07/06/2022 2:54 PM
Nguồn vốn tín dụng ngân hàng là mạch máu, bình oxy, dưỡng khí của thị trường bất động sản. Nếu không tiếp cận được nguồn vốn, doanh nghiệp ngộp thở, có thể đi đến “tắc thở”.

Đó là lo ngại được ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội bất động sản TP.HCM (HoREA) phát biểu tại tọa đàm “Khơi thông nguồn vốn cho thị trường bất động sản” sáng 7/6.

Doanh nghiệp khó tiếp cận nguồn vốn tín dụng

Theo ông Châu, hiện nay doanh nghiệp bất động sản có các kênh huy động vốn chính gồm: Vốn sở hữu, vốn tín dụng từ ngân hàng, phát hành trái phiếu, vốn huy động từ khách hàng và vốn FDI chảy vào thị trường theo con đường liên doanh liên kết.

Trong đó, nguồn vốn chủ sở hữu chỉ chiếm từ 15 - 20%. Còn 80 - 85% còn lại phải huy động từ các kênh khác. Nhưng từ sau khi có Nghị định 20 của Ngân hàng Nhà nước, doanh nghiệp bất động sản chỉ được vay để thực hiện dự án khi đã có đất, không được vay tiền để mua đất. Thông tư 20 cũng không cho cá nhân, hộ gia đình vay mua nhà ở xã hội. Người mua nhà ở xã hội chỉ còn một kênh duy nhất là vay ở ngân hàng chính sách xã hội.

Theo ông Châu, hiện nay thị trường bất động sản đang thiếu thanh khoản do nhiều dự án không thể triển khai, dẫn đến thiếu sản phẩm, trong khi nhu cầu của nhà đầu tư và người mua nhà rất lớn. Doanh nghiệp rất khó tiếp cận được nguồn vốn tín dụng mặc dù phía Ngân hàng Nhà nước nhiều lần khẳng định không có chủ trương siết tín dụng bất động sản mà chỉ kiểm soát chặt chẽ tín dụng vào bất động sản.

Ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội bất động sản TP.HCM

“Nguồn vốn tín dụng đối với nền kinh tế và thị trường bất động sản là mạch máu lưu thông, là bình oxy, dưỡng khí. Nếu không tiếp cận được nguồn vốn doanh nghiệp ngộp thở, có thể đi đến “tắc thở””, ông Châu phát biểu.

Nhấn mạnh vai trò của các ngân hàng thương mại là “bà đỡ” của nền kinh tế trong đó có ngành bất động sản, Chủ tịch HoREA cho rằng nếu không có ngân hàng thương mại, doanh nghiệp không có “vốn mồi” để triển khai dự án.

Vì vậy, nếu Ngân hàng Nhà nước đã khẳng định không siết tín dụng vào bất động sản thì cần có thêm các chính sách cụ thể hóa chủ trương này, thể hiện qua cơ chế để các doanh nghiệp tiếp tục tiếp cận được các nguồn vốn tín dụng.

Ông Châu đề xuất, tạo điều kiện cho các doanh nghiệp bất động sản khỏe mạnh, những khách hàng có tín nhiệm của ngân hàng thương mại; những doanh nghiệp có dự án khả thi được tiếp cận với nguồn vốn tín dụng từ ngân hàng. Người dân cũng cần tiếp cận được nguồn vốn để mua nhà, xây nhà.

Theo ông Châu, dư nợ tín dụng cho thị trường bất động sản theo thống kê của Ngân hàng Nhà nước hiện khoảng 2,3 triệu tỉ đồng, tỉ lệ nợ xấu chiếm khoảng hơn 1,6%, nếu so với quy mô của nền kinh tế thì chỉ chiếm 19,16%, là tỷ lệ rất bình thường.

Tránh kiểm soát “đại trà”

Đồng quan điểm, chuyên gia tài chính PGS.TS Đinh Trọng Thịnh, Học Viện Tài Chính, cho biết, đối với lĩnh vực bất động sản, tín dụng là nguồn vốn rất quan trọng không chỉ ở Việt Nam mà ở nhiều quốc gia trên thế giới.

Do vậy, việc kiểm soát chặt chẽ dòng vốn tín dụng vào lĩnh vực bất động sản và các lĩnh vực tiềm ẩn rủi ro là việc nên làm. Tuy nhiên, nếu kiểm soát theo cách “đại trà” sẽ có những tác động không tốt lên thị trường.

Đối với những doanh nghiệp lớn có nhu cầu tài chính và đầu tư lớn, nhu cầu tín dụng cho bất động sản của họ rất lớn. Nếu dừng cho vay hàng loạt dự án phải dừng lại. Điều này không chỉ tác động đến nguồn cung trên thị trường, việc làm cho xã hội mà tốc độ tăng trưởng của nền kinh tế cũng sẽ giảm đi.

Đối với lĩnh vực bất động sản, tín dụng là nguồn vốn quan trọng

Đối với các doanh nghiệp đang có sản phẩm sắp đưa ra thị trường, việc dừng cho vay có thể làm phát sinh nợ xấu vì dự án không bán được.

Về phía người mua nhà, hiện nay có nhiều người đã đặt cọc nhưng không đủ năng lực tài chính và phải đi vay. Tuy nhiên từ khi có Thông tư 20, việc vay mua nhà chỉ có thể vay ở ngân hàng chính sách, còn ngân hàng thương mại không vay được.

Với doanh nghiệp kinh doanh bất động sản, nếu người mua khó vay để mua nhà, người bán khó bán. “Người bán khó, nợ xấu tăng lên thì “ông ngân hàng" lo trước”, ông Thịnh phát biểu và lưu ý trên thực tế việc lý nợ xấu không đơn giản và nếu được cũng mất rất nhiều thời gian. Vì vậy, cần cân nhắc việc siết tín dụng trong thời điểm này.

Sau khi chỉ ra loạt vấn đề, ông Thịnh chốt lại “hoàn toàn ủng hộ việc kiểm soát chặt chẽ và hạn chế tín dụng vào các lĩnh vực rủi ro nói chung, cũng như lĩnh vực bất động sản. Tuy nhiên, phải có lựa chọn linh hoạt và phù hợp trong từng thời điểm, ở từng thị trường và từng phân khúc”.

Chẳng hạn như ở phân khúc nhà ở trung cấp và bình dân nguồn cung ít, tiêu thụ tốt thì phải đẩy mạnh cho vay, thậm chí cho vay với lãi suất ưu đãi bằng các chính sách ưu đãi. Đó là việc cần làm và các ngân hàng cần hỗ trợ cho doanh nghiệp để họ đẩy mạnh đầu tư những phân khúc này.

Ông Thịnh cũng đề nghị việc cho vay với doanh nghiệp có năng lực tài chính tốt cần thực hiện ráo riết hơn để cung ứng nguồn cung ra thị trường. Ngoài ra, phía Ngân hàng Nhà nước nên tạo điều kiện để là người mua nhà lần đầu họ tiếp cận vốn vay để có cơ hội an cư lạc nghiệp.

Diệu Trang
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.