19/03/2016 7:18 PM
Các ràng buộc của luật về tội cho vay lãi nặng hiện hành làm cơ quan tố tụng bó tay trong việc xử lý hình sự các chủ tín dụng đen nhưng từ ngày 1-7 tới, luật đã “cởi trói”.
Tín dụng đen hoành hành, đẩy con nợ vào cảnh khó, gây bất ổn xã hội đến nỗi tỉnh Cà Mau phải họp khẩn tìm hướng xử lý.
Trước khi có cuộc họp này, các con nợ của tín dụng đen đã tố giác, yêu cầu công an xử lý hình sự những người cho vay nặng lãi, xử lý các chủ nợ đã “lừa đảo” nhưng công an không xử lý được dù ai cũng biết họ cho vay lãi nặng.
Ràng buộc bằng định tính trong luật
Tại buổi họp, lãnh đạo Công an tỉnh Cà Mau cho biết qua công tác trinh sát và tố cáo của dân, xác định nhiều người chuyên cho vay đến hàng tỉ đồng. “Tuy nhiên, xử lý hành vi cho vay nặng lãi theo quy định của pháp luật là không dễ” - đại diện Công an tỉnh Cà Mau phát biểu.
Đại diện VKS, tòa án cũng than rằng khó xử lý hình sự những người cho vay nặng lãi. Do luật có kẽ hở cho họ lách nên phải xử lý bằng tranh chấp dân sự mà hầu hết phần thiệt về phía con nợ.
Việc không xử lý hình sự được không riêng gì ở Cà Mau mà xảy ra phổ biến ở khắp nước. Ở những tòa án mà chúng tôi đặt câu hỏi “có xét xử bị cáo nào về tội cho vay nặng lãi” thì hầu hết đều lắc đầu, có tòa cả chục năm nay chưa xử lý vụ nào về tội danh này!
Ở Đồng Nai, mới đây VKSND huyện Vĩnh Cửu đã phải đình chỉ một bị can dù công an đã chứng minh được người này cho hàng chục công nhân vay với mức lãi hơn 10 lần nhưng không chứng minh được yếu tố “cho vay chuyên nghiệp có tính chất bóc lột” nên thua!
Một nạn nhân ở Đồng Nai mất nhà vì tín dụng đen phải ra lề đường mưu sinh. Ảnh: T.DŨNG
Luật hiện hành ràng quá chặt
Một kiểm sát viên VKSND cấp cao (tại TP.HCM) nói: Cơ quan tố tụng rất ít khi xử lý tội cho vay nặng lãi bởi con nợ không đi tố giác, nếu công an mời chủ nợ bảo là thỏa thuận tự nguyện nên… đành chịu.
Thẩm phán Nguyễn Công Phú (Phó Chánh Tòa Kinh tế TAND TP.HCM) chỉ rõ cơ quan tố tụng không thể xử lý vì thiếu chứng cứ chứng minh họ cho vay “chuyên nghiệp, bóc lột” dù ai cũng biết họ chuyên hành nghề cho vay nặng lãi.
Còn luật sư Nguyễn Văn Hồng (Đoàn Luật sư TP.HCM) thì nêu: Luật hiện hành ngoài dấu hiệu cho vay với mức lãi suất cao hơn 10 lần thì còn phải thỏa mãn dấu hiệu “có tính chất chuyên nghiệp và bóc lột”. Tính chất này được hiểu là chủ nợ lợi dụng hoàn cảnh khó khăn, quẫn bách của người đi vay; cho vay lãi nặng nhiều lần, chuyên nghiệp, lấy việc cho vay lãi nặng làm nguồn sống chính của mình.
“Định lượng cao hơn 10 lần mức lãi suất cao nhất mà pháp luật quy định dễ chứng minh nhưng tính chất “chuyên nghiệp và bóc lột” đầy định tính. Chỉ cần người cho vay có một cơ sở kinh doanh, buôn bán, có thu nhập để sống ngoài tiền lãi cho vay thì không thể kết tội này” - luật sư Hồng nói.
Ông Cao Kỳ Dương, kiểm sát viên VKSND huyện Vĩnh Cửu - nơi vừa đình chỉ bị can LH về tội cho vay nặng lãi - nhìn nhận: Tình trạng cho vay nặng lãi phổ biến, để lại những hậu quả khôn lường nhưng khó và ít khi xử lý được vì không chứng minh được “tính chất chuyên nghiệp, bóc lột”. “Bị can LH mà viện vừa đình chỉ cũng vì lý do này” - ông nói.
Luật đã bỏ yếu tố “chuyên nghiệp, bóc lột”
Những vướng mắc trên đã được BLHS 2015 (có hiệu lực 1-7-2016) tháo gỡ để có thể xử lý hình sự người cho vay lãi nặng.
Thẩm phán Nguyễn Công Phú cho hay chẳng những cơ quan tố tụng mà nhà làm luật đã nhận thấy sự bất cập của điều luật hiện hành nên đã điều chỉnh để cơ quan tố tụng dễ dàng tấn công vào đám tín dụng đen.
Cụ thể, Điều 201 BLHS 2015 quy định: “Người nào trong giao dịch dân sự mà cho vay với lãi suất gấp năm lần mức lãi suất cao nhất quy định trong Bộ luật Dân sự, thu lợi bất chính từ 30.000.000 đồng đến dưới 100.000.000 đồng… thì bị phạt tiền từ 50.000.000 đồng đến 200.000.000 đồng hoặc phạt cải tạo không giam giữ đến ba năm”. Lãi suất theo Bộ luật Dân sự năm 2015 (có hiệu lực ngày 1-1-2017) là “không được vượt quá 20%/năm của khoản tiền vay”.
“Như vậy, theo quy định mới, luật đã bỏ các yếu tố cho vay “chuyên nghiệp có tính chất bóc lột” mà chỉ cần thỏa mãn dấu hiệu định tính “gấp năm lần” là có thể bị xử lý hình sự. Việc thay đổi này sẽ hạn chế cho vay lãi nặng chứ khó triệt tiêu hết vì người dân vẫn có nhu cầu vay” - ông Phú nói.
Tín dụng đen lãi suất cao hoặc rất cao đang rất phổ biến vì nhiều nguyên nhân: Người dân tiếp cận vay vốn ở ngân hàng, tổ chức tín dụng khó khăn, mất nhiều thời gian, cần tài sản thế chấp… Do vậy họ thường tìm đến tín dụng đen tiềm ẩn nhiều rủi ro pháp lý.
“Thủ tục” của tín dụng đen nhanh gọn, thậm chí trong vòng vài phút là quyết định cho vay nhưng buộc con nợ phải ký vào các hợp đồng mua bán nhà đất có công chứng. Việc công chứng này cũng nhanh gọn và khi xảy ra tranh chấp, dựa trên chứng cứ, bên vay dễ mất nhà, mất đất.
LS NGUYỄN VĂN HỒNG, Đoàn Luật sư TP.HCM
N.Nga - N.Hiền - T.Dũng (PLTP)
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.
CafeLand.vn là Network bất động sản hàng đầu tại Việt Nam và duy nhất chuyên về bất động sản. Cập nhật thực trạng thị trường bất động sản hiện nay, cung cấp cho các độc giả những thông tin chính xác và những góc nhìn phân tích nhận định về thị trường bất động sản từ các chuyên gia trong ngành. Ngoài ra, CafeLand còn cung cấp cho độc giả tất cả các thông tin về sự kiên, dự án, các xu hướng phong thủy, nhà ở để các bạn có cái nhìn tổng quan hơn về thông tin mua bán nhà đất tại Việt Nam.