Nhiều doanh nghiệp gặp khó khi xin cấp phép PCCC cho công trình, nhà xưởng, đặc biệt là hạng mục sơn chống cháy do quy chuẩn mới.

Quy định phòng cháy, chữa cháy "làm khó" doanh nghiệp

Sau vụ cháy karaoke An Phú (Bình Dương) hồi tháng 9.2022, nhiều cơ sở kinh doanh loại hình này đã bị yêu cầu tạm ngừng hoạt động để khắc phục các vấn đề về phòng cháy chữa cháy (PCCC).

Không chỉ các cơ sở kinh doanh giải trí, nhiều doanh nghiệp trong lĩnh vực sản xuất cũng cho biết họ gặp vướng mắc trong quá trình xét duyệt để đạt tiêu chuẩn PCCC theo quy định.

Nhiều doanh nghiệp gặp khó khi xin cấp phép PCCC cho công trình, nhà xưởng

Thời gian qua, nhiều doanh nghiệp “kêu cứu” vì bị ảnh hưởng bởi quy định phòng cháy, chữa cháy trong đó có cả doanh nghiệp FDI. Thậm chí, một số doanh nghiệp hiện đang phải ngừng hoạt động bởi không đảm bảo các quy định về PCCC.

Nguyên nhân là do tại thời điểm chưa ban hành Nghị định số 136/2020/NĐ-CP của Chính phủ, các nhà xưởng đã được thẩm định thiết kế, xây dựng và nghiệm thu PCCC theo hồ sơ đã được cơ quan chức năng thẩm duyệt theo quy định của Nghị định 79/2014/NĐ-CP. Trên cơ sở đó, doanh nghiệp đã tiến hành xây dựng nhà xưởng với kết cấu được bảo vệ bằng sơn chống cháy.

Tuy nhiên, sau khi xây dựng xong, Nghị định 136/2020/NĐ-CP được ban hành, cơ quan chức năng kiểm tra để nghiệm thu căn cứ theo quy định mới. Điều này dẫn tới, cùng sử dụng một loại sơn chống cháy, song các công trình thực hiện trước thời điểm Nghị định số 136/2020/NĐ-CP ban hành được nghiệm thu, còn công trình nghiệm thu sau thời điểm trên lại không được.

Các công trình đã được cấp Giấy chứng nhận kiểm định sơn chống cháy trước 10.1.2021 thì tiếp tục sử dụng kết quả kiểm định đó để thực hiện nghiệm thu về PCCC cho dự án, công trình

Ngoài ra, việc chỉ trong 18 tháng, có tới 3 văn bản, trong đó có 2 thông tư hướng dẫn của Bộ Xây dựng liên quan đến quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về an toàn cháy cho nhà và công trình, khiến doanh nghiệp rất khó trong việc chuyển đổi, theo kịp các quy định.

Bộ công an lên tiếng

Liên quan đến các khó khăn của doanh nghiệp về quy định PCCC, đặc biệt là các công trình sử dụng sơn chống cháy, Cục Cảnh sát Phòng cháy chữa cháy và Cứu nạn cứu hộ (PCCC & CNCH, Bộ Công an) vừa lên tiếng về vấn đề này.

Các đơn vị tư vấn, chủ đầu tư chưa nắm bắt kịp thời các quy định pháp luật về PCCC dẫn tới chưa thực hiện đúng quy định

Đại diện Cục Cảnh sát PCCC & CNCH cho biết, để nhanh chóng giải quyết các vướng mắc, đơn vị đã gặp và trao đổi trực tiếp với một số Đại sứ quán, hiệp hội doanh nghiệp (Hàn Quốc, Nhật Bản…) có khó khăn, vướng mắc.

Qua trao đổi, Cục Cảnh sát PCCC nhận thấy, nguyên nhân chủ yếu dẫn tới khó khăn nêu trên là do đơn vị tư vấn, chủ đầu tư chưa nắm bắt kịp thời các quy định pháp luật về PCCC, lựa chọn nhà thầu có năng lực hạn chế dẫn tới chưa thực hiện đúng quy định.

Cục Cảnh sát PCCC & CNCH đã đưa ra hướng dẫn cụ thể:

Đối với các trường hợp các dự án, công trình đã được cấp Giấy chứng nhận kiểm định sơn chống cháy theo quy định Nghị định 79/2014/NĐ-CP (trước 10.1.2021) thì tiếp tục sử dụng kết quả kiểm định đó để thực hiện nghiệm thu về PCCC cho dự án, công trình.

Đối với các dự án, công trình lập hồ sơ thiết kế và thực hiện thẩm duyệt sau khi Nghị định 136/2020/NĐ-CP có hiệu lực (từ ngày 10.1.2021) phải có hồ sơ thiết kế chịu lửa cho kết cấu chịu lực của công trình, là cơ sở để lựa chọn giải pháp bảo vệ chống cháy cho kết cấu theo quy chuẩn, tiêu chuẩn thiết kế hoặc tập hợp số liệu phục vụ thiết kế đã được xây dựng theo quy định.

Theo đó, Cục Cảnh sát PCCC & CNCH đưa ra ví dụ, hồ sơ phải đáp ứng chi tiết như dùng sơn, vữa, tấm ốp chống cháy hay loại vật liệu gì, cách thực hiện như thế nào...

Chủ đầu tư, các đơn vị sản xuất sơn chống cháy và nhà thầu thi công thường không quan tâm đến các nguyên tắc kỹ thuật khi sử dụng sơn chống cháy

Ngoài ra, chủ đầu tư cần nộp hồ sơ thiết kế chịu lửa, định hướng giải pháp bảo vệ chống cháy cho kết cấu công trình, và các thành phần hồ sơ khác theo quy định của Nghị định 136/2020/NĐ-CP đến cơ quan Cảnh sát PCCC có thẩm quyền để thực hiện thẩm duyệt thiết kế về PCCC. Căn cứ kết quả kiểm định mẫu kết cấu đã được thử nghiệm, kiểm định (kiểm chứng), nhà thầu tổ chức thi công bọc bảo vệ chống cháy cho kết cấu chịu lực của công trình theo hồ sơ thiết kế và thực hiện nghiệm thu về PCCC theo quy định.

Đối với các trường hợp cụ thể, Cục Cảnh sát PCCC & CNCH đề nghị chủ đầu tư cung cấp chi tiết hồ sơ thiết kế về PCCC của công trình để các bên cùng tìm giải pháp phù hợp, đúng quy định pháp luật về PCCC, sớm đưa công trình vào sử dụng.

Vấn đề sử dụng sơn chống cháy cho các dự án, công trình

Cục Cảnh sát PCCC & CNCH cho biết, theo quy định quy chuẩn của Bộ Xây dựng và các tài liệu nghiên cứu về an toàn cháy cho kết cấu công trình xây dựng, đối với các giải pháp bảo vệ chống cháy cho kết cấu chịu lực, điển hình là kết cấu thép của dự án, công trình, hiện nay có nhiều giải pháp để chủ đầu tư, nhà thầu thi công lựa chọn.

Do đó, không nhất thiết phải sử dụng sơn chống cháy cho các dự án, công trình. Tuy nhiên, trong thực tế, vì lý do thuận tiện thi công, bảo đảm thẩm mỹ, nhiều chủ đầu tư và nhà thầu đưa ra phương án sử dụng sơn chống cháy.

Ngoài ra, các nội dung được thẩm duyệt thiết kế về phòng cháy, chữa cháy trên hồ sơ không bao gồm chấp thuận giải pháp bảo vệ chống cháy cho kết cấu công trình, mà chỉ chấp thuận việc đặt ra giới hạn chịu lửa cho kết cấu công trình đó.

Các loại sơn chống cháy được chọn để sử dụng cho dự án, công trình phải được thử nghiệm và chứng minh hiệu quả bọc bảo vệ theo quy trình tiêu chuẩn, phù hợp với thiết kế kết cấu công trình.

Hữu Việt
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
 
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.