuê.
Trong khi đó, giới săn mặt bằng thì lại nói vui rằng, 1/3 cửa hàng tại TP.HCM là... kiếm ăn trên vỉa hè! Vì đa số cư dân tại đây sử dụng phương tiện xe gắn máy nên họ rất ngại phải tốn nhiều thời gian cho việc đến các TTTM, gửi xe và sử dụng các dịch vụ. Chính vì lẽ đó, mặt bằng nhà phố vẫn còn chỗ đứng rõ rệt.
Hơn nữa, sự xuất hiện rầm rộ của McDonald's vào ngày 8/2 vừa qua cùng với tuyên bố sẽ phát triển khoảng 100 cửa hàng trong 10 năm tới (trung bình 10 cửa hàng/năm) đã cho thấy sức mạnh của "ông lớn" này một khi bước chân vào bất kỳ thị trường nào; đồng thời cũng châm ngòi cho một "cuộc chiến" mới cho lĩnh vực thức ăn nhanh trong cuộc săn lùng mặt bằng đẹp.
Còn nhớ, trước khi McDonald's triển khai cửa hàng đầu tiên tại bùng binh Điện Biên Phủ - Nguyễn Bỉnh Khiêm, TP.HCM, đối diện khu đất này là cửa hàng cà phê Trung Nguyên, nhưng sau công trình McDonald's dựng rào chắn thì phía khu đất đối diện cũng "cửa đóng then cài".
Ít lâu sau đó, thương hiệu thức ăn nhanh khác của Mỹ là Popeyes Chicken đã xuất hiện, thay thế Trung Nguyên.
Nhiều câu hỏi đã được đặt ra sau động thái này, tại sao Công ty TNHH Dịch vụ thực phẩm và giải khát Việt Nam (VFBS), đơn vị thuộc IPP Group không đặt Burger King mà là Popeyes? Phải chăng để tránh một cuộc đối đầu trực diện?
Lợi thế của McDonald's là sở hữu mặt bằng rộng, nếu không nói là "vị trí vàng" tại TP.HCM. Điều này được minh chứng qua cửa hàng thứ 2 chuẩn bị mở tại khu "mũi tàu" Trần Hưng Đạo - Phạm Ngũ Lão (quận 1), vị trí mà cả Lotteria, KFC hay Burger King đều thầm muốn.
Ngoài khu vực CBD (trung tâm), có thể thấy, chiến lược đặt cửa hàng của McDonald's là tại các cửa ngõ (cửa hàng đầu tiên đặt tại cửa ngõ phía Đông).
Một nguồn tin của Doanh nhân Sài Gòn tiết lộ, thương hiệu này đã "chỉ mặt đặt tên" cho một khu đất trên đường An Dương Vương, trục đường chính ra cửa ngõ phía Tây TP.HCM.
Không rầm rộ như các thương hiệu F&B, những "chiến mã” trong lĩnh vực siêu thị, trung tâm mua sắm cũng đã khởi tranh ác liệt. Sau khi dự án khu phức hợp TTTM - văn phòng - căn hộ cao cấp Cantavil (giai đoạn 2) hoàn thành, sự xuất hiện của Big C đã đặt ra nhiều thử thách cho những đối thủ khác, cụ thể là Metro.
Dù đặc tính của Metro là bán sỉ nhưng rõ ràng, trong thời gian qua, đây là trung tâm mang về doanh thu cao nhất cho họ vì gần như Metro "bao thầu" nguồn khách ở quận 2, một phần quận 9 và Bình Thạnh đến mua sắm.
Song, cuộc chiến sẽ không dừng lại ở đó vì trong tương lai không xa, nhà phát triển và điều hành các chuỗi bán lẻ hàng đầu Việt Nam Co.opMart là Saigon Co.op sẽ cùng với đối tác Singapore là Mapletree sẽ xây dựng một "đại siêu thị” tại khu City Horse (87ha tại phường An Phú, quận 2).
Trước đó, một "đại gia" khác trong ngành bán lẻ là Lotte (Hàn Quốc) dự kiến sẽ phát triển TTTM tại khu Thảo Điền (quận 2) nhưng theo giới thạo tin, Lotte đã rút khỏi dự án đắc địa nhất khu vực này.
Trong khi bên kia cầu Sài Gòn, ai là khách thuê khối đế thương mại tại dự án SSG Tower (khu Văn Thánh, trên đường Điện Biên Phủ, quận Bình Thạnh, dự kiến sẽ hoàn thành vào quý IV/2014) vẫn còn là ẩn số.