CafeLand - Trong thời kỳ đầu cận đại, các nhà sư Đạo giáo trồng cây bonsai để mang vẻ đẹp từ bên ngoài thiên nhiên vào bên trong nhà, coi đây là sợi dây liên kết giữa con người và thần thánh. Tương tự như vậy, vào thế kỷ 18, các lối đi và đại lộ rợp bóng cây xanh đã xuất hiện đa dạng ở ngoại ô một số thành phố tại châu Âu, tạo ra không gian để nghỉ ngơi và giao tiếp xã hội mà trước đó không hề tồn tại.

Ở các thành phố ngày nay, cây xanh là yếu tố thiết yếu trong quá trình đô thị hóa và đóng vai trò là đối trọng không thể thay thế đối với các công trình nhân tạo để tạo nên sự hài hòa về không gian. Việc chọn các loài cây thích hợp và duy trì, chăm sóc chúng một cách chính xác tạo ra vô số lợi ích, chẳng hạn như cách âm, tạo tính thẩm mỹ, điều chỉnh nhiệt độ, tạo hành lang sinh học và kiểm soát tốc độ gió. Sai lầm chính mà các nhà thiết kế cảnh quan đô thị có thể mắc phải khi chọn các loài cây là quên rằng chúng là những sinh vật sống và có những nhu cầu cụ thể.

Vậy, chúng ta cần xem xét những yếu tố nào để chọn lựa được chính xác các loài cây này?

Tính toán không gian

Các loài cây khác nhau có cấu trúc khác nhau. Tán cây rộng, cao và thưa thớt phù hợp hơn cho công viên và không gian mở, trong khi ở những khu vực có mật độ cao thì bạn sẽ gây ra các vấn đề về dài hạn nếu đánh giá thấp sự tăng trưởng và phát triển của chúng.

Các nhà quy hoạch nên xem xét không gian để phát triển rễ; một cây trưởng thành yêu cầu không gian rễ bằng với độ rộng của phần ngọn. Không gian hạn chế sự phát triển của rễ có thể khiến cây phát triển không đúng cách.

Liều lượng ánh sáng và nước phù hợp

Cây sẽ bị hạn chế tiếp xúc với ánh sáng trong các khu vực đô thị có các tòa nhà cao tầng dày đặc, gây ra sự phát triển chiều cao quá mức cho các tán lá thấp. Trong khi đó, việc cung cấp nước có vai trò nhiều nhất trong giai đoạn phát triển đầu của cây vì cây trưởng thành sẽ mọc rễ đủ sâu để tự cung cấp lượng nước dư thừa từ nguồn nước ngầm.

Đặc điểm sinh học và quang kỳ

Các loài cây rụng lá vào những thời điểm nhất định trong năm là lựa chọn tốt nhất cho những khu vực có mùa rõ rệt - mùa đông lạnh và mùa hè nóng - vì trong mùa đông thì chúng hấp thụ ánh sáng còn trong mùa hè thì chúng kiểm soát nhiệt độ và độ ẩm hiệu quả.

Ngược lại, các loài cây lá kim có ưu điểm là chúng không yêu cầu phải làm sạch lá và tàn dư thực vật quá nhiều. Các loài lá kim (như các cây thuộc chi hoàng đàn và chi bách) cũng hạn chế sự phát triển của các lớp phủ thực vật bên dưới chúng, chẳng hạn như cỏ hoặc cây bụi thấp.

Hình thái học

Các loại cây khác nhau có thể tạo ra các cảnh quan khác nhau, chẳng hạn như các loại cây quả mọng có thể làm bẩn vỉa hè. Các loài như Platanus thuộc họ tiêu huyền (chò nước) tích tụ bụi và các hạt trong nhung mao của lá, gây ra dị ứng và bụi bẩn. Những loài này cũng có hệ thống rễ khỏe và có thể làm hỏng vỉa hè hoặc thậm chí phá vỡ đường ống trong quá trình phát triển của chúng.

Trong khi đó, các loài như phong hoặc cọ được khuyến khích sử dụng cho các khu vực có lưu lượng xe cộ cao vì tán của chúng không hạn chế tầm nhìn ở độ cao thấp hơn.

Bảo trì

Một số loài cây cần bảo dưỡng quá mức. Cây sồi Holm (thuộc chi sồi) có thể phát triển nấm mốc và thu hút các loài côn trùng không thân thiện. Các loài như Willows (thuộc chi liễu), Ficus (thuộc họ dâu tằm) hoặc Melias (thuộc chi xoan) cũng có thể gặp phải những vết nứt nguy hiểm nếu chúng không được xử lý bằng cách cắt tỉa thích hợp.

Dưới đây là một số loài cây phù hợp với khí hậu ôn đới được khuyến nghị trồng theo vị trí và các đặc điểm của không gian đô thị, bao gồm:

Công viên

Đối với công viên và quảng trường, các nhà quy hoạch nên chọn các loài cây có thể sống lâu với kích thước trưởng thành lớn, nhiều hình dạng và màu sắc. Ví dụ các cây thuộc họ thông, bạch dương, tùng bách tán, chùm ớt, bạch quả, mộc lan…

Đường phố vừa và nhỏ

Các nhà quy hoạch nên sử dụng các loại cây có kích thước vừa và nhỏ trên các đường phố, có tán hình chữ “V” cao và dễ quản lý để làm không gian đi bộ đồng thời che nắng cho vỉa hè và đường phố. Ưu tiên các loài cây sạch không phát sinh bụi hoặc cho ra trái. Một số loài tiêu biểu như các cây thuộc chi phong, phi lao, dẻ ngựa, bồ hòn, dương hòe…

Đại lộ

Cây ở đại lộ phải có gốc rõ ràng, chiều cao từ trung bình đến lớn và hình thành tán hình trụ. Những cây này cũng cần được cân nhắc để không tạo ra xung đột với luồng giao thông. Một số cây có thể cân nhắc như ngô đồng, tulip Mỹ, vông mồng gà…

Ngã tư đường lớn

Trong trường hợp này, các nhà quy hoạch nên sử dụng những cây cứng cáp, sống lâu năm, có thể chịu được độ nén chặt của đất. Nên ưu tiên những loài mọc cao, có gốc rõ ràng. Ví dụ như các cây bồ kết ba gai, bách tán, chà là gai…

Việc lựa chọn và duy trì cây xanh đúng cách, đúng điều kiện sẽ đảm bảo cây phát triển hết công suất, làm phong phú cảnh quan và bổ sung hình học chuẩn cho kiến trúc đô thị với những đường nét hữu cơ. Tuy nhiên, việc lập kế hoạch và chăm sóc không tốt sẽ dẫn đến việc phát triển kém, mang lại kết quả kém lý tưởng trong việc lập kế hoạch nên các nhà thiết kế cảnh quan cần kết sức lưu ý.

Lam Vy (Archdaily)
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
 
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.