Cơ quan chức năng khám xét một trường hợp lừa đảo bất động sản
“Lỗi” của bị hại
Trở lại vụ án Công ty CP Thương mại quốc tế Galaxy BSG Việt Nam trong thời gian dài, nhiều nhà đầu tư phát sốt với thông tin được quảng cáo trên các trang mua - bán bất động sản: “Phía tây giáp đường Trung Kính đang mở 40 mét, phía đông nhìn ra đường Phạm Hùng, phía bắc nhìn ra đường Trần Duy Hưng, phía nam nhìn ra hồ điều hòa”. Đúng là nhóm lừa Nguyễn Hữu Trọng đã chuẩn bị công để “thuyết khách”. Nhưng giá như các bị hại - nhà đầu tư cẩn thận hơn trước khi đặt cọc, bằng cách xác minh thông tin ở chính quyền cơ sở, thì chắc chắn họ đã không mất tiền. Và thực tế, động tác này là rất đơn giản. Kiểm tra kỹ thông tin về các dự án trước khi quyết định đầu tư, khuyến cáo đó của cơ quan chức năng dường như chưa thấm được đến nhiều người dân vốn đang quay cuồng trong cơn lốc bất động sản.
Nhìn nhận những sơ hở
…và thi hành lệnh bắt một chủ tịch HĐQT… lừa
Ai đó đã nhận xét rất đúng: “Thị trường bất động sản không khác… ma
trận”. 29 quận, huyện của Hà Nội, nơi nào cũng thấy các dự án bất động
sản. Dự án nào tên cũng rất “kêu”. Vào Internet, gõ từ khóa “mua bán bất
động sản”, người đọc sẽ bội thực về thông tin và một điều chắc chắn,
không ít thông tin trong đó là chiêu lừa của những dự án “ma”. Các cơ
quan thông tin đại chúng đã phản ánh nhiều về hoạt động bất ổn của không
ít sàn giao dịch bất động sản, của các kênh tiếp thị mua bán nhà - đất
qua mạng Internet. Có khi chỉ một dự án bất động sản, nhưng “sàn” nào,
anh nào cũng nhận nó là sản phẩm của mình, tha hồ hét giá, mặc cả, cò
kè.
Thậm chí chẳng cần có dự án, thông tin chào bán vẫn nhan nhản xuất hiện. Đúng là người dân - nhà đầu tư có lỗi do chủ quan, không kiểm tra thông tin trước khi quyết định đặt cọc, mua nhà, đất, nhưng vấn đề kiểm soát thông tin, kiểm soát thị trường cũng rất cần đặt ra đối với cơ quan chức năng. Hầu như chưa có cơ quan nào chủ động phát hiện, ngăn chặn thông tin về dự án bất động sản “ma” trên mạng Internet, trên thị trường. Việc khám phá, xử lý hành vi lừa đảo của các đối tượng đều bắt nguồn từ tố giác của người dân - bị hại. Sử dụng Internet để câu kéo khách hàng giao dịch bất động sản chính là chiêu thức đang và sẽ bị các đối tượng lừa đảo tận dụng. Chiêu thức ấy cần cơ quan chức năng quan tâm, kiểm soát và điều chỉnh. Cùng với đó là yêu cầu phải xử lý nghiêm những sàn bất động sản tiếp tay cho những dự án “ma”. Phải khẳng định một điều, sẽ không dự án “ma” nào qua mặt được sàn bất động sản, nếu chủ sàn hay nhân viên của sàn đó có ý thức kiểm soát thông tin về dự án.
Bên cạnh đó là việc tuyên truyền, thông báo rộng rãi của cơ quan chức năng về thủ đoạn của loại tội phạm này. Phần lớn những vụ án hiện nay, người dân chỉ được biết tên tuổi đối tượng gây án và số tiền chúng lừa đảo được. Còn cách thức lừa ra sao, pháp nhân nào bị đối tượng lợi dụng, lại không rõ ràng. Giữ “uy tín” cho pháp nhân bị đối tượng lừa xâm hại có lẽ là một quan điểm từ phía cơ quan chức năng, nhưng rõ ràng, nó không hề có lợi cho người dân. Những tồn tại trong công tác phòng ngừa nêu trên đang kéo dài và chắc chắn cũng sẽ khiến số vụ án, danh sách bị hại trong lĩnh vực bất động sản kéo dài.