Ông Trần Văn Hiệp -Chủ tịch UBND tỉnh Lâm Đồng vừa ký Công văn số 7850/UBND-ĐC chỉ đạo tăng cường công tác quản lý, sử dụng đất thuộc tuyến đường cao tốc Dầu Giây – Liên Khương đi qua địa bàn tỉnh.
Theo đó, UBND tỉnh Lâm Đồng yêu cầu UBND các huyện Đạ Huoai, Bảo Lâm, Di Linh, Đức Trọng, Đạ Tẻh và thành phố Bảo Lộc phối hợp chặt chẽ và tạo điều kiện thuận lợi cho Ban Quản lý dự án Giao thông tỉnh trong quá trình triển khai thực hiện dự án.
UBND các địa phương nêu trên chịu hoàn toàn trách nhiệm trong việc thực hiện (làm chủ đầu tư) công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng, tái định cư của dự án đi qua từng địa phương theo quy định.
Ảnh minh họa
Bên cạnh đó, rà soát, tổng hợp việc sử dụng đất để thực hiện dự án trong quy hoạch sử dụng đất thời kỳ 2021 – 2030, kế hoạch sử dụng đất hằng năm của địa phương và đề xuất cụ thể quỹ đất dọc hai bên đường cao tốc có khả năng phát triển kinh tế - xã hội, khu dân cư, đô thị, khu chức năng, trạm dừng chân,…
UBND tỉnh Lâm Đồng lưu ý tuyệt đối không quy hoạch các loại đất khác ngoài đất giao thông thuộc ranh giới thu hồi để thực hiện dự án đường cao tốc và hành lang bảo vệ an toàn.
UBND các huyện Đạ Huoai, Bảo Lâm, Di Linh, Đức Trọng, Đạ Tẻh và thành phố Bảo Lộc chịu trách nhiệm tuyên truyền, vận động các tổ chức, cá nhân không lấn chiếm, hủy hoại đất, chuyển mục đích sử dụng đất, tách thửa trái phép, xây dựng công trình trái phép trên đất, không được xây dựng nhà mới nhà ở, công trình, trồng cây lâu năm,… thuộc phạm vi dự án và quỹ đất phục vụ dự án.
Đặc biệt, UBND tỉnh Lâm Đồng yêu cầu các địa phương chịu trách nhiệm công bố công khai về hướng tuyến dự án cao tốc Dầu Giây – Liên Khương đi qua địa bàn tỉnh để người dân được biết, chấp hành theo quy định,…
Tiến độ dự án cao tốc Dầu Giây – Liên Khương hiện đang ra sao?
Ngày 5/10/2022, Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Lâm Đồng phát đi Báo cáo số 336/BC-KHĐT về tình hình thực hiện các công trình trọng điểm theo Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh Lâm Đồng lần thứ XI đến tháng 9 năm 2022.
Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Lâm Đồng cho biết, dự án dự án Cao tốc Dầu giây - Liên Khương được chia thành 3 đoạn để thực hiện đầu tư gồm đoạn Dầu Giây - Tân Phú, đoạn Tân Phú - Bảo Lộc và đoạn Bảo Lộc - Liên Khương.
Đối với đoạn Dầu Giây - Tân Phú, Bộ Giao thông vận tải đã trình Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định chủ trương đầu tư giai đoạn 1 dự án theo hình thức PPP với chiều dài khoảng 60,1km, tổng mức đầu tư 8.365 tỷ đồng. Trong đó, vốn nhà đầu tư 7.065 tỷ đồng, vốn ngân sách nhà nước để thực hiện công tác BTGPMB và một phần khối lượng xây lắp là 1.300 tỷ đồng.
Đối với đoạn Tân Phú - Bảo Lộc, Thủ tướng Chính phủ thống nhất chủ trương giao UBND tỉnh Lâm Đồng là cơ quan có thẩm quyền tổ chức thực hiện dự án, dự án đã được Hội đồng thẩm định liên ngành thẩm định.
Ngày 22/6/2022, UBND tỉnh có văn bản số 4497/UBND-GT đề nghị Thủ tướng Chính phủ phê duyệt chủ trương đầu tư dự án. Tuy nhiên, Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Văn Thành có chỉ đạo tại văn bản số 4590/VPCP-CN ngày 22/7/2022 giao tỉnh Lâm Đồng phối hợp với Hội đồng thẩm định rà soát, hoàn thiện hồ sơ Báo cáo nghiên cứu tiền khả thi.
Ban cán sự Đảng UBND tỉnh Lâm Đồng cũng đã có văn bản số 611-CV/BCSĐUB ngày 02/8/2022 xin ý kiến Thường trực Tỉnh ủy, Ban Thường vụ Tỉnh ủy về phương án điều chỉnh dự án.
Ngày 16/9/2022, UBND tỉnh Lâm Đồng có văn bản số 7007/UBND-GT báo cáo cơ quan Thường trực Hội đồng thẩm định liên ngành (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) giải trình, làm rõ một số nội dung dự án.
Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Lâm Đồng cho biết thêm, Ban quản lý dự án giao thông tỉnh chủ động liên hệ, phối hợp với các cơ quan thuộc Hội đồng thẩm định liên ngành để kịp thời giải trình, bổ sung, đảm bảo đủ điều kiện sớm trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt chủ trương đầu tư dự án trong tháng 11/2022.
Đối với đoạn Bảo Lộc - Liên Khương, UBND tỉnh đã thống nhất chủ trương Liên danh Công ty cổ phần Tập đoàn T&T và Công ty cổ phần đầu tư Tập đoàn Phương Trang nghiên cứu, khảo sát, đề xuất dự án đường cao tốc Bảo Lộc - Liên Khương theo phương thức đối tác công tư.
Hiện nay, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã có văn bản số 2574/BKHĐT-GSTĐĐT gửi Văn phòng Chính phủ về thẩm quyền và trình tự, thủ tục thẩm định Báo cáo NCTKT Dự án. Theo đó thẩm quyền quyết định chủ trương thuộc thẩm quyền của HĐND tỉnh.
UBND tỉnh đã thành lập Hội đồng thẩm định Báo cáo nghiên cứu tiền khả thi dự án; Hội đồng thẩm định đã tổ chức họp thẩm định và đề nghị nhà đầu tư lập dự án làm rõ, bổ sung, hoàn thiện một số nội dung của báo cáo nghiên cứu tiền khả thi.
Cũng theo Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Lâm Đồng cho biết, Ban quản lý dự án giao thông tỉnh phối hợp với nhà đầu tư tiếp tục hoàn thiện báo cáo nghiên cứu tiền khả thi dự án, hoàn thành trước ngày 20/10/2022 để trình thẩm định.
Đồng thời, Hội đồng thẩm định cơ sở hoàn thành công tác thẩm định, báo cáo UBND tỉnh trong tháng 10/2022 để trình HĐND tỉnh phê duyệt trong tháng 12/2022; tổ chức lập báo cáo nghiên cứu khả thi trong tháng 01/2023; trình thẩm định và trình phê duyệt báo cáo nghiên cứu khả thi trong quý I/2023, thực hiện các thủ tục bồi thường giải phóng mặt bằng và phấn đấu khởi công trong năm 2023.
-
Lâm Đồng có thêm dự án khu dân cư hơn 820 tỷ đồng
UBND tỉnh Lâm Đồng vừa ban hành Quyết định số 1881/QĐ-UBND về việc chấp thuận chủ trương đầu tư dự án khu dân cư phía Đông, thị trấn Đình Văn, huyện Lâm Hà.
-
Liên doanh quỹ nước ngoài công bố nhà đại diện và phân phối độc quyền Haus Da Lat tại Việt Nam
Tại Haus Da Lat, 4 chuyên gia và cộng sự sẽ trở thành nhà đại diện và phân phối độc quyền thị trường Việt Nam. Các chuyên gia đều là cố vấn đáng tin cậy cho nhiều thương vụ đầu tư cá nhân tỷ đô, có chiến lược điều hành doanh nghiệp để tạo nên đội ngũ...
-
“Đứng bánh” nhiều năm, dự án tuyến đường tránh TP. Bảo Lộc gần 800 tỷ đồng có diễn biến mới
Dự án xây dựng tuyến tránh quốc lộ 20 trên địa bàn TP. Bảo Lộc có chiều dài 15,5km là hạ tầng giao thông quan trọng nhưng suốt nhiều năm ngừng thi công. Phó Thủ tướng Thường trực Nguyễn Hòa Bình vừa có chỉ đạo quan trọng đối với dự án này....
-
UBND tỉnh Lâm Đồng vừa có chỉ đạo quan trọng về nguồn vật liệu thi công cho các dự án trên địa bàn
UBND tỉnh Lâm Đồng yêu cầu các đơn vị liên quan tăng cường thanh tra, kiểm tra từ khâu xây dựng mỏ, phương án khai thác; khẩn trương tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp về thủ tục hành chính, giải phóng mặt bằng....