Hơn 300 hộ dân vùng ngập lòng hồ thủy điện Plei Krông, huyện Đắk Hà (KonTum) phải nhường điền thổ, di dời nhà cửa đến nơi ở mới.

Đến nay 10 năm người dân vẫn chưa được an cư, còn khu tái định cư mới được đầu tư hơn 149 tỷ đồng thì người dân “chê” thiếu nước, sạt lở dẫn đến nhiều nhà cửa xây xong luôn trong tình trạng cửa đóng, then cài.

Dự án quy hoạch bố trí dân cư tại xã Đắk Hring với tổng mức đầu tư 149,12 tỷ đồng, tổng diện tích đất quy hoạch thực hiện dự án là 690 ha (110 ha đất thổ cư, 580 đất sản xuất) để bố trí cho 300 hộ (1.500 khẩu) thiếu đất sản xuất.

Nhiều căn nhà xây xong phần thô, thiếu nước, công trình cũng dang dở

Vì sao người dân “chê” nhà tái định cư?

Khu dân cư xã Tua Team (thôn 4), xã Đắk Hring, huyện Đắk Hà (Kon Tum), sau gần 10 năm triển khai thi công nhưng đến nay vẫn chưa thành hình. Nhiều hạng mục công trình, trong đó có nhiều căn nhà chỉ xây xong phần thô rồi bỏ hoang, đất, đá, cát vứt vương vãi.

Ghi nhận thực tế, không chỉ những căn nhà đang xây dang dở bỏ hoang, mà có cả những căn nhà đã hoàn thiện, trang bị cả bồn chứa nước nhưng nhiều người dân lại chê. Nhà then cài, cửa đóng, mốc meo đó là thực trạng tại khu dân cư được đầu tư hơn 149 tỷ đồng. Quanh khu tái định cư, điện, đường, trường trạm đã hoàn tất nhưng chỉ lèo tèo vài hộ dân đang sinh sống.

Dù khu dân cư được thiết kế cho 300 hộ dân với 1.500 nhân khẩu và đến nay theo thống kê của huyện Đắk Hà là có 126 hộ đến ở nhưng thực tế chỉ có 14 hộ dân đến ở ổn định. Nhiều hộ dân dù nhận nhà nhưng ban ngày đến làm rẫy rồi nghỉ qua trưa tối đến lại về làng cũ. Họ cho rằng dù rất muốn về khu tái định cư nhưng “chê” không có nước sinh hoạt và bị sạt lở.

Dù mới chuyển gia đình về khu tái định cư nhưng anh A Bái đã lo chuyện thiếu nước sinh hoạt. A Bái nói ở đây cứ 2 hộ gia đình dùng chung một giếng nước. Mùa mưa không sợ thiếu nhưng mùa khô thì không có nước sinh hoạt. Nỗi lo của A Bái cũng là nỗi lo của hầu hết người dân khu tái định cư. Ngay cả việc thi công xây dựng nhà cho dân cũng thiếu nước dẫn đến việc nhiều căn nhà xây dựng dang dở rồi bỏ hoang.

Theo người dân, khu tái định cư dù nằm vị trí trên đồi cao, không chỉ khó khăn về nguồn nước mà còn có nguy cơ sạt lở. Những căn nhà nằm sát mép bờ vực và có nguy cơ sạt lở, đổ sụp khiến người dân không muốn về khu tái định cư.

10 năm chưa được an cư

Sau khi nhường đất đai, nhà cửa ruộng vườn cho vùng ngập lòng hồ thủy điện Plei Krông, huyện Đắk Hà, hàng trăm hộ dân các làng thuộc xã Đắk Hà và xã Đắk Mar kỳ vọng chủ đầu tư và cả chính quyền địa phương sẽ sắp xếp cho họ một nơi an cư để ổn định cuộc sống lao động, sản xuất. Thua thiệt là vậy, đến nay tròn 10 năm cuộc sống người dân vẫn cứ lao đao, lận đận tìm kiếm chỗ an cư. Nhiều người dân tỏ ra ngán ngẫm trước những lời hứa hẹn về cấp đất sản xuất của chính quyền khiến họ lâm cảnh rời làng cũ đi không được, đến làng mới cũng không xong.

Nhiều người dân tỏ ra ngán ngẩm trước những lời hứa hẹn về cấp đất sản xuất của chính quyền khiến họ lâm cảnh rời làng cũ đi không được, đến làng mới cũng không xong.

Theo ông Trần Đình Trọng – Phó Ban quản lý (BQL) dự án quy hoạch bố trí dân cư huyện Đắk Hà thì đến tháng 7/2019, dự án quy hoạch bố trí khu dân cư xã Đắk Hring mới thu hồi, giao đất cho các hộ dân và xây dựng hạ tầng là 121,75ha. Trong đó có hơn 82 ha cà phê đã chia cho 126 hộ dân (79 hộ dân xã Đắk Mar và 47 hộ thị trấn Đắk Hà); 7,3 ha đất trồng cao su đã thu hồi làm đường, hành lang an toàn đường điện, xây trường học và san nền khu dân cư. Gần 32 ha đất trống(12,4 ha thu hồi năm 2012 và 18,7 ha thu hồi 2018) cũng được thu hồi sử dụng cho mục đích làm đường, trạm y tế, làm trường cấp 1 và tiếp tục làm khu dân cư.

Ông Trọng cho biết, hiện quỹ đất còn lại chỉ còn 4,08 ha cao su và 22,6 ha đất trống dự kiến giao trong năm 2019. Như vậy dự án được quy hoạch 690 ha ban đầu nhưng đến nay dự án triển khai không như kỳ vọng, dù tiêu tốn hết 134 tỷ đồng, trong đó có 14,8 tỷ đồng tiền rà phá bom mìn, vật liệu nổ trên diện tích 420 ha. Nhiều nguyên nhân được huyện Đắk Hà chỉ ra như phong tục tập quán của người dân địa phương nhưng những sai phạm và trách nhiệm của cơ quan quản lí, triển khai dự án đến nay vẫn chưa được xem xét, làm rõ!

Nam Phong (DĐDN)
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
 
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.