22/06/2019 11:32 AM
Tổng công ty Cảng hàng không Việt Nam - CTCP (ACV) và các đơn vị liên quan sẽ phải báo cáo kết quả thực hiện Kết luận số 2569/KL - TTCP của Thanh tra Chính phủ về công tác quản lý sử dụng vốn, tài sản và cổ phần hóa được ban hành cách đây 2 năm.

Việc phê duyệt giá gói thầu 10A và 10B (Nhà ga hành khách T2, Cảng hàng không quốc tế Nội Bài) trở thành điểm gợn lớn trong thực hiện kết luận thanh tra của Thanh tra Chính phủ. Ảnh: Đức Thanh

Soi kỹ kết quả

Có 6 bộ, ngành và 3 địa phương liên quan là TP.HCM, Bình Dương, Lâm Đồng sẽ phải báo cáo kết quả xử lý sau thanh tra tại ACV theo Kết luận số 2569/KL- TTCP ngày 12/10/2017; ý kiến chỉ đạo của Phó thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình tại Thông báo số 590/TB - VPCP ngày 21/12/2017 và Văn bản số 8978/VPCP - V.I ngày 19/9/2018.

Thời hạn các đơn vị này được Thanh tra Chính phủ yêu cầu gửi báo cáo kết quả thực hiện là trong tháng 6/2019 với ba nội dung: những nội dung kiến nghị đã thực hiện xong (nêu rõ kết quả thực hiện); những nội dung kiến nghị đang thực hiện (nêu rõ kết quả bước đầu, thời gian dự kiến thực hiện xong); những kiến nghị chưa thực hiện (nêu rõ khó khăn, vướng mắc trong quá trình thực hiện, đề xuất phương án xử lý, dự kiến thời gian hoàn thành).

Được biết, theo yêu cầu của Thanh tra Chính phủ tại Kết luận số 2569, Bộ Giao thông - Vận tải (GTVT) được yêu cầu chủ trì, phối hợp với Bộ Tài chính để thực hiện xử lý các nội dung còn tồn tại về tài chính, tài sản để quyết toán việc cổ phần hóa của ACV; sớm xây dựng cơ chế quản lý, sử dụng và phê duyệt phương án cho thuê các tài sản khu bay đã được loại khỏi giá trị doanh nghiệp của ACV khi cổ phần hóa.

“Bộ GTVT báo cáo công tác chỉ đạo và thực hiện việc xử lý trách nhiệm theo thẩm quyền đối với các cá nhân, đơn vị liên quan đến thiếu sót, vi phạm trong việc quản lý, sử dụng vốn tài sản, cổ phần hóa, đầu tư xây dựng… theo Kết luận 2569”, Công văn số 949/TTCP - GCTĐXLSTT yêu cầu.

Bộ Tài nguyên và Môi trường sẽ phải báo cáo việc phối hợp với các bộ, ngành và UBND các tỉnh, thành phố có cảng hàng không thực hiện rà soát các thủ tục để các địa phương sớm hoàn thành các thủ tục pháp lý về quyền sử dụng đất cho các cảng vụ hàng không theo quy định.

Ngoài các yêu cầu tại Kết luận số 2569, Bộ Tài chính sẽ phải báo cáo việc ACV thu tiền dịch vụ và đường dẫn vào nhà ga hàng không, bao gồm phương án xử lý đối với số tiền thực tế mà đơn vị này đã thu (giai đoạn 2012 - 2017); đề xuất phương án thu, giá dịch vụ đường dẫn vào nhà ga các cảng hàng không trong thời gian tới; đảm bảo hợp lý, phù hợp theo quy định của pháp luật, hài hòa lợi ích của doanh nghiệp và người sử dụng.

Trước đó, sau gần 18 tháng tiến hành thanh tra, hàng loạt vi phạm, sai sót nghiêm trọng liên quan đến công tác quản lý, sử dụng vốn, tài sản tại ACV trong giai đoạn 2012 - 2016 đã được Thanh tra Chính phủ chỉ ra.

Thanh tra Chính phủ khẳng định, ACV đã chỉ định thầu tùy tiện, các đơn vị khai thác mặt bằng tại các ga hàng không và lạm thu, thu không đúng quy định đối với một số dịch vụ phi hàng không, đặc biệt là việc thu tiền dịch vụ sử dụng đường dẫn vào nhà ga hàng không đối với các ô tô đưa, đón trả khách. Chỉ tính riêng trong giai đoạn từ 1/1/2012 đến 31/12/2015, tổng doanh thu từ việc thu phí ra vào 19/21 cảng hàng không là 551 tỷ đồng. Việc thu phí trên không đúng quy định Luật Đất đai, Luật Hàng không dân dụng này, theo Thanh tra Chính phủ, tuy mang lại lợi ích cho ACV, cho Nhà nước (khi ACV chưa cổ phần hóa), nhưng lại vi phạm các quy định pháp luật.

Những ẩn số

Được biết, một trong những vướng mắc lớn nhất trong quá trình xử lý kiến nghị tại Kết luận 2569 là xử lý các vi phạm liên quan kinh tế - tài chính.

Theo đó, tổng số tiền và tài sản vi phạm được phát hiện qua thanh tra cần xử lý tại ACV là 3.652.479,9 triệu đồng và 7,225 ha đất. Sau khi kết thúc thanh tra trực tiếp đến thời điểm ban hành Kết luận số 2569, ACV đã thực hiện xử lý các vi phạm về tài chính với tổng số tiền là 1.158.154 triệu đồng.

Một trong những tồn tại trong Kết luận số 2569 chưa nhận được sự thống nhất về quan điểm giữa Thanh tra Chính phủ và các bộ, ngành là việc phê duyệt giá gói thầu 10A và 10B thuộc Dự án Xây dựng Nhà ga hành khách T2, Cảng hàng không quốc tế Nội Bài với tổng giá trị trúng thầu của nhà thầu cao hơn giá dự toán 2 gói thầu là 5,71 tỷ yên, tương đương 1.450 tỷ đồng.

Hiện Bộ GTVT vẫn bảo lưu quyết liệt quan điểm “không có sai sót và từ chối quy trách nhiệm liên quan” trong việc phê duyệt giá gói thầu 10A, 10B thuộc Dự án Xây dựng Nhà ga T2, Cảng hàng không quốc tế Nội Bài - một trong những điểm gợn lớn trong quá trình thực hiện Kết luận số 2569/KL - TTCP ngày 12/10/2017 của Thanh tra Chính phủ về việc chấp hành chính sách, pháp luật về quản lý, sử dụng vốn tại ACV.

Trong công văn số 1977/BGTVT - CQLXD được gửi tới Phó thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình vào tháng 4/2019, Bộ GTVT tiếp tục tái khẳng định việc phê duyệt điều chỉnh dự toán gói thầu 10A, 10B đảm bảo phù hợp trình tự, thủ tục theo quy định, hướng dẫn của nhà tài trợ Cơ quan Hợp tác quốc tế Nhật Bản - JICA, tuân thủ quy định pháp luật trong nước trong việc quản lý, thực hiện các dự án sử dụng ODA.

Bộ GTVT đồng thời kiến nghị Thủ tướng Chính phủ xem xét, chấp thuận không xử lý về kinh tế và trách nhiệm của các bộ liên quan đến việc đấu thầu 2 gói thầu 10A, 10B.

Một ẩn số đáng chú ý khác liên quan đến việc thực hiện xử lý kiến nghị tại Kết luận số 2569 là về dự án Ngôi nhà Việt tại Berlin (Viethaus - CHLB Đức) do công ty con của ACV là SASCO tham gia đầu tư. Tại Kết luận số 2569/KL-TTCP ngày 12/10/2017, Thanh tra Chính phủ xác nhận Dự án Viethaus là không hiệu quả, có nguy cơ mất vốn.

Theo Thanh tra Chính phủ, tính đến cuối năm 2015, lỗ lũy kế của Viethaus là 13,4 triệu euro, các mục tiêu kinh tế chưa đạt được, khó có khả năng thu hồi vốn đã đầu tư với tổng số tiền tương đương 14,9 tỷ đồng; các khoản bảo lãnh đã chuyển thành công nợ là 8,853 triệu euro và các khoản nợ khác là 47,06 tỷ đồng. Thanh tra Chính phủ kiến nghị Thủ tướng giao Bộ GTVT chủ trì phối hợp với Bộ Ngoại giao, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính xem xét lại hiệu quả của dự án, đề xuất phương án xử lý, báo cáo Thủ tướng trong tháng 1/2018.

Theo một Việt kiều tại Đức, trước đó, Viethaus đã bị Chính phủ Đức đưa vào diện quản lý phá sản và đã bị thông báo phá sản từ tháng 9/2017. Nếu phản ánh này đúng, thì ngoài việc các phương án “cứu” Dự án là quá trễ, ACV sẽ phải giải trình với bộ chủ quản về thông tin quan trọng trên.

Bảo Như (ĐT
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.
CafeLand.vn là Network bất động sản hàng đầu tại Việt Nam và duy nhất chuyên về bất động sản. Cập nhật thực trạng thị trường bất động sản hiện nay, cung cấp cho các độc giả những thông tin chính xác và những góc nhìn phân tích nhận định về thị trường bất động sản từ các chuyên gia trong ngành. Ngoài ra, CafeLand còn cung cấp cho độc giả tất cả các thông tin về sự kiên, dự án, các xu hướng phong thủy, nhà ở để các bạn có cái nhìn tổng quan hơn về thông tin mua bán nhà đất tại Việt Nam.