Hiện tại, không ít khách hàng cá nhân đến đáo hạn sổ tiết kiệm ngoại tệ tại các ngân hàng đã tính toán chuyển số tiền USD sang VND để hưởng lợi nhuận cao hơn khoảng 5 lần, khi nhiều nhà băng đã chính thức công bố biểu lãi suất huy động USD tối đa chỉ còn 3%/năm.
Lãi suất tiền đồng hấp dẫn hơn lãi suất tiền USD

Sau một ngày chỉ thị của Thủ tướng được Ngân hàng nhà nước (NHNN) triển khai việc áp dụng trần lãi suất đồng đô la còn 3%/năm và giữ mức lãi suất huy động tiền Việt Nam đồng 14%/năm, giao dịch tại các ngân hàng có nhiều xu hướng khác nhau.

Tại một ngân hàng thương mại cổ phần lớn nằm trên phố Láng Hạ - Hà Nội, không khí giao dịch không quá khác biệt so với ngày thường. Điểm khác biệt hơn là có khá nhiều người trung niên, người già đang làm thủ tục gửi tiết kiệm. Bác Bằng – một cán bộ hưu trí ở phường Trung Liệt trò chuyện trong khi chờ đợi: “Tôi chỉ có vài ngàn đô do con gái hàng năm hay gửi tiền về mừng tuổi bố mẹ. Lương hưu đủ dùng cho hai vợ chồng già nên tôi không để ý đến lãi suất của ngân hàng về khoản tiền này. Nhưng hôm qua, nghe đài báo nói NHNN chỉ cho phép lãi suất 3%/năm nên hai vợ chồng tôi bàn nhau đổi ra tiền Việt, có lợi nhuận nhiều hơn”.

Cô nhân viên giao dịch ngồi tính toán rất cẩn thận cho bác Bằng. Bác Bằng có 20.000USD. Với lãi suất 3%/năm thì cuối năm, bác được nhận về 600 USD tương ứng với 12.600.000 triệu VNĐ (mệnh giá tạm tính là 21.000 VNĐ/USD). Trong khi đó nếu bác đổi 20.000USD ra tiền Việt, lãi suất 14%/năm thì số tiền lãi bác nhận cuối kì là (20.000 x 21.000)x 14% = 58.800.000 đồng. Mức lãi suất này gấp 4,6 lần so với gửi bằng đồng USD. Nếu tính trong trường hợp lạm phát vẫn tăng cao đến 10% thì số tiền lãi bác Bằng thu được vẫn là hơn 50 triệu đồng – một con số hấp dẫn hơn rất nhiều lần so với đồng ngoại tệ.

Sau khi được phân tích, bác Bằng đã quyết định chuyển đổi đồng USD sang tiền Việt để gửi tiết kiệm mà không cần phải gọi điện về nhà xin ý kiến vợ.

Trong khi đó, anh Hòa, một Việt Kiều tại Mỹ, cho biết, anh cũng đang cân nhắc khi gửi ngoại tệ về nước để nhờ người nhà gửi tiết kiệm vì lãi suất đã giảm hấp dẫn. Tuy nhiên, anh Hòa phân tích, gửi tiết kiệm USD tại Việt Nam vẫn có mức lãi suất cao hơn gửi tại nước ngoài. Anh này nói thêm: “Tôi đã tính đến những phương án làm ăn hiệu quả hơn là gửi tiết kiệm chỉ để lĩnh 3%/năm lãi”.

USD do các doanh nghiệp bán cho ngân hàng tăng mạnh

Thông tin từ các NHTM cho thấy, khối lượng USD do các doanh nghiệp bán cho ngân hàng tăng lên rõ rệt. Đặc biệt, trong mấy ngày qua, người dân có USD tiền mặt cũng đem đến bán cho ngân hàng – một hiện tượng trước đây ít có. Doanh nghiệp và người dân cũng dự đoán rằng trong thời gian tới thị trường ngoại tệ sẽ ít có khả năng biến động, vì vậy trữ USD để đầu cơ giá là không có lợi.

Ngoài ra, nhiều khách hàng cũng đến các ngân hàng để rút tiền tiết kiệm bằng USD ra khỏi tài khoản. Đại diện ngân hàng M cho biết: “Từ ngày 13/4 đến nay, số tiền USD được rút ra từ ngân hàng cho khách hàng cá nhân lên tới 500 – 600 ngàn USD”.

Lý giải hiện tượng này, vị đại diện cho biết do khách hàng không còn hào hứng với lãi suất 3% mà NHNN vừa áp dụng nhưng cũng không đủ tin tưởng vào tính ổn định của đồng nội tệ. Nếu hết quý II, tình hình kinh tế ổn định hơn thì người dân mới tìm lại niềm tin vào đồng tiền Việt.

Nhiều dự đoán cho thấy nguồn cung USD tại các ngân hàng sẽ dồi dào hơn. Mới đây, trong thông báo ngày 13/4, Chính phủ tiếp tục yêu cầu NHNN trong tháng 4/2011 ban hành thông tư quy định việc mua bán ngoại tệ của tập đoàn kinh tế, Tổng công ty nhà nước theo hướng mở rộng đối tượng thực hiện gồm các tập đoàn kinh tế, Tổng công ty nhà nước và các doanh nghiệp thành viên là doanh nghiệp nhà nước.

Tuy nhiên, theo ông Trần Hoàng Ngân, thành viên Hội đồng tư vấn chính sách tài chính tiền tệ quốc gia, cho rằng lãi suất huy động ngoại tệ ở Mỹ hiện nay chỉ khoảng 0,4-0,8%, cho nên gửi ngoại tệ ở Việt Nam 3% vẫn là lãi suất hấp dẫn.
Cafeland.vn - Theo VnMedia
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
 
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.