13/07/2017 8:50 AM
CafeLand – Liên quan đến việc Ngân hàng Nhà nước vừa có các văn bản giảm lãi suất từ ngày 10/7 với mục đích thúc đẩy tăng trưởng GDP và cho vay các lĩnh vực ưu tiên. Điều này có hạn chế nguồn vốn vào thị trường bất động sản?

Nhiều ngân hàng giảm lãi suất

Nhiều ngân hàng giảm lãi suất cho vay các lĩnh vực ưu tiên từ ngày 10/7

Ngay sau khi Ngân hàng Nhà nước (NHNN) thông báo về việc giảm lãi suất điều hành thêm 0,25% kể từ ngày 10/7 và yêu cầu các ngân hàng giảm 0,5% lãi suất cho vay ở một số lĩnh vực, đối tượng ưu tiên, nhiều nhà băng cũng đã đồng loạt giảm lãi suất.

Chẳng hạn, ngân hàng BIDV giảm lãi suất cho vay ngắn hạn bằng VND đối với các đối tượng, lĩnh vực ưu tiên, khuyến khích đầu tư. Theo đó, ngân hàng này áp dụng mức trần lãi suất 6,5%/năm đối với cho vay ngắn hạn VND cho các đối tượng ưu tiên theo quy định của NHNN.

Riêng các lĩnh vực ưu tiên thỏa mãn các điều kiện cho vay của BIDV như phục vụ nông nghiệp, nông thôn; thực hiện các phương án, dự án sản xuất - kinh doanh hàng xuất khẩu; phục vụ sản xuất - kinh doanh của doanh nghiệp nhỏ và vừa,… được giảm lãi suất thêm 0,5% tức chỉ còn tối đa 6%/năm.

Bên cạnh đó, BIDV tiếp tục triển khai gói tín dụng 30.000 tỷ đồng và 10.000 tỷ đồng ngắn hạn hỗ trợ các doanh nghiệp phát triển sản xuất kinh doanh với lãi suất lần lượt từ 5,0%/năm và 5,5%/năm.

Tương tự, từ ngày 10/7, Sacombank triển khai gói tín dụng 1.000 tỷ với mức lãi suất cho vay ngắn hạn tối đa là 6,5%/năm trong suốt thời hạn vay nhằm đáp ứng nhu cầu bổ sung vốn sản xuất, kinh doanh đối với các khách hàng đang hoạt động trong 5 lĩnh vực ưu tiên.

Mới đây nhất, ACB cũng đã công bố gói vay 10.000 tỷ đồng hỗ trợ sản xuất kinh doanh dành cho khách hàng cá nhân và doanh nghiệp với lãi suất từ 7%. Đây là mức lãi suất ưu đãi được ACB điều chỉnh giảm so với trước đây để tạo điều kiện cho khách hàng có được nguồn vốn sản xuất kinh doanh trong 5 lĩnh vực cần được tập trung hỗ trợ hiện nay theo quy định của NHNN.

Trước đó, một số ngân hàng khác như LienVietPostBank, VPBank cũng đã quyết định giảm lãi suất cho vay kể từ ngày 10/7.

Theo đại diện một số ngân hàng, việc giảm lãi suất này sẽ góp phần cung ứng nguồn vốn đến với các cá nhân, doanh nghiệp trong 5 lĩnh vực ưu tiên nhanh chóng và kịp thời hơn, qua đó đồng hành cùng doanh nghiệp giảm chi phí lãi vay gia tăng hiệu quả kinh doanh, mở rộng thị phần.

Vốn vào bất động sản có giảm?

Các chuyên gia cho rằng việc giảm lãi suất bên cạnh chính sách mới về xử lý nợ xấu có hiệu lực từ 15/8 tới sẽ giúp hệ thống ngân hàng dễ dàng đạt mục tiêu tăng trưởng tín dụng 18% trong năm nay. Mục tiêu tăng trưởng GDP cũng có thêm cơ hội cán đích nhờ dòng vốn vào các lĩnh vực sản xuất, kinh doanh được khơi thông.

Tuy nhiên, theo yêu cầu từ NHNN cũng như động thái hạ lãi suất của các ngân hàng thì nguồn tín dụng ưu đãi chủ yếu tập trung vào các lĩnh vực ưu tiên trong đó không có bất động sản.

Nguồn vốn cho vay bất động sản có thể sẽ hẹp hơn. Ảnh: Trần Phong

Nhìn nhận về vấn đề này, theo Tiến sĩ Nguyễn Trí Hiếu, chuyên gia tài chính ngân hàng, nếu các ngân hàng thực hiện một cách nghiêm túc quy định mới của NHNN thì có thể sẽ đổ một lượng vốn vào các lĩnh vực ưu tiên như nông nghiệp, kinh doanh sản xuất doanh nghiệp vừa và nhỏ,… từ đó vốn vào lĩnh vực bất động sản có thể bị ảnh hưởng. Đặc biệt là từ đầu năm đến nay, tăng trưởng huy động thấp hơn tăng trưởng tín dụng chính vì thế nguồn vốn cho vay bất động sản có thể sẽ hẹp hơn.

Dù vậy, cũng cần phải chờ xem các ngân hàng sẽ thực hiện yêu cầu mới này của NHNN ở mức độ nào. Hiện nay, chưa biết bao nhiêu vốn các ngân hàng sẽ lấy từ các lĩnh vực khác để cho vay ưu tiên và do đó, chưa khẳng định được vốn vào bất động sản bị hạn chế hay không.

Nói về đường đi của tín dụng vào bất động sản từ nay đến cuối năm, chuyên gia cho rằng các ngân hàng vẫn tiếp tục đổ tiền vào bất động sản. Bởi thị trường bất động sản hiện tại vẫn rất hấp dẫn, cho vay lĩnh vực này lãi suất cao, tài sản cố định nên luôn trong vòng kiểm soát.

“Tôi dự báo từ nay đến cuối năm tín dụng vào bất động sản tiếp tục tăng nhưng phải cẩn thận. Nếu các ngân hàng đổ quá nhiều tiền vào bất động sản sẽ dẫn đến giá bất động sản tăng nhanh, tăng nguy cơ bong bóng. Đến một lúc nào đó bóng bóng sẽ vỡ và gây thiệt hại khó lường” ông Hiếu cho biết.

Thịnh Châu
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.
CafeLand.vn là Network bất động sản hàng đầu tại Việt Nam và duy nhất chuyên về bất động sản. Cập nhật thực trạng thị trường bất động sản hiện nay, cung cấp cho các độc giả những thông tin chính xác và những góc nhìn phân tích nhận định về thị trường bất động sản từ các chuyên gia trong ngành. Ngoài ra, CafeLand còn cung cấp cho độc giả tất cả các thông tin về sự kiên, dự án, các xu hướng phong thủy, nhà ở để các bạn có cái nhìn tổng quan hơn về thông tin mua bán nhà đất tại Việt Nam.