07/09/2020 7:00 AM
CafeLand - Phát biểu trong một hội thảo mới đây, Chủ tịch Tập đoàn FLC Trịnh Văn Quyết cho biết với mảng bất động sản của FLC, Covid-19 có kéo dài đến sang năm thì doanh nghiệp này cũng không lo ngại, chỉ lo cho các mảng du lịch và hàng không. Tuy nhiên, báo cáo tài chính của FLC dường như đang phản ánh ngược lại những gì ông nói.

Không lo bất động sản khó

Ông Quyết cho biết Covid-19 lần hai xảy ra, công suất của hệ thống phòng FLC giảm còn 20-30%. Sau khi dịch bệnh được kiểm soát, công suất phòng được cải thiện, mọi thứ đang dần dần tốt hơn.

Ông Trịnh Văn Quyết, Chủ tịch FLC

Theo ông Quyết, về lâu dài, bất động sản vẫn là kênh hấp dẫn nhất và có khả năng sinh lời cao nhất. Trong thời gian qua, không thấy nhà đầu tư nào thua lỗ, nếu có là những nhà đầu tư theo phong trào. Trong những năm tới, thị trường bất động sản sẽ còn nhiều lợi thế.

Không chỉ ông Quyết, một số ý kiến khác cũng nhận định thị trường bất động sản còn nhiều tiềm năng.

Tuy nhiên, theo báo cáo tình hình đăng ký doanh nghiệp mới trong tháng 8 và tám tháng đầu năm 2020 của Tổng cục Thống kê, lĩnh vực bất động sản nằm trong nhóm có số lượng doanh nghiệp hoàn tất thủ tục giải thể cao nhất với 620 doanh nghiệp trong tám tháng đầu năm 2020. Con số này đã phản ánh đúng tình trạng khó khăn của nhiều doanh nghiệp bất động sản dưới tác động của dịch bệnh Covid-19.

Báo cáo của Savills Việt Nam mới đây cũng cho thấy bức tranh ảm đạm của thị trường với lượng giao dịch và tỷ lệ hấp thụ sụt giảm mạnh.

Ông Nguyễn Khánh Duy, Giám đốc bộ phận Kinh doanh Nhà ở Savills Việt Nam, cho biết khi thị trường đi xuống, đa số các nhà phát triển bất động sản đều giữ tâm lý thận trọng do không chắc chắn về thị trường, còn các nhóm hay cá nhân đầu tư sẽ e dè do việc mua bán tài sản hay dự án đều phải cần một nguồn vốn lớn.

Tuy nhiên, cũng có chủ đầu tư phải bán tháo bớt tài sản và các danh mục đầu tư của mình do thua lỗ trong kinh doanh.

FLC đang làm ăn ra sao?

Mặc dù Chủ tịch FLC tỏ ra khá lạc quan, nhưng báo cáo tài chính doanh nghiệp cho thấy tình hình kinh doanh của FLC đang gặp nhiều khó khăn. Sau quý 1 thiệt hại nặng vì dịch Covid-19, tình hình kinh doanh của FLC tiếp tục gặp khó khăn trong quý 2.

Cụ thể, trong quý 2/2020 doanh thu thuần của FLC đã giảm tới 47% so với cùng kỳ, đạt 1.722 tỉ đồng. FLC ghi nhận khoản lỗ gộp từ hoạt động bán hàng và cung cấp dịch vụ 743 tỉ đồng.

Doanh thu hoạt động tài chính cũng giảm tới 70%, chỉ đạt hơn 240 tỉ đồng, trong khi FLC vẫn phải chi ra hàng trăm tỷ đồng chi phí lãi vay, bán hàng, quản lý doanh nghiệp. Do đó, FLC đã lỗ hơn 837 tỉ đồng trong kỳ này bởi tác động nghiệm trọng của Covid-19.

Kết quả báo cáo cho thấy số lỗ hợp nhất trong hai quý đầu năm 2020 của FLC đã lên tới hơn 2.729 tỉ đồng. Đây cũng là số lỗ ròng bán niên nặng nhất trong lịch sử kinh doanh của tập đoàn. Sau soát xét bán niên, kết quả lỗ ròng của công ty nhích nhẹ thêm khoảng 60 tỉ đồng so với con số tự lập.

Một dự án của tập đoàn FLC

Theo kế hoạch kinh doanh được thông qua tại đại hội cổ đông, năm nay FLC dự kiến doanh thu đạt khoảng 12.500 tỉ đồng, lợi nhuận dự kiến âm 1.957 tỉ đồng. Như vậy, sau nửa năm, FLC đã hoàn thành 52% chỉ tiêu doanh thu nhưng đã lỗ nhiều hơn 39% kế hoạch.

Đến ngày 30/6, tập đoàn của ông Trịnh Văn Quyết có tổng tài sản là hơn 34.289 tỉ đồng, tăng hơn 2.000 tỉ đồng so với đầu năm. Vốn chủ sở hữu của doanh nghiệp này giảm hơn 1.260 tỉ, còn 10.381 tỉ đồng. Cùng với đó, doanh nghiệp cũng có số nợ phải trả lên tới hơn 23.907 tỉ đồng, tăng hơn 3.000 tỉ đồng so với đầu năm 2020.

Mới đây, vợ ông Quyết, bà Lê Thị Ngọc Diệp, đã bị tạm dừng toàn bộ quyền đối với căn biệt thự nghỉ dưỡng FLC Quy Nhơn. Lý do được Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Bình Định đưa ra là trong giấy chứng nhận quyền sử dụng đất được cấp có ghi chú “đất ở không hình thành đơn vị ở”, khái niệm này không có trong quy định hiện hành.

Trên thị trường chứng khoán, cổ phiếu FLC hiện giao dịch tại vùng giá 3.100 đồng/cổ phiếu, giảm đến 34% so với hồi đầu năm. Liên quan đến cổ phiếu FLC, trong năm 2016, ông Quyết cũng hứa nếu mã này vẫn dưới mệnh giá sẽ huy động mọi nguồn lực cá nhân, thậm chí cầm cố tài sản để mua lại.

Cũng trong năm 2019, ông Quyết cam kết không bán cổ phiếu ROS (FLC Faros) để đảm bảo quyền lợi của cổ đông trong bối cảnh ROS suy giảm kéo dài. Tuy nhiên, kể từ cuối năm 2019 đến nay, ông Quyết đã liên tiếp bán ra cổ phiếu ROS. Tháng 6 vừa qua, ông Quyết bán tiếp 11 triệu cổ phiếu ROS không còn là cổ đông lớn của FLC Faros.

Diệu Trang
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.