20/10/2010 8:43 AM
Đối với nhiều nhà đầu tư, tình hình bất động sản ở Dubai hiện nay thực sự là một thảm họa.

40%: Mức sụt giảm giá trị của dự án cao ốc căn hộ 29 Boulevard ở Dubai, tính từ năm 2008 đến nay. Nhiều dự án khác cũng rơi vào cảnh tương tự.
Vào một buổi chiều tháng 6 oi bức năm 2007, hơn 100 người cắm trại bên ngoài trụ sở của Emaar, một công ty bất động sản lớn ở Dubai, để giành cho được suất mua căn hộ thuộc dự án 29 Boulevard, dự kiến khai trương vào cuối năm 2010. Tuy nhiên, hiện nay, Dự án lại lâm vào cảnh chết dần chết mòn, giống như nhiều công trình khác ở tiểu vương quốc này. Giá trị của nó sụt giảm hơn 40% kể từ năm 2008, sau khi bong bóng bất động sản Dubai bị vỡ.

Cô Silvia Turrin, một nhà kinh doanh bất động sản và những người đã đặt cọc mua căn hộ thuộc dự án 29 Boulevard cho biết, họ đang gặp khó khăn bởi Emaar không chịu hoàn lại tiền, dù tiến độ xây dựng liên tục bị trì hoãn. ”Thị trường này không như ở phương Tây. Bạn sẽ rất khó rút vốn nếu dự án gặp sự cố. Và chúng tôi đang rơi vào tình cảnh này”, Turrin nói.

Trong thời kỳ thị trường bất động sản lên cơn sốt, Dubai đã tìm mọi cách chiêu dụ nhà đầu tư. Lúc đó, rất ít người quan tâm đến hệ thống pháp luật để giải quyết tranh chấp. Còn bây giờ, từ nhà đầu tư, chuyên gia pháp luật đến chuyên gia phân tích bất động sản đều thừa nhận rằng, những ai đã lỡ sa vào thì khó mà rút chân ra được. “Dubai phát triển quá nhanh trong một thời gian ngắn và hệ thống luật pháp thì vẫn đang cố gắng bắt kịp”, ông Graham Coutts, phụ trách thị trường Trung Đông của Công ty Tư vấn Bất động sản Jones Lang LaSalle, nhận định.

Tỉ lệ bỏ trống cũng là vấn đề lớn đối với bất động sản thương mại Dubai. Jones Lang LaSalle cho biết, nhiều tòa nhà sẽ bị “trùm mền” trong 5 năm tới, cho đến khi nhu cầu gia tăng trở lại.

Bà Ludmila Yamalova, Giám đốc Hãng Luật HPL Plewka & Coll (Đức), có nhiều năm kinh nghiệm xử lý tranh chấp bất động sản, cho biết, ngay cả khi nhà đầu tư trở lại thị trường vì mức giá thấp, họ cũng sẽ rất thận trọng và lo ngại cách giải quyết tranh chấp ở đây. Bà đang đại diện cho một nhà đầu tư người Đức kiện công ty Damac Properties (Dubai). Năm 2006, nhà đầu tư này đã bỏ ra gần 10 triệu USD để mua 5 bất động sản của Damac. Tuy nhiên, công trình không được giao đúng hạn khiến người này bị thiệt hại do đã ký hợp đồng cho thuê cửa hàng với các công ty bán lẻ. Bà Yamalova cố gắng đưa vụ việc ra Trung tâm Tài chính Quốc tế Dubai, một cơ quan nhà nước hoạt động dựa theo luật của nước Anh, độc lập với hệ thống tòa án ở Dubai. Khi đó, thân chủ của bà không cần có đại diện người Ả Rập để theo đuổi vụ kiện diễn ra bằng tiếng Ả Rập như các phiên tòa thông thường ở đây.

Theo bà Yamalova, năm 2008, Chính quyền Dubai đã ban hành nhiều luật mới điều chỉnh thị trường bất động sản. Tuy nhiên, đa phần luật mới mâu thuẫn với các điều luật trước đó và thường theo hướng có lợi cho các công ty phát triển bất động sản. Điều này càng khiến nhà đầu tư không mấy mặn mà với bất động sản Dubai.
Cafeland.vn - Theo Nhịp Cầu Đầu Tư
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.
Tags: cafeland