25/06/2013 3:48 PM
Sau 3 ngày xét xử và nghị án, ngày 12/6 vừa qua, Tòa án nhân dân (TAND) TP Hà Nội đã tuyên phạt Nguyễn Nha Trang, 31 tuổi, trú tại phường Thịnh Quang, Hà Nội tù chung thân với cáo buộc đã lừa đảo 7 cá nhân tổng số tiền 21 tỉ đồng. Tạo cho mình vỏ bọc sang trọng của một đại gia bất động sản, cộng thêm nhan sắc rực rỡ và miệng lưỡi dẻo quẹo, Nha Trang đã phù phép biến những lô đất trong diện quy hoạch, bị thu hồi thành tiền tỉ và bùa phép trong những phi vụ lừa đảo này cũng vẫn chỉ là những cuốn

Tuy nhiên, Nha Trang không phải là siêu lừa duy nhất bằng thủ đoạn này. Chỉ tính riêng năm 2012 và nửa đầu 2013, TAND TP Hà Nội đã đưa ra xét xử hàng loạt những vụ lừa bất động sản bằng sổ đỏ rởm tương tự.

Bởi vậy, trong các giao dịch liên quan tới thế chấp, mua bán bất động sản, hãy đừng coi sổ đỏ là bằng chứng tin cậy duy nhất!

1. Gương mặt đẹp, một vẻ đẹp bốc lửa, lại ăn nói có duyên, Nguyễn Nha Trang rất dễ gây thiện cảm với những ai có dịp tiếp xúc. Thêm nữa, Trang lại là con gái của một doanh nhân, chủ một tập đoàn tư nhân mà trên website của tập đoàn này ngập tràn hình ảnh về những chuyến đi làm từ thiện. Hơn thế, Trang còn rất biết tạo cho mình phong cách của một đại gia với đồ dùng hàng hiệu, xe hơi đắt tiền có tài xế riêng, với lời nói có gang có thép.

Người phụ nữ bán hàng quần áo ở chợ Kim Liên, người sau này bị Trang lừa cho cú đúp mất tiền tỉ, kể lại, cô ấy là khách hàng VIP hay tới mua quần áo với số lượng lớn bảo để đi làm từ thiện. Nhìn cô ấy thì rõ là người giàu có, sang trọng.

Đã bị bắt tạm giam nhiều tháng trước đó, ra tòa rồi mà Nguyễn Nha Trang vẫn còn cố níu giữ phong cách của đại gia với phấn son tưng bừng, đốt thuốc lá phì phèo trong giờ tòa nghỉ và luôn lớn tiếng tranh luận về các loại hợp đồng, các quy định thủ tục mua bán bất động sản… để hòng thoát tội.

Thế nên khi còn tung hoành ở ngoài xã hội, đại gia Nha Trang mới có thể dễ dàng lừa được nhiều tỉ đồng chỉ bằng một cuốn sổ đỏ đã tẩy xóa.

Số là, vào khoảng tháng 4/2010 chị Nguyễn Thúy Hằng có nhu cầu mua đất làm nhà ở nên đã được một người quen giới thiệu đến gặp Trang vì Trang cũng đang nhờ bán một mảnh đất diện tích 284m2 tại phường Định Công, quận Hoàng Mai, Hà Nội.

Gặp Trang, chị Hằng được biết mảnh đất này đứng tên chồng của Trang là anh Nguyễn Minh Quang. Thấy mảnh đất ưng ý và hợp túi tiền, chị Hằng xúc tiến việc mua bán với vợ chồng Trang. Hai bên thỏa thuận giá cả là 3,3 tỉ đồng.

Ngày 16/4/2010, chị Hằng cùng vợ chồng Trang - Quang đến Văn phòng Công chứng Hoàn Kiếm để làm thủ tục mua bán. Tuy nhiên, công chứng viên cho biết, không thể tiến hành làm thủ tục mua bán chuyển nhượng đối với mảnh đất này được vì chủ sở hữu còn nợ tiền sử dụng đất, chưa hoàn thành nghĩa vụ tài chính với Nhà nước.

Bởi vậy, để thực hiện được giao dịch mua bán, Trang đề nghị thay vì làm hợp đồng mua bán thì sẽ làm hợp đồng ủy quyền với nội dung: "Chị Hằng được toàn quyền quản lý, đóng thuế nợ tiền sử dụng đất với Nhà nước và sau khi hoàn thành nghĩa vụ tài chính với Nhà nước, chị Hằng được phép sử dụng cho thuê, chuyển nhượng toàn bộ quyền sử dụng đất nói trên".

Sau khi ký xong hợp đồng ủy quyền, coi như việc mua bán đã xong, chị Hằng đã chuyển trả cho Trang toàn bộ số tiền 3,3 tỉ đồng như đã thỏa thuận. Đổi lại, Trang đưa cho chị Hằng bản gốc sổ đỏ mảnh đất trên.

Cầm được sổ đỏ gốc trong tay, cộng với bản hợp đồng ủy quyền định đoạt mảnh đất nói trên, chị Hằng yên tâm về độ chắc chắn của giao dịch này.

Hai tháng sau, chị đến UBND phường Định Công để làm thủ tục nộp thuế lô đất này thì mới té ngửa khi được biết, mảnh đất trên nằm trong khu vực quy hoạch phải thu hồi. Và trên thực tế, từ cuối tháng 7/2009 tức là trước thời điểm Trang bán cho chị gần một năm, thì UBND quận Hoàng Mai đã ra quyết định thu hồi. Đồng thời, UBND phường Định Công cũng đã ra thông báo thu hồi sổ đỏ của các diện tích nằm trong diện quy hoạch trong đó có mảnh đất này.

Chưa hết, cũng mãi đến tận lúc này, chị Hằng mới biết rằng trên sổ đỏ nguyên bản thì tại mục IV có ghi rất rõ ràng: "Thửa đất tại khu vực quy hoạch phải thu hồi". Nhưng tại sổ đỏ mà Nha Trang giao cho chị thì không hiểu sao dòng chữ này đã không còn nữa. Kết quả giám định của Phòng Kỹ thuật hình sự Công an TP Hà Nội cho thấy, mục IV ghi trên sổ đỏ này đã bị tẩy xóa nội dung cũ bằng phương pháp cơ học và nội dung bị tẩy xóa đọc được là: "Thửa đất thuộc khu vực quy hoạch phải thu hồi".

Như vậy, với cuốn sổ đỏ thật nhưng đã bị tẩy xóa một phần nội dung, Nguyễn Nha Trang đã lừa đảo chị Hằng để bán trót lọt một lô đất đã có quyết định thu hồi. Đây là một thủ đoạn lừa đảo tinh vi vì đất thật, sổ đỏ cũng thật nên người mua dù muốn cũng rất khó kiểm tra. Bản thân chị Hằng, tại Cơ quan điều tra cũng khai rằng, trước khi giao tiền cho Nha Trang, chị cũng đã xuống Định Công tận mắt xem lô đất này nhưng chị hoàn toàn không hay biết nó đã có quyết định thu hồi, bởi chị tin vào cuốn sổ đỏ. Nhưng, trớ trêu là cuốn sổ đỏ này đã bị tẩy xóa đi cái phần quan trọng nhất.

Mánh lới này quả là tinh vi nhưng đây không phải thủ đoạn mới lần đầu tiên bị phát hiện. Trước đó, TAND TP Hà Nội đã đưa ra xét xử một vụ án lừa đảo 9,7 tỉ đồng mà thủ đoạn lừa đảo cũng là những bìa sổ đỏ… thật. Chủ mưu trong vụ lừa đảo tinh vi này là Nghiêm Thị Viết, 44 tuổi, nguyên Giám đốc một doanh nghiệp tư nhân ở Đông Anh, Hà Nội.

Để vay được 3 tỉ đồng của chị Nguyễn Thị Nga ở phố Bùi Thị Xuân, Hà Nội, Nghiêm Thị Viết đã giao cho chị Nga một sổ đỏ để làm tin. Sổ đỏ này mang tên ông Trần Công Sơn và bà Trần Thị Ngọc ở phường Phú Thượng, quận Tây Hồ, Hà Nội chủ sở hữu mảnh đất có diện tích 384m2. Tuy nhiên, tại bìa 4, trong phần ghi chú về thay đổi chủ sở hữu có nội dung: đã sang tên cho bà Nghiêm Thị Viết ngày 12/3/2008 có ký tên, đóng dấu của Văn phòng Đăng ký đất và nhà quận Tây Hồ.

Kèm theo sổ đỏ, Viết còn chuyển cho chị Nga bản hợp đồng chuyển nhượng quyền sử dụng mảnh đất nói trên từ ông bà Sơn - Ngọc cho Viết có chữ ký, đóng dấu của Phòng Công chứng số 5. Với ngần ấy giấy tờ, Viết đã có đủ căn cứ để chứng minh rằng, mảnh đất 384m2 của ông Sơn - bà Ngọc đã thuộc quyền sở hữu hợp pháp của Viết.

Sau khi bị Viết xù nợ, chị Nga đã tố cáo tới Công an và kết quả giám định của Cơ quan điều tra cho thấy: Sổ đỏ mang tên ông bà Sơn - Ngọc là sổ đỏ thật nhưng phần ghi chú về thay đổi chủ sở hữu tại bìa 4 là giả. Toàn bộ nội dung cũng như chữ ký của người có thẩm quyền và con dấu của Văn phòng Đăng ký nhà đất quận Tây Hồ là giả mạo. Bản hợp đồng chuyển nhượng kèm theo với con dấu của Phòng Công chứng số 5 cũng là giả mạo hoàn toàn.

Hàng loạt sổ đỏ giả do đường dây của Nguyễn Thị bằng An “chế tạo” đã bị Cơ quan Điều tra thu giữ.

2. Ngoài thủ đoạn tẩy xóa nội dung trên sổ đỏ thật, thời gian gần đây, bọn tội phạm còn sử dụng một chiêu lừa nữa đó là in các nội dung giả mạo trên phôi thật của sổ đỏ mà vụ án Lê Bá Quỳ ở Gia Lâm, Hà Nội đã bị TAND TP Hà Nội tuyên phạt tù chung thân hồi cuối năm 2012 là một ví dụ.

Theo tài liệu truy tố, do có mối quan hệ từ trước, cuối năm 2008, Quỳ bàn với Phùng Văn Thúy, cựu cán bộ địa chính xã Yên Thường, Gia Lâm lấy cắp phôi của Phòng Tài nguyên Môi trường huyện Gia Lâm mang về để làm giả các giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (sổ đỏ), rồi mang đến các ngân hàng thế chấp vay vốn, hòng chiếm đoạt. Sẵn có 27 bộ phôi "dư thừa" do việc chuyển công tác từ UBND huyện về làm cán bộ địa chính xã Yên Thường nên Thúy đồng ý ngay.

Ngay khi nhận toàn bộ số phôi đó, Quỳ, Thúy và một đối tượng nữa đã tiến hành kẻ vẽ sơ đồ, ghi các số liệu trên máy vi tính, rồi cho ra đời hàng chục "sổ đỏ" giả bằng phương pháp in lưới và in phun. Tiếp đến, Quỳ thuê người khắc con dấu giả, giả mạo chữ ký của Chủ tịch, Phó chủ tịch UBND huyện Gia Lâm và lãnh đạo các phòng, ban liên quan, rồi "cộp" dấu vào các "sổ đỏ" giả mạo ấy. Sổ đỏ giả này, Lê Bá Quỳ đã đem đến nhiều ngân hàng trên địa bàn Hà Nội để thế chấp vay tiền với số lượng lớn.

Cũng với thủ đoạn tương tự, Phạm Tâm Hậu, nguyên Giám đốc Công ty TNHH Nhật Hoàng ở Thanh Oai, Hà Nội cũng đã “chế tạo” 2 sổ đỏ giả thể hiện mình là chủ sở hữu của 270m2 đất tại Xa La, Hà Đông. Sau đó, Hậu đem một cuốn đi thế chấp vay gần 4 tỉ đồng còn cuốn kia thì Hậu dùng để bán đất ảo cho một người mua đất với giá 3 tỉ đồng.

Đào Thị Hồng trú tại phố Lê Trực, Hà Nội, bị cáo mới bị TAND TP Hà Nội tuyên phạt 20 năm tù giam giữa tháng 5 vừa qua, cũng bằng thủ đoạn làm giả sổ đỏ ngôi nhà của chính mình, để làm tin vay 1,78 tỉ đồng của 3 người quen. Trên thực tế thì sổ đỏ thật của ngôi nhà này đã bị thế chấp ở ngân hàng và để có tiền giải chấp cho ngân hàng thì Hồng đã làm giả một cuốn sổ đỏ để đi vay tiền của 3 cá nhân. Sau khi giải chấp xong, rút được sổ đỏ thật về, Đào Thị Hồng đã bán luôn căn nhà này.

Nhưng đường dây làm sổ đỏ giả khủng nhất Hà Nội phải kể đến là của Nguyễn Thị Bằng An. Dựa vào mảnh đất 450m2 có thật của bố mẹ đẻ ở tổ 47 phường Dịch Vọng Hậu, quận Cầu Giấy, Hà Nội, An đã thuê người "chế tạo" hàng chục sổ đỏ giả để thế chấp vay tiền với số lượng lớn chiếm đoạt gần 40 tỉ đồng của nhiều cá nhân.

3. Với công nghệ in ấn hiện đại như hiện nay, việc làm sổ đỏ giả hoặc tẩy xóa một phần nội dung trên sổ đỏ thật không còn là việc quá khó khăn. Bằng máy scan, máy in màu, bọn tội phạm có thể chế tác ra hàng loạt sổ đỏ giả y chang như thật mà bằng mắt thường sẽ rất khó để phân biệt thật - giả. Nhất là khi không có sổ thật để đối chiếu, so sánh.

Tuy nhiên, theo các điều tra viên thì nếu để ý kỹ sẽ có thể phát hiện ra những dấu hiệu bất thường trên các sổ đỏ giả. Dễ nhận thấy nhất là phần dấu nổi và chữ ký của người có thẩm quyền.

Nếu sổ thật thì phần dấu nổi sẽ nổi đều. Với sổ thật thì do chịu sức dập của máy, nhìn là thấy rõ nổi và chìm, còn sổ giả thì nhìn chỉ là bản chụp. Nếu là sổ đỏ thật thì nhìn nghiêng trên chữ ký thật sẽ thấy dấu vết của lực tỳ ấn khi ký.

Một khuyến cáo hữu ích được các luật sư đưa ra tại các phiên tòa xét xử các vụ án lừa đảo bằng sổ đỏ, đó là: đừng coi sổ đỏ là vật làm tin duy nhất đảm bảo cho mọi giao dịch có liên quan đến mua bán, cầm cố, thế chấp nhà đất. Bằng không rất có thể một bên giao dịch sẽ dính bẫy lừa, mất tiền oan. Căn cứ trên các dữ liệu có trên sổ đỏ như số vào sổ, ký hiệu, chữ ký của người có thẩm quyền, người tham gia giao dịch hãy cẩn trọng kiểm tra lại ở các cơ quan có thẩm quyền mà cụ thể là Phòng Tài nguyên Môi trường thuộc các quận huyện hoặc bộ phận chức năng về nhà đất tại các phường, xã, thị trấn. Bằng việc kiểm tra này, sẽ phát hiện ra những sổ đỏ giả, thậm chí cả những sổ đỏ in nội dung giả trên phôi thật.

Một khuyến cáo nữa là các bên tham gia vào các giao dịch liên quan đến sổ đỏ, phải tuân thủ đúng theo quy định của pháp luật. Như, đối với người mua cần làm các thủ tục sang tên đổi chủ kịp thời tại thời điểm mua bán. Như, đối với nhà đất là tài sản thế chấp tại ngân hàng thì các cán bộ tín dụng phải tuân thủ đúng các quy định về kiểm tra, thẩm định tài sản thế chấp. Khi tiến hành các thủ tục này theo quy định thì sổ đỏ rởm ngay lập tức sẽ bị phát hiện

Song Thi (Công an nhân dân)
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.