09/08/2023 10:02 AM
Từ những vụ sạt lở đất gây thiệt hại nghiêm trọng tại các địa phương trong thời gian qua cho thấy, đã đến lúc cần xem xét thận trọng việc quy hoạch đất ở nhằm đảm bảo phục vụ các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội, quốc phòng, an ninh, bảo vệ môi trường và thích ứng biến đổi khí hậu.

Lâm Đồng căng mình phòng chống sạt lở

Những năm gần đây, tại thành phố Đà Lạt (tỉnh Lâm Đồng) đã xảy ra nhiều vụ sạt lở gây thiệt hại nghiêm trọng. Gần đây nhất là vụ đổ bờ taluy vào rạng sáng 29/6 khiến nhiều người thương vong, hàng chục căn nhà hư hỏng,…

Thực hiện ý kiến chỉ đạo của UBND tỉnh Lâm Đồng, nhiều địa phương trên địa bàn tỉnh vừa tổng rà soát các vị trí có nguy cơ xảy ra sạt lở đất, ngập úng mỗi khi có mưa lớn kéo dài.

Trong báo cáo gửi đến UBND tỉnh Lâm Đồng, UBND huyện Đạ Huoai cho biết, hiện trên địa bàn huyện có 42 vị trí có nguy cơ xảy ra ngập úng, sạt lở đất khi có mưa lớn kéo dài. Trong đó, có 21 vị trí có nguy cơ ngập úng, lũ quét và 21 vị trí có nguy cơ sạt lở đất.

Tương tự, UBND huyện Đạ Tẻh cho biết trên địa bàn huyện có 6 điểm ở các xã An Nhơn, Mỹ Đức, Đạ Kho, Đạ Pal, Quốc Oai và thị trấn Đạ Tẻh có nguy cơ ngập úng, lũ quét khi mưa lớn kéo dài.

Trên địa bàn huyện Đạ Tẻh cũng có 5 điểm ở các xã An Nhơn, Mỹ Đức, Đạ Kho, Đạ Pal và Quảng Trị có nguy cơ xảy ra sạt lở đất. UBND huyện đã thành lập tổ kiểm tra, rà soát các vị trí, khu vực có nguy cơ sạt lở đất, ngập lụt, lũ quét để đánh giá hiện trạng, theo dõi diễn biến sạt lở,…

Ngày 5/8, UBND tỉnh Lâm Đồng tiếp tục có văn bản chỉ đạo tập trung ứng phó mưa lũ, sụt lún, sạt lở đất và đảm bảo an toàn hồ đập trên địa bàn tỉnh.

Theo đó, UBND tỉnh Lâm Đồng yêu cầu UBND các huyện, thành phố Đà Lạt và Bảo Lộc khẩn trương tổ chức kiểm tra, rà soát các khu dân cư, trường học, cơ sở y tế, trụ sở cơ quan, doanh trại công an, quân sự tại các khu vực ven sông, suối, khu vực sườn dốc và các khu vực có nguy cơ xảy ra sạt lở, ngập lụt khi có mưa lớn.

UBND các huyện, thành phố Đà Lạt và Bảo Lộc chịu trách nhiệm xây dựng phương án chủ động phòng chống sạt lở, sụt lún, ngập lụt, lũ quét và kiên quyết tổ chức di dời khi có tình huống xấu nhằm đảm bảo an toàn tính mạng, hạn chế thiệt hại về tài sản cho người dân và cơ sở hạ tầng. Đồng thời, chủ động thực hiện phương án bố trí, hỗ trợ, ổn định nơi tránh trú, ổn định đời sống cho các hộ dân phải di dời.

Sở Xây dựng chủ trì, phối hợp với các địa phương kiểm tra, rà soát công tác quản lý đô thị và hoạt động xây dựng để hạn chế xảy ra sạt lở. Song song với đó, nghiên cứu đề xuất giải pháp khắc phục tình trạng ngập úng cục bộ tại các khu dân cư, khu đô thị khi xảy ra mưa lớn,…

Không nên quy hoạch đất ở tại những nơi dễ xảy ra sạt lở

Từ những vụ sạt lở đất, ngập lụt sâu gây thiệt hại nghiêm trọng tại các địa phương trong thời gian qua cho thấy, đã đến lúc cần xem xét thận trọng việc quy hoạch đất ở nhằm đảm bảo phục vụ các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội, quốc phòng, an ninh, bảo vệ môi trường và thích ứng biến đổi khí hậu.

Thời gian gần đây, chủ trì nhiều cuộc họp về thẩm định quy hoạch sử dụng đất thời kỳ 2021 – 2030 của các địa phương cấp huyện, ông Nguyễn Ngọc Phúc, phó Chủ tịch UBND tỉnh Lâm Đồng đã có nhiều chỉ đạo quan trọng liên quan đến việc quy hoạch đất ở.

Theo đó, đối với các vị trí đất đã mở đường, phân lô, tách thửa trái quy định, ông Phúc yêu cầu tuyệt đối không được điều chỉnh, bổ sung sang quy hoạch đất ở. Đồng thời không cập nhật ranh giới chi tiết các khu vực này lên bản đồ quy hoạch sử dụng đất để hợp thức hóa các sai phạm.

Ngày 7/8 vừa qua, Hội đồng thẩm định quy hoạch sử dụng đất 2021 – 2030 (tỉnh Lâm Đồng) đã có văn bản gửi UBND các huyện, thành phố Đà Lạt và Bảo Lộc về công tác lập quy hoạch sử dụng đất thời kỳ 2021 – 2030 của các huyện, thành phố.

Phó Chủ tịch Thường trực Hội đồng thẩm định yêu cầu các địa phương kiểm tra, rà soát và không quy hoạch đất ở tại những khu vực có địa hình dốc, những khu vực có nguy cơ xảy ra sạt lở đất.

Riêng về dấu hiệu nhận biết các khu vực có nguy cơ xảy ra sạt lở đất, mới đây tại họp báo Chính phủ thường kỳ tháng 7/2023, ông Lê Công Thành - Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường cho biết, những sườn núi, sườn đồi tự nhiên thì sự phong hoá đất đá xảy ra từ từ và đất đá cũng trượt lở một cách từ từ để tạo nên các sườn dốc tự nhiên và ổn định.

Khi cần không gian để phát triển, có các hoạt động thay đổi bề mặt như chuyển đất rừng thành đất để trồng cây hay san gạt đất để làm nhà, làm đường, xây dựng các hồ chứa nước, đập, thuỷ điện. Khi đó, các cấu trúc bề mặt đất đã thay đổi và khi có lượng mưa lớn thì nguy cơ sạt lở sẽ lớn hơn.

Cũng theo ông Thành, cách để phát hiện và cảnh cáo được những điểm sạt lở này là có những dấu hiệu như vết nứt, cây cối trên những sườn đồi, sườn núi nghiêng theo một hướng, hay có những tiếng nổ trong lòng đất thể hiện vết nứt đang phát triển. Khi phát hiện những dấu hiệu này, người dân và các lực lượng ở địa phương cần theo dõi, nếu thấy nguy cơ lớn thì phải di dời.

Lưu Bang
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.