Giá than bắt đầu hạ nhiệt
Nếu như năm 2021, ngành xi măng bị ảnh hưởng nặng nề bởi tình hình giãn cách kéo dài, ảnh hưởng lưu thông, hoạt động kinh doanh bị đình trệ thì năm trong 2022 và năm nay, mọi sự chú ý đều hướng về giá than.
Với ngành xi măng, than là nguyên, nhiên liệu đầu vào quan trọng, chiếm khoảng 40-45% chi phí sản xuất. Hiện các các doanh nghiệp xi măng trong nước sử dụng cả than nhập khẩu và than nội địa. Trong đó, 70% nguồn cung than của ngành xi măng đến từ nhập khẩu. Vì vậy, giá than tăng mạnh trong khi tiêu thụ lại có xu hướng chững lại khiến các doanh nghiệp xi măng gặp nhiều khó khăn.
Lợi nhuận doanh nghiệp xi măng sẽ hồi phục từ quý 3/2023 và tăng trưởng rõ rệt từ 2024
Trong báo cáo mới đây, Công ty Chứng khoán Mirae Asset cho rằng giá than sẽ có sự điều chỉnh hợp lý trong năm 2023, qua đó giúp lợi nhuận của các doanh nghiệp xi măng phục hồi.
Nếu như trong năm 2022, giá than tăng mạnh từ mức 100 USD/tấn lên 300 USD/tấn là do cuộc xung đột giữa Nga-Ukraine đẩy giá năng lượng lên cao; việc áp đặt các biện pháp trừng phạt đối với Nga buộc châu Âu phải sử dụng năng lượng thay thế khác, trong đó bao gồm than.
Đến nay, nhu cầu than thế giới đã đi vào bình ổn, giá mặt hàng này đã có dấu hiệu hạ nhiệt tại nhiều thị trường. Xu hướng này sẽ tiếp tục hạ nhiệt trong giai đoạn từ nay đến quý 2/2024.
Giá than giảm giúp củng cố lợi nhuận của doanh nghiệp xi măng
Năm 2023, giá than cốc của Indonesia bắt đầu có dấu hiệu hạ nhiệt, giảm từ mức 320 USD/tấn vào quý 3/2022 xuống còn 185 USD/tấn trong quý 3 năm nay. Mirae Asset dự báo giá nguyên liệu này sẽ tiếp tục điều chỉnh giảm về quanh mức 120-130 USD/tấn trong năm 2024, qua đó củng cố lợi nhuận của các doanh nghiệp sản xuất xi măng.
Mirae Asset cho rằng tỷ suất lợi nhuận gộp trong năm 2024 của các doanh nghiệp xi măng sẽ cải thiện tối thiểu 3% so với cùng kỳ do giá than điều chỉnh giảm. Riêng đối với Xi măng Hà Tiên, giá nguyên liệu đầu vào giảm mạnh đã giúp biên lợi nhuận gộp của doanh nghiệp này hồi phục lên mức 9,6% trong quý 2/2023 và 12% trong năm 2024.
Áp lực cạnh tranh trên thị trường xi măng
Hiệp hội Xi măng Việt Nam (VNCA) cho biết, thị trường trong nước tiếp tục cạnh tranh khốc liệt do cung vượt xa cầu, mất cân đối cung-cầu cục bộ giữa các vùng, miền. Bên cạnh đó, nguồn cung xi măng hiện nay đã vượt xa so với nhu cầu nhưng vẫn được bổ sung trong năm 2023.
Theo kế hoạch, năm nay sẽ có thêm hai dây chuyền mới đi vào vận hành, gồm Xi măng Xuân Thành 3 (công suất 4,5 triệu tấn/năm) và Xi măng Long Thành (2,3 triệu tấn/năm). Dự kiến nguồn cung xi măng sẽ đạt khoảng 120 triệu tấn, trong khi nhu cầu tiêu thụ xi măng trong nước dự báo chỉ ở mức 63-65 triệu tấn.
Những yếu tố này khiến ngành xi măng sẽ tiếp tục chật vật để cân đối cung-cầu, điều tiết sản xuất, tiêu thụ để tránh cảnh hàng tồn kho gia tăng.
Trên thực tế, tình trạng cung vượt cầu đã đặt các doanh nghiệp sản xuất xi măng trước sự cạnh tranh gay gắt cả về chất lượng và giá bán trong việc tiêu thụ sản phẩm. Điều này không chỉ ở thị trường xuất khẩu, mà còn ở cả thị trường tiêu thụ nội địa.
Mặc dù ngành xi măng Việt Nam dư cung gấp 2 lần nhu cầu, nhưng sản lượng xi măng cung ứng ở thị trường phía Nam chỉ đáp ứng được 60-65% nhu cầu. Do đó, trong bối cảnh nhu cầu suy giảm thì các doanh nghiệp xi măng phía Nam vẫn sẽ có mức giảm ít hơn phía Bắc, vốn tập trung nhiều các nhà máy xi măng.
Theo Mirae Asset, hiện khu vực phía Nam chỉ sản xuất được khoảng 20-21 triệu tấn/năm, trong khi nhu cầu xi măng hàng năm của thị trường này ước đạt 33 triệu tấn/năm. Do đó, đơn vị này đánh giá mức độ giảm sản lượng của các doanh nghiệp xi măng ở phía Nam như Xi măng Hà Tiên, Xi măng FiCO Tây Ninh, Insee… sẽ ít hơn bình quân ngành từ 20-30%.
Với Xi măng Hà Tiên, doanh nghiệp này hiện đang chiếm 33% thị phần tại khu vực phía Nam với 2 nhà máy xi măng tiên tiến cùng với 3 trạm nghiền. Với việc thị trường chính của Xi măng Hà Tiên là ở miền Nam, nơi áp lực cạnh tranh ít hơn do thiếu nguồn cung nên sản lượng tiêu thụ có thể duy trì ở mức cao.
Sản lượng tiêu thụ của Xi măng Hà Tiên trong năm 2023 có thể đạt 5,8 triệu tấn
Mirae Asset dự phóng sản lượng của Xi măng Hà Tiên trong năm 2023 đạt 5,8 triệu tấn, giảm 12% so với cùng kỳ. Doanh thu và lợi nhuận ròng năm 2023 dự phóng lần lượt đạt 7.639 tỷ đồng và 108 tỷ đồng.
Bước sang năm 2024, Mirae Asset kỳ vọng giá than giảm cũng như sự phục hồi dần của thị trường xây dựng sẽ thúc đẩy lợi nhuận của Xi măng Hà Tiên. Theo đó, sản lượng tiêu thụ năm 2024 của doanh nghiệp xi măng lớn nhất miền Nam đạt 6,23 triệu tấn, tăng 8%. Doanh thu và lợi nhuận ở mức 8.011 tỷ đồng và 325 tỷ đồng, lần lượt tăng 4,9% và 264% so với cùng kỳ.
-
Xi măng "made in Vietnam" ngày càng đắt hàng tại Mỹ
Sản phẩm xi măng Vicem Hà Tiên được thị trường Mỹ đón nhận, đánh giá cao nhờ chất lượng xi măng “xanh”, ổn định và thân thiện môi trường.
-
Sau quý kinh doanh tồi tệ nhất lịch sử, công ty xi măng lớn nhất miền Nam đã “vui” trở lại
Trong quý 2/2023, Xi măng Hà Tiên báo lãi sau thuế đạt hơn 59 tỷ đồng, kết quả này đã được cải thiện đáng kể so với khoản lỗ kỷ lục 85 tỷ đồng quý đầu năm.
-
Lộ diện cái tên “đen” nhất ngành xi măng: Thua lỗ kéo dài, âm nặng vốn chủ, nợ một nữ đại gia 326 tỷ suốt hơn một thập kỷ
Tính đến ngày 30/6/2024, nợ phải trả của Xi măng Công Thanh ghi nhận hơn 19.550 tỷ đồng, trong đó nợ đi vay là hơn 7.300 tỷ đồng và các khoản chi phí lãi vay phải trả dài hạn là 10.557 tỷ đồng.
-
Âm vốn chủ sở hữu 7.700 tỷ, “khất nợ” nghìn tỷ trái phiếu đến hạn, kiểm toán cũng "cạn lời" với doanh nghiệp này
Phía kiểm toán tiếp tục từ chối đưa ra kết luận đối với báo cáo tài chính bán niên 2024 của Công ty CP Xi măng Công Thanh vì lỗ lũy kế, âm vốn chủ sở hữu và công ty chậm trả những khoản vay và trái phiếu đến hạn....
-
Nợ thuế tiền tỷ, nhà sản xuất xi măng 47 năm tuổi tại Tuyên Quang bị cưỡng chế ngừng sử dụng hóa đơn
Công ty CP Xi măng Tuyên Quang vừa bị cơ quan thuế tỉnh Tuyên Quang ra quyết định cưỡng chế thuế, ngừng sử dụng hóa đơn, do nợ thuế hơn 8,3 tỷ đồng.