Bên cạnh các biện pháp cảnh báo sớm, vật liệu xây dựng cũng là một trong những yếu tố quan trọng, góp phần ngăn chặn, giảm thiểu tối đa những thiệt hại mà sạt lở đất gây ra.

Nhiều ngày qua, mưa lớn kéo dài từ Bắc vào Nam đã gây ra hàng loạt vụ sạt lở đất ở các tỉnh Hòa Bình, Đắk Nông, Lâm Đồng... gây thiệt hại về người và tài sản.

Nhiều chuyên gia cho rằng, mưa lớn vẫn là nguyên nhân quan trọng nhất, từ các vụ sạt lở đất tại TP Đà Lạt tới vụ việc tại đèo Bảo Lộc đều có nguyên nhân chính này. Cụ thể, mưa làm tích một lượng nước lớn trong đất, làm giảm kết cấu độ bền của đất cộng với địa hình dốc đã dẫn tới sạt lở.

Mưa lớn kéo dài đã gây ra hàng loạt vụ sạt lở đất, gây thiệt hại về người và tài sản

Mưa lớn vẫn có thể tiếp tục nên vấn đề là làm sao để phòng tránh những trận lở đất tiếp theo? Nguyên nhân hiện tại và về lâu dài cần có những giải pháp gì để phòng tránh tình trạng sạt lở đất trở thành vấn đề quan tâm của nhiều người.

Sạt lở đất là gì?

Sạt lở đất là sự dịch chuyển của một khối hay những tảng đá nhiều kích cỡ kèm theo lượng đất lớn trượt xuống con dốc từ triền núi hay trên đồi cao. Nguyên nhân dẫn đến những vụ sạt lở do nhiều yếu tố, đặc biệt là thời tiết như mưa lớn kéo dài, xói mòn dòng chảy, thay đổi mạch nước ngầm, động đất.

Bên cạnh đó, các hoạt động của con người như xây dựng cơ sở hạ tầng thiếu quy hoạch hoặc không không đảm bảo các yêu cầu về phòng, chống thiên tai. Chặt phá rừng, khai thác khoáng sản, vật liệu trái quy định cũng là nguyên nhân gây ra tình trạng sạt lở đất.

Sạt lở đất diễn biến nhanh, bất ngờ gây ra các hậu quả nghiêm trọng cho các công trình dân sinh như trường học, nhà ở. Tuy nhiên, vẫn có thể chủ động trong việc thi công, xây dựng để hạn chế thiệt hại do động đất gây ra.

Với các khu vực có nguy cơ sạt lở cao, cần hạn chế xây dựng các công trình nhà ở, hạ tầng đường sá, cầu đường qua khu vực này để giảm thiểu rủi ro. Đồng thời, tại các khu vực có nguy cơ sạt lở đất cao sẽ xây dựng các công trình kè, neo và các giải pháp kỹ thuật khác để hạn chế sạt lở.

Loại vật liệu xây dựng nào dùng cho vùng sạt lở?

Bên cạnh các biện pháp cảnh báo sớm cùng phương pháp thi công hiện đại, vật liệu xây dựng cũng là một trong những yếu tố quan trọng, góp phần ngăn chặn, giảm thiểu tối đa những thiệt hại mà sạt lở đất gây ra.

Các khu vực có nguy cơ sạt lở cao sẽ xây dựng các công trình kè, neo và các giải pháp kỹ thuật khác để hạn chế sạt lở

1. Kè, cừ ván bê tông dự ứng lực

Trước tình trạng sạt lở diễn biến phức tạp thời gian qua, nhiều tỉnh thành trên cả nước đã triển khai nhiều giải pháp như kè tường chịu lực, kè cọc bê tông cốt thép… Ưu điểm chung của các loại kè này là cho tuổi thọ công trình cao, kết cấu bền vững, khả năng chịu lực lớn, đáp ứng tất cả các địa hình.

Kè bê tông dự ứng lực dùng trong các công trình kè chống sạt lở, tường chắn đất, kè bảo vệ các công trình cảng biển

Hiện nay, các sản phẩm kè, cừ ván bê tông cốt thép dự ứng lực được sản xuất theo tiêu chuẩn, công nghệ Nhật Bản JIS đang được đưa vào sử dụng phổ biến. Đặc biệt là các công trình kè chống sạt lở, kè kênh mương, tường chắn đất, kè bảo vệ các công trình cảng biển.

Vật liệu này được làm từ bê tông mác cao, kết hợp với thép dự ứng lực nên có cường độ chịu lực lớn. Ngoài ra, đặc tính dự ứng lực làm tăng độ cứng, khả năng chịu lực của ván, giúp giảm trọng lượng cho công trình.

Trên thị trường, sản phẩm cừ ván bê tông cốt thép dự ứng lực phổ biến với các loại có kích thước từ SW300 đến SW1200, ứng dụng cho các công trình kè sông, kè biển, kè kênh thủy lợi, cầu cảng.

2. Cừ bản nhựa uPVC

Cừ bản nhựa là loại vật liệu hiện đại, được ứng dụng nhiều trong các công trình chống sạt lở bờ sông, bờ kè, công trình cảng, công trình giao thông, bờ bao chống xâm nhập mặn…

Thi công cừ bản nhựa chống cho vùng ngập, sạt lở

Vật liệu này được sản xuất từ nhựa vinyl tổng hợp không hóa dẻo (uPVC) + UV, sau đó chế tạo thành từng module riêng lẻ dạng chữ Z và chữ U. Mỗi module có hai ngàm kết nối dạng chữ T và C nhằm liên kết nhau thành hệ thống tường cừ, bờ kè... theo chiều dài.

Trên mỗi cạnh của module cừ bản nhựa được thiết kế gân chịu lực, nhất là cạnh giữa. Bề dày của module nghiên cứu theo tiêu chuẩn Mỹ, châu Âu nhằm đem lại khả năng chịu lực nén tốt nhất cho công trình.

Ưu điểm của cừ bản nhựa uPVC là có tính ổn định cao, không thấm nước, không bị ăn mòn bởi môi trường nhiễm phèn, nhiễm mặn, hóa chất. Đặc biệt, bổ sung chất chống tia UV giúp sản phẩm có khả năng kháng tia UV, ngăn chặn quá trình lão hóa, nứt gãy.

3. Sử dụng rọ đá, thảm đá chống sạt lở

Bên cạnh các sản kè mềm và kè cứng, rọ đá cũng được sử dụng phổ biến trong các công trình thủy lợi, các hạng mục về gia cố tránh sạt lở, xói mòn. Đây được xem là giải pháp tối ưu về chi phí và hiệu quả.

Rọ đá và thảm đá được sử dụng rộng rãi để kè chống sạt lở đất

Rọ đá là hệ thống lưới thép mạ kẽm, được đan từ dây thép mạ kẽm, tạo nên các ô lưới dạng xoắn kép. Sau đó, được hoàn thiện bằng cách sử dụng dây viền, dây buộc để tạo nên rọ đá với các loại hình khối khác nhau, tùy vào yêu cầu của từng công trình.

Hiện nay, rọ đá và thảm đá được sử dụng rộng rãi để kè chống sạt lở đất nhờ ưu điểm thi công lắp đặt dễ dàng, phù hợp với nhiều địa hình phức tạp, nơi khó thi công bằng cơ giới. Khối cấu trúc tường chắn trọng lực hoặc mái taluy có độ dốc cực lớn vẫn đáp ứng kỹ thuật.

Thiên An
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
 
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.