Kinh tế thế giới còn nhiều khó khăn, nhiều lao động Việt Nam phải trở về nước trước thời hạn khiến lượng kiều hối chuyển về cho thân nhân bị sụt giảm được xem là những lý do chính. Tuy nhiên, một số nhà băng còn cho biết, kiều hối chuyển về sụt giảm còn do các ngân hàng đã giảm lãi suất huy động ngoại tệ, cao nhất chỉ còn 3%, khiến lượng ngoại tệ chuyển về Việt Nam gửi tiết kiệm hưởng chênh lệch lãi suất cũng giảm theo.
Đại diện NHNN chi nhánh TP. HCM cho biết, trước tết Nguyên Đán lượng kiều hối chuyển về cho nhân thân qua hệ thống các NHTM trên địa bàn thành phố đạt 457,6 triệu USD. Song lượng kiều hối chuyển về nước qua các NHTM trên địa bàn tháng 2/2011 ước giảm 17,6% so với tháng 1/2011, do tháng 2/2011 có thời gian nghỉ Tết dài. Theo số liệu chính thức của NHNN chi nhánh TP.HCM, lượng kiều hối về qua các ngân hàng trên địa bàn cả năm 2010 đạt hơn 4,15 tỷ USD.
Dẫu vậy, một cán bộ cấp cao trong ngành ngân hàng lại cho rằng, sở dĩ kiều hối chuyển về nước có dấu hiệu giảm trong quý I do tính chất mùa vụ. Thông thường, các kiều bào gửi tiền về cho người dân trong nước tăng mạnh vào dịp lễ, Tết. Cụ thể là trong quý IV/2010, lượng kiều hối gửi về chiếm hơn 1/3 so với tổng số đạt được 8 tỷ USD cả năm. Vì thế, vị cán bộ trên cho rằng, khả năng nguồn kiều hối sẽ tăng trong nửa cuối năm nay.
Các ngân hàng cũng đặt kế hoạch tăng trưởng đáng kể trong lĩnh vực kiều hối trong năm nay. Ông Đặng Văn Thành, Chủ tịch HĐQT Ngân hàng Sacombank cho biết, năm 2010, Sacombank đạt doanh số chi trả kiều hối là 1,3 tỷ USD. Kế hoạch đặt ra cho năm nay tại Sacombank là 1,5 tỷ USD kiều hối.
Còn tại Công ty Kiều hối Đông Á, Giám đốc Trần Văn Trung cho hay, mục tiêu doanh số chi trả kiều hối năm 2011 sẽ tăng khoảng 20% so với năm 2010.
Trước đó, năm 2010, doanh số chi trả kiều hối tại Công ty Kiều hối Đông Á đạt 1,2 tỷ USD, tăng 20% so với năm 2009. Ông Trung cho biết thêm, công ty sẽ tiếp tục mở rộng, phát triển các sản phẩm bán chéo hỗ trợ kiều hối để gia tăng giá trị dịch vụ, tăng tính thuận tiện và tối đa lợi ích cho các khách hàng nhận kiều hối.
Hiện Công ty Kiều hối Đông Á đã kết hợp với Money Gram triển khai quầy giao dịch DongA – Money Gram đầu tiên tại Việt Nam. Chủ tịch kiêm Tổng giám đốc Công ty chuyển tiền quốc tế Money Gram, bà Pamela H. Patsley cũng cho rằng, với 8 tỷ USD tiền kiều hối chuyển về trong năm 2010, Việt Nam cũng là thị trường đang tăng trưởng đầy tiềm năng trong ngành công nghiệp chuyển tiền có doanh số 400 tỷ USD toàn cầu.
Theo báo cáo kiều hối và di trú trú toàn cầu của Ngân hàng Thế giới (WB) công bố mới đây, kiều hối chuyển về Việt Nam 2010 ước tính đạt hơn 8 tỷ USD tăng 25,6% so với năm 2009. Với gần 4 triệu Việt kiều đang sinh sống trên 90 quốc gia và vùng lãnh thổ cùng hàng vạn lao động xuất khẩu, Việt Nam đang là một trong 10 nước có lượng tiền kiều hối chuyển về lớn nhất thế giới, với bình quân tăng trên 10%/năm.
Việt Nam hiện đứng ở hàng thứ 16/30 quốc gia có lượng kiều hối chuyển về nhiều nhất và WB cũng dự báo lượng kiều hồi chảy về Việt Nam trong năm 2011 sẽ tăng thêm 6,2%.