Dự thảo sửa đổi, bổ sung Luật Chứng khoán được Quốc hội thảo luận tại hội trường vào hôm qua, 10-11 với việc sửa đổi, bổ sung 16 điều và bãi bỏ một điều. Nội dung sửa đổi, bổ sung tập trung chủ yếu vào một số vấn đề như: chào bán chứng khoán riêng lẻ, chào mua công khai, hoạt động của công ty chứng khoán, công ty quản lý quỹ, việc công bố thông tin và xử lý vi phạm.

Hai trong số các yêu cầu đặt ra khi sửa luật này, theo tờ trình của Chính phủ, là nhằm giải quyết những vấn đề thực sự vướng mắc trong thực tiễn hoạt động của thị trường chứng khoán cũng như thực tế thi hành Luật Chứng khoán. Thế nhưng, điểm vướng mắc cơ bản nhất là nâng cấp địa vị pháp lý cho cơ quan quản lý thị trường là Ủy ban Chứng khoán Nhà nước (UBCKNN) đã bị bỏ qua, ngay từ khi soạn thảo luật sửa đổi bổ sung và cả sau khi có những ý kiến đóng góp của các đại biểu Quốc hội.

Thực ra điều này cũng có thể hiểu được bởi cơ quan trực tiếp soạn thảo dự luật sửa đổi, bổ sung là UBCKNN. Trong khi đó, Bộ Tài chính, cơ quan chủ quản của UBCKNN lại chưa muốn “cho con ra riêng”. Như vậy, liệu “đứa con” này có dám làm trái ý “cha mẹ” ngay từ khi chấp bút làm dự thảo không?

Thực tế xây dựng pháp luật ở Việt Nam vẫn thường xảy ra những tình huống như vậy và Quốc hội, với tư cách là cơ quan quyền lực cao nhất, phải đứng ra bảo vệ những mong muốn chính đáng của “những đứa con” đã trưởng thành này.

Thế nhưng, dường như Quốc hội thường đứng về phía “các bậc cha mẹ” với những lý do chẳng mấy thuyết phục. Trong báo cáo thẩm tra sơ bộ dự thảo luật trước khi trình ra Quốc hội, Ủy ban Kinh tế của Quốc hội cũng đã thừa nhận việc sửa đổi, bổ sung luật lần này là chưa triệt để. Cụ thể, ủy ban này cho rằng do UBCKNN trực thuộc Bộ Tài chính nên bị hạn chế về thẩm quyền, không thể xử lý nhanh nhạy những tình huống phát sinh trên thị trường chứng khoán - vốn là thị trường phức tạp, luôn có những diễn biến, thay đổi rất nhanh và chịu tác động của nhiều yếu tố trong và ngoài nước.

Và cũng chính ủy ban này, chính xác hơn là Thường trực Ủy ban, lại cho rằng địa vị pháp lý của UBCKNN là một vấn đề lớn, có ảnh hưởng chi phối đến nhiều nội dung khác của luật, trong khi Luật Chứng khoán mới có hiệu lực thi hành hơn ba năm, cần có thời gian để tổng kết, đánh giá một cách đầy đủ. Hơn nữa, luật hiện hành đã trao khá nhiều quyền hạn cho UBCKNN, nên Thường trực Ủy ban Kinh tế tán thành với việc chưa sửa đổi những quy định về địa vị pháp lý của UBCKNN trong lần sửa luật này.

Có điều thực tế thường đi trước luật, chứ không chờ luật, và nếu cứ phải đi trước quá lâu thì nó sẽ gây ra những ảnh hưởng không tốt cho thị trường. Đơn cử, trong tình hình thị trường giao dịch lình xình hoặc có xu hướng đi xuống như hiện tại thì ít ai muốn vay tiền mua chứng khoán mà nhiều người lại muốn vay, mượn cổ phiếu để bán khống.

Luật Chứng khoán hiện hành không cấm làm điều này nhưng có ràng buộc phải theo quy định của Bộ Tài chính. Và một khi Bộ Tài chính vẫn chưa có quy định thì các công ty chứng khoán không thể thực hiện nghiệp vụ này, nhưng thị trường thì không chờ quy định. Nó làm phát sinh một “chợ đen” cho vay chứng khoán, tức là giữa các nhà đầu tư cho vay mượn lẫn nhau mà không hề bị pháp luật cấm.

Hay từ tháng 11 năm ngoái, UBCKNN đã tổ chức lấy ý kiến về dự thảo Thông tư hướng dẫn giao dịch mua chứng khoán ký quỹ, trong đó có những thay đổi như cho nhà đầu tư được mở nhiều tài khoản, cho phép mua bán chứng khoán cùng phiên, nhưng đến nay vẫn chưa thấy thông tư được ban hành (vì cơ quan có thẩm quyền ban hành thông tư là Bộ Tài chính, chứ không phải là UBCKNN). Và còn rất nhiều ví dụ nữa cho thấy thẩm quyền của UBCKNN đang bị hạn chế rất nhiều do còn trực thuộc Bộ Tài chính.

Điều mà các thành viên thị trường mong đợi không phải là UBCKNN được trao nhiều quyền hạn như Bộ Tài chính và Thường trực Ủy ban Kinh tế đã dẫn ra để bảo vệ quan điểm của mình, mà là quyền hạn phải đủ mạnh, ngang tầm với trách nhiệm được giao là cơ quan quản lý thị trường. Với yêu cầu như vậy đòi hỏi quy trình sửa luật nên có những thay đổi cho phù hợp hơn, tránh tình trạng các cơ quan nể nang nhau để “cả nhà đều vui” nhưng thị trường, nhà đầu tư lại chịu thiệt.

Cafeland.vn - Theo TBKTSG
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
 
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.
Tags: cafeland