11/10/2012 7:40 AM
Từng đứng ra bảo vệ quyền lợi cho nhiều trường hợp người dân bị chiếm đoạt vốn trong những dự án ma, Luật sư Trần Đình Triển - Trưởng phòng Luật sư Vì Dân cho rằng: “Người tiêu dùng, khách hàng bị lừa đảo trong các dự án “ma” đứng trước nguy cơ mất nhà, mất tiền và tan vỡ hạnh phúc gia đình”.

Sau khi phê duyệt, cấp phép cho hàng trăm dự án xây dựng khu thương mại, chung cư văn phòng giờ đến lúc chính cơ quan quản lý nhà nước phải giải quyết khiếu kiện của người dân. Nguy cơ người tiêu dùng mất trắng tiền mua nhà, tiền vốn góp tại các dự án “ma” đã rõ. Hệ lụy sau đó là những câu chuyện dài...

Khóc ròng vì dự án "ma"

Sau khi dự án được phê duyệt nhưng không có đủ tiềm lực tài chính, chủ đầu tư phải xoay tiền với chiêu bài bán nhà giá gốc, huy động tiền vốn góp của khách hàng. Tiếc rằng nguồn tiền huy động đó lại không được đầu tư đúng cam kết dẫn đến dự án bị ngừng gây thiệt hại cho khách hàng.

Mẹ bị bệnh nặng, lương hai vợ chồng chỉ đủ chi tiêu và dư ra chút đỉnh... dành dụm mãi, gia đình anh Lê Trung Thành (Hà Nội) quyết định mua căn hộ chung cư tại dự án Tincom Pháp Vân (Tứ Hiệp – Thanh Trì – Hà Nội). Lý do anh Thành chọn mua chung cư Tincom Pháp Vân vừa vì nhu cầu nhà ở của gia đình và cũng vì anh Thành cũng chính là cán bộ kỹ thuật giám sát việc ép cọc trong dự án.

Dự án vi phạm tiến độ, chiếm dụng tiền của khách hàng... chủ đầu tư bỏ trốn, người tiêu dùng không biết tìm ai

“Vì tin tưởng ban lãnh đạo công ty, tin vào dự án sẽ hoàn thành, nhưng khi dự án có dẫu hiệu vi phạm tiến độ tôi ý định muốn rút lại tiền thì họ trở mặt, với anh em cán bộ trong công ty còn như vậy, khách mua ngoài chắc họ bỏ trốn”, anh Thành ngậm ngùi. Được biết nguyên nhân anh Thành rút vốn vì thấy dự án chậm tiến độ, cũng vì muốn có tiền chạy chữa thuốc men cho mẹ đang bị ung thư máu.

Cũng trong hoàn cảnh tương tự, chị Nguyễn Thị Thúy Ngân - một trong những người đã đóng tiền mua căn hộ của Dự án Hesco Văn Quán, Nguyễn Trãi, của Chủ đầu tư là Công ty Cổ phần Thiết bị Thủy Lợi và Công ty Megastar, Công ty Hạ Long là đơn vị phân phối.

Khi khách hàng không còn đủ kiên nhẫn trước sự chây ỳ của chủ đầu tư, họ buộc phải đấu tranh bảo vệ quyền lợi của mình.

Hai vợ chồng chị Ngân mua căn hộ thuộc dự án Hesco Văn Quán. Tuy nhiên sau khi đóng đến 30% giá trị căn nhà (456.750.000 đồng, tiền chênh lên tới hơn 700 triệu đồng), thấy dự án không thi công, số tiền đóng đã không được sử dụng đúng như cam kết, Công ty Hạ Long có dấu hiệu lừa đảo chiếm dụng vốn của khách hàng... chị Ngân đã làm đơn xin được rút vốn. Nhưng đến thẳng công ty hoặc gọi điện thoại đến để hỏi, chị luôn nhận được câu trả lời của nhân viên: "Em đã gửi đơn đến ban giám đốc nhưng chưa nhận được câu trả lời, anh chị vui lòng chờ”. Nhưng chờ mãi vẫn chưa có câu trả lời, gọi điện cho giám đốc công ty này ông Phạm Như Quỳnh nhưng cũng không thấy hồi âm.

Sự chây ỳ của chủ đầu tư trong việc hoàn trả số tiền mua nhà và vốn góp của chủ đầu tư ngày càng lộ rõ. Chị Nguyễn Thị Bạch Tuyết (Phú Nhuận – TP.HCM) là trường hợp điển hình, do nhu cầu nhà ở nên chị Tuyết ký hợp đồng mua căn hộ thuộc dự án chung cư La Bonita. Nhưng dự án này đang tiến hành xây dựng đến tầng 3 thì đột ngột dừng lại, suốt thời gian dài sau đó không thi công tiếp. Lo lắng số tiền đóng mua căn hộ bị chiếm dụng, chị Tuyết đã đề nghị được rút tiền đã đặt cọc.

Đồng ý với yêu cầu của khách hàng, ngày 23/5/2012 ông Nguyễn Anh Quốc - Giám đốc Công ty TNHH BĐS Nam Thị (chủ đầu tư dự án chung cư La Bonita), đã ký bản thanh lý hợp đồng mua bán căn hộ chung cư số 23/HĐMB/NT-LaBonita với chị Tuyết. Theo điều quy định trong biên bản, phía Công ty Nam Thị phải thanh toán hoàn trả số tiền gần 400 triệu đồng cho chị Tuyết trước ngày 21/6/2012 tuy nhiên đến nay không những không trả tiền khi Toàn án nhân dân quận Bình Thạnh có giấy triệu tập giải quyết, Công ty TNHH BĐS Nam Thị vẫn chây ỳ như thách thức pháp luật.

Người dân "thiệt đơn thiệt kép"

Từng đứng ra bảo vệ quyền lợi cho nhiều trường hợp người dân bị chiếm đoạt vốn trong những dự án ma, Luật sư Trần Đình Triển, trưởng phòng Luật sư Vì Dân cho rằng: “Người tiêu dùng, khách hàng bị lừa đảo trong các dự án “ma” đứng trước nguy cơ mất nhà, mất tiền và tan vỡ hạnh phúc gia đình”. Trong nhiều vụ việc tham gia bảo vệ người tiêu dùng bị lừa đảo khi mua nhà trong các dự án chung cư. Luật sư Trần Đình Triển nhớ nhất trường hợp vợ chồng chị Nguyễn Thị H. khi gia đình đang trước cảnh ly hôn vì vay nợ ngân hàng mua nhà chung cư.

Chuyện là chị H. nghe bạn giới thiệu mua căn hộ chung cư thuộc một dự án ở Hà Đông. Sau đó do thiếu tiền chị H.đã giấu chồng vay ngân hàng hơn 200 triệu để đặt cọc tiền nhà. Sau đó dự án ngừng trệ, tìm gặp chủ đầu tư thì vô vọng, chuyện vỡ lở... vợ chồng chị H. dẫn đến tranh cãi suýt ra tòa ly hôn.

Luật sư Trần Đình Triển: "Người dân thiệt đơn thiệt kép ở dự án ma"

Theo LS Triển, thực tế người dân có nhu cầu bức thiết nhà ở lại không có tiền vì vậy số tiền mua nhà chủ yếu vay ngân hàng thậm chí vay lãi cao. Nhưng khi dự án bị treo, chủ đầu tư bỏ trốn thì việc đòi tiền để trả ngân hàng hết sức khó khăn. “Thậm chí nhiều gia đình có nguy cơ đứng đường vì đã cầm cố tài sản mua chung cư” – LS Trần Đình Triển cho biết thêm.

Không chỉ người dân mua nhà trong các dự án bị thiệt hại, theo Luật sư Trần Đình Triển trước khi dự án đi vào khởi công người dân mất đất cho dự án "ma" mới đáng thương nhất. Chuyện đền bù chưa thỏa đáng dẫn đến đời sống của họ vốn khó khăn giờ càng khó khăn hơn. "Người dân mất đất có khu tái định cư hoặc có nhưng không đảm điều kiện sống, họ thiếu trăm thứ từ điện, đường, nước những nhu cầu đơn giản nhất" - Luật sư Triển phân tích.

Theo Hoàng Lực (GDVN)
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.