Ảnh minh họa
Chứng khoán sẽ lên hương
Năm 2015, bên cạnh những triển vọng về kinh tế vĩ mô, sự phục hồi của các kênh đầu tư cũng nhận được sự quan tâm rất lớn từ phía các doanh nghiệp, nhà đầu tư cũng như người dân. Nhìn lại thị trường năm 2014, các chuyên gia chỉ ra rằng, từ đầu năm, các nhà đầu tư đặt nhiều kỳ vọng. Trong năm, có thời điểm thị trường chứng khoán tăng trưởng rất mạnh so với các thị trường khác trên thế giới. Chỉ số VN-Index tăng từ mức hơn 500 điểm lên mức hơn 600 điểm rồi “rơi” về mức hơn 500 điểm sau khi xảy ra sự kiện Biển Đông. Liền sau đó, thị trường bất ngờ lấy lại đà tăng, VN-Index vượt mốc 640 điểm, song, tới thời điểm cuối năm, chỉ số này lại quay về sát mức 500 điểm. Xét về tổng thể thị trường năm 2014, nhà đầu tư vẫn được nhiều hơn mất. Tất nhiên, trong cuộc chơi, qua hai đợt biến động giảm điểm mạnh không được dự báo trước, việc một số nhà đầu tư bị thiệt hại là khó tránh khỏi.
Về cơ hội, triển vọng của thị trường, ông Trần Thăng Long, chuyên gia phân tích Công ty CP chứng khoán Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BSC) chỉ ra rằng: “Kinh tế vĩ mô của Việt Nam có chuyển biến rất tốt, có thể nhìn thấy được sự phục hồi của nền kinh tế và doanh nghiệp. Tuy nhiên, thị trường chứng khoán có phản ánh được đầy đủ sự phục hồi đó hay không còn phụ thuộc vào chính sách. Nếu chính sách mở hơn, thị trường sẽ tăng trưởng mạnh. Đánh giá một cách khách quan, chúng ta vẫn còn tương đối chậm trong việc đưa ra các chính sách cũng như áp dụng sản phẩm mới. Điều này khiến dòng tiền vào thị trường bị hạn chế và khó thu hút thêm luồng tiền từ bên ngoài vào Việt Nam”.
“Ai cũng kỳ vọng vào tương lai sáng hơn. Thị trường đang khá hấp dẫn bởi lãi suất tiết kiệm thấp, cổ phiếu đang ở vùng giá khá rẻ và hợp lý cho việc đầu tư. Trong quý I-2015, thị trường có thể sẽ khả quan hơn bởi đây là quý gần với mùa đại hội cổ đông, chia cổ tức đợt mới... Quý I cũng là quý dễ thu hút vốn của nhà đầu tư nước ngoài. Dù vậy, thị trường có tiến xa được hay không vẫn phụ thuộc vào chính sách cũng như chuyển biến của nền kinh tế”, ông Trần Thăng Long nhận định.
Thêm một tín hiệu đáng chú ý có ảnh hưởng tích cực tới chứng khoán - đó là tình hình sức khỏe doanh nghiệp đang cải thiện. Thực tế, năm 2015, các doanh nghiệp có nhiều cơ hội để phục hồi hơn bởi mặt bằng lãi suất hiện nay đã khá hấp dẫn. Bên cạnh đó, mức độ tự tin của doanh nghiệp Việt đã tăng trở lại và sức mua trong nước cũng tăng.
Tiền sẽ chảy vào bất động sản
Sau thời gian dài trầm lắng, TS Trần Kim Chung, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương cho rằng, thị trường bất động sản có thể đi lên trong năm 2015. Dự báo này được đưa ra dựa trên các cơ sở là chỉ những dự án đã hoàn thành mới có giao dịch. Cùng với đó, một số doanh nghiệp chủ đạo trên thị trường sẽ tiếp tục triển khai các dự án tốt để thu hút các nhà đầu tư. Ngoài ra, thị trường cũng sẽ xuất hiện một số nhà đầu tư mới với năng lực tốt.
Kỳ vọng nhiều vào thị trường bất động sản năm 2015, TS Vũ Đình Ánh chỉ ra rằng: “Nếu lạm phát thấp, tỷ giá ổn định và Ngân hàng Nhà nước Việt Nam tiếp tục duy trì chính sách quản lý thị trường vàng như hiện nay thì sự hấp dẫn của thị trường vàng và ngoại tệ sẽ suy giảm. Ngược lại, thị trường bất động sản sẽ thu hút nguồn vốn đáng kể trong năm 2015 khi xu thế giá thực và nhu cầu thực đang áp đảo thị trường. Với kịch bản lạm phát trên 5%, bất động sản cũng được lợi do thị trường này sẽ trở thành “hầm trú ẩn” an toàn để đối phó với nguy cơ lạm phát cao quay trở lại”.
Các chuyên gia cho rằng, với những chính sách từ phía Ngân hàng Nhà nước, các kênh đầu tư như vàng, USD sẽ tiếp tục bị hạn chế. Trong 2 năm qua, việc nắm giữ USD không mang lại nhiều lợi nhuận, kể cả tính lãi suất tiền gửi và trượt giá. Còn với kênh đầu tư vàng, thực tế cho thấy giá vàng đã tăng hơn 10 năm và mới đảo chiều cách đây hơn 1 năm nên sẽ không có nhiều cơ hội đối với kênh đầu tư này. Do đó, đầu tư vàng và ngoại tệ sẽ không là xu hướng của năm 2015. Kênh gửi tiết kiệm được xác định là ổn định và an toàn nhưng mức lãi suất tương đối thấp so với kỳ vọng của người gửi tiền.