Theo thống kê mới đây, lượng tiền gửi vào hệ thống ngân hàng tăng rất mạnh. Thanh khoản được cải thiện, nhưng nhiều ngân hàng vẫn tăng lãi suất huy động VND, còn doanh nghiệp mong muốn giảm lãi suất cho vay.
Tăng lãi suất huy động
Vừa qua, một số ngân hàng thương mại đã tăng nhẹ lãi suất huy động VND các kỳ hạn ngắn. Động thái này chỉ để giữ nguồn vốn ổn định, phòng bị thanh khoản chứ không báo hiệu xu hướng tăng lãi suất kéo dài.
Một số ngân hàng đã tăng mạnh lãi suất huy động như, VPBank, Vietcombank, VietCapital Bank, Eximbank, TPBank…Việc tăng mức huy động còn liên quan đến vấn đề tăng trở lại của lãi suất liên ngân hàng.
Theo dự báo sáu tháng cuối năm 2016 của Ủy ban giám sát tài chính quốc gia (NFSC), lãi suất huy động có thể tiếp tục tăng tại một số NHTM nhỏ, đặc biệt là lãi suất huy động trung và dài hạn. Một số NHTM nhỏ đã tăng lãi suất huy động kỳ hạn dài tăng đến 0,7% so với cuối năm 2015.
Nguyên nhân lãi suất huy động tăng chủ yếu do các NHTM đẩy mạnh huy động vốn trung và dài hạn nhằm cân đối nguồn vốn trước các quy định sửa đổi của Thông tư 06/2016/TT-NHNN.
Theo thông tư này, tỷ lệ nguồn vốn ngắn hạn cho vay trung dài hạn giảm xuống 50% thay vì mức 60% kể từ 1/1/2017, và xuống 40% từ 1/1/2018, khiến nhu cầu vốn trung và dài hạn tăng lên đáng kể trong bối cảnh tín dụng trung dài hạn ngày càng chiếm tỷ trọng lớn.
Với thanh khoản của VND khá dồi dào, huy động vốn tăng cao, thậm chí là dư thừa nhưng lãi suất vẫn tăng có thể là do tác động bất ổn trên thị trường. Thời gian qua, giá vàng tăng, USD tăng và rất nhiều biến động khác ảnh hưởng đến thị trường tài chính. Ngân hàng Nhà nước đã mua được một lượng lớn ngoại tệ và bơm một lượng lớn tiền VND ra nền kinh tế. Các yếu tố bên ngoài tác động vào và sự lo lắng về lạm phát và tỷ giá ngăn cản việc giảm mạnh lãi suất.
Một số chuyên gia cho rằng việc dư thừa thanh khoản của hệ thống ngân hàng chỉ mang tính tạm thời và ngắn hạn.
Các ngân hàng đang phải đối mặt với rất nhiều rủi ro
Vì vậy, các ngân hàng vẫn phải tăng cường huy động vốn, tăng lãi suất để phục vụ cho việc phát triển 6 tháng cuối năm. Đây là thời điểm tín dụng có xu hướng tăng tốc mạnh để phục vụ cho việc giải ngân và cho vay. Hơn nữa, việc phát hành TPCP sẽ tăng thêm 30.000 tỷ đồng, khiến cầu về nguồn vốn tăng thêm. Lúc đó, lãi suất cũng sẽ chịu sức ép tăng.
Thống đốc NHNN Lê Minh Hưng cũng cho rằng sức ép tăng lãi suất trên thị trường là rất lớn, xuất phát từ kỳ vọng lạm phát.
Do đó, việc kiểm soát dòng vốn cần rất thận trọng, không chủ quan với lạm phát. Nếu lạm phát tăng sẽ tạo nên sức ép vốn và lãi suất đầu vào cao. Việc linh hoạt trong điều hành để giữ ổn định lãi suất cho vay là rất cần thiết.
Công ty chứng khoán BVSC, thanh khoản hệ thống ngân hàng được cải thiện rõ nét có khả năng xuất phát từ tình trạng dư thừa tạm thời của tiền đồng sau khi NHNN liên tiếp mua vào ngoại tệ (ước tính khoảng 8 tỷ USD) nhằm cải thiện dự trữ ngoại hối.
Vẫn còn nhiều sức ép
Theo số liệu công bố từ NHNN, tăng trưởng M2 tính đến cuối tháng 5 đạt mức 6,75% so với cuối năm 2015 trong khi tăng trưởng tín dụng ở mức thấp hơn (5,48%).
Chênh lệch giữa phần tăng thêm của cung tiền M2 và phần tăng thêm của tín dụng là 255.143 tỷ đồng. Một phần lượng tiền dư ra này đã được các NHTM đầu tư mới vào kênh TPCP với tổng lượng vốn ròng rót vào đây là 58.739 tỷ đồng.
Ngoài ra, lượng vốn NHNN bơm ròng qua kênh OMO trong 5 tháng đầu năm cũng đạt gần 3.000 tỷ đồng. Như vậy, tính tổng cộng, phần chênh giữa cung tiền và cầu tiền trong nền kinh tế tính đến thời điểm cuối tháng 5 ước tính khoảng 95.000 tỷ đồng (tương đương khoảng 4,2 tỷ USD).
Thanh khoản tốt dần lên sẽ giúp các ngân hàng giải tỏa đáng kể áp lực phải tăng lãi suất huy động tiết kiệm từ dân cư.
Theo BVSC, các ngân hàng đã giải tỏa áp lực phải tăng vốn huy động trung và dài hạn bằng mọi giá ngay trong các tháng còn lại của năm nay. Qua đó, sức ép tăng lãi suất cũng tạm thời giảm bớt.
Ngoài ra, NHNN vẫn chưa điều chỉnh mục tiêu tăng trưởng tín dụng ở mức 18-20% cho cả năm nay, nên khả năng tăng của lãi suất cho vay là không cao, chỉ khoảng 0,5%.
Như vậy, các ngân hàng tăng lãi suất huy động VND đang biến động ở các kỳ hạn ngắn chưa hẳn đã ảnh hưởng đến lãi suất cho vay.
Một vài ngân hàng có thể bị mất thanh khoản tạm thời sẽ tăng lãi suất huy động để bù đắp nguồn vốn ngắn hạn. Đây là việc làm bình thường, vẫn trong khả năng kiểm soát chứ không phải là cuộc đua lãi suất khi thị trường tăng nóng.
Hơn nữa, lãi suất huy động tăng, nhưng lãi cho vay giảm khi nhu cầu tín dụng chưa cao thì vẫn ổn định trong ngắn hạn.
Thêm nữa, nguồn vốn huy động USD giá rẻ của các NHTM hiện đang khá dồi dào sẽ hỗ trợ cho lãi suất không tăng. Điều này nhằm chia sẻ khó khăn giữa ngân hàng với khách hàng vay, đảm bảo an toàn tài chính trong hoạt động.