Sáng 21/6, kỳ họp thứ 3 Quốc hội khóa XIV đã chính thức thông qua Nghị quyết về xử lý nợ xấu của tổ chức tín dụng. Theo đó, 86,35% số đại biểu có mặt tán thành. Tỷ lệ không tán thành Nghị quyết này cũng khá cao, tới hơn 6% tương đương với 31 đại biểu. Nghị quyết này được thực hiện trong thời hạn 5 năm, kể từ ngày 15/8/2017.
Dù vẫn còn khá nhiều băn khoăn của Đại biểu Quốc hội liên quan đến một số vấn đề như không sử dụng ngân sách Nhà nước để xử lý nợ xấu, không miễn trừ trách nhiệm đối với người có hành vi vi phạm trong quá trình xử lý nợ xấu; các thủ tục về kê biên tài sản đảm bảo... nhưng do tính chất cần thiết và đặc thù của yêu cầu phải xử lý nợ xấu, Nghị quyết này cuối cùng cũng đã được các Đại biểu Quốc hội thông qua.
Đánh giá về việc Nghị quyết được thông qua, các chuyên gia của Công ty chứng khoán Bảo Việt (BVSC) cho rằng, đây là thông tin tích cực đối với ngành ngân hàng nói chung cũng như các ngân hàng đang còn nhiều nợ xấu nói riêng. Điển hình như cổ phiếu BID của ngân hàng BIDV và STB của Sacombank trên sàn niêm yết.
Tuy nhiên, do tính chất thông tin không mới và trên thực tế cũng đã phản ánh phần lớn vào diễn biến tăng điểm của các cổ phiếu ngân hàng thời gian qua nên khi thông tin chính thức được công bố, tác dụng hỗ trợ ngắn hạn đối với thị trường đã không còn.
Mặc dù vậy, theo BVSC đây là yếu tố mang tính trung hạn và các cổ phiếu ngân hàng hoàn toàn có khả năng duy trì xu hướng tích cực khi những chuyển biến về xử lý nợ xấu nhờ nghị quyết trên thực sự diễn ra trong thực tế.
Trong khi đó, nhìn nhận về tác động của Nghị quyết, các chuyên gia của Công ty CP Chứng khoán Ngân hàng Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV) cho biết, thông qua ngành ngân hàng, xử lý nợ xấu giúp giải phóng lượng vốn/tài sản tồn đọng. Từ đó thúc đẩy tăng trưởng, tăng hiệu quả và giảm chi phí chung cho nền kinh tế bởi Việt Nam còn phụ thuộc lớn vào tính dụng.
Trên thực tế, tính đến cuối năm 2016, quy mô nợ xấu lớn (bao gồm nợ nội bảng, nợ bán cho VAMC chưa xử lý và nợ tiềm ẩn) của Việt Nam đạt gần 600 nghìn tỷ đồng, tương đương 10,08% tổng dư nợ tín dụng và 13,3% GDP.
-
Chính thức thông qua Nghị quyết về thí điểm xử lý nợ xấu
CafeLand - Với 86,35% đại biểu tán thành, Nghị quyết về thí điểm xử lý nợ xấu của các tổ chức tín dụng đã chính thức được Quốc hội thông qua sáng nay (21/6).