Kính cường lực, kính chống cháy hay kính tiết kiệm năng lượng… là một trong số những loại kính xây dựng được ứng dụng phổ biến trong nhiều công trình để làm cửa, vách ngăn, cầu thang hay tường chịu lực.

Những năm gần đây, xu hướng sử dụng kính trong xây dựng và kiến trúc càng trở nên phổ biến. Vật liệu kính dùng trong xây dựng có các đặc điểm như tính thẩm mỹ, độ an toàn cao và dễ dàng thi công, phù hợp cho việc thiết kế không gian mở.

Kính xây dựng được làm từ thủy tinh, có dạng tấm với chiều dày nhỏ hơn so với chiều dài và chiều rộng. Vật liệu này thường được ứng dụng trong nhiều công trình để làm cửa sổ, cửa ra vào, các vách ngăn, lan can, cầu thang hay bất kỳ vị trí nào đòi hỏi yếu tố ánh sáng cũng như yếu tố an toàn.

Đặc biệt, những không gian có hạn chế về diện tích, nhất là tại các đô thị rất ưa chuộng sử dụng kính xây dựng.

Kính xây dựng có những loại nào?

Thị trường hiện nay có nhiều loại kính xây dựng như kính cường lực, kính an toàn, kính chống cháy và kính phản quang… mỗi loại kính sẽ có đặc tính riêng nên giá bán cũng sẽ khác nhau.

Kính xây dựng thường được ứng dụng trong nhiều công trình để làm cửa sổ, cửa ra vào, các vách ngăn, lan can, cầu thang…

Thông thường, người ta phân loại kính xây dựng dựa trên các tiêu chí như mức độ truyền sáng, công nghệ sản xuất hay hay dựa theo nhu cầu sử dụng.

Cụ thể, theo mức độ dẫn truyền ánh sáng sẽ có các loại kính trong suốt, kính mờ đục, kính trong mờ, hay các loại kính phản quang. Tương tự, dựa theo cấu tạo và công nghệ sản xuất có kính dán an toàn, kính thường, kính hộp, hay kính cường lực…

1. Kính cường lực

Kính cường lực được sản xuất bằng cách gia nhiệt tấm kính trắng thông thường tới 700 độ C và được làm nguội nhanh bằng khí mát. Quá trình này nhằm tạo độ cứng cho bề mặt, giúp cho tấm kính có khả năng chịu nhiệt, chịu lực cao gấp nhiều lần so với kính thường.

Vách ngăn kính cường lực

Đây được xem là loại kính an toàn nhờ có khả năng chịu lực, chịu va đập mạnh, chống rung hiệu quả, khả năng cách âm, cách nhiệt tốt.

Ngoài ra, khi bị vỡ, tấm kính chịu lực này sẽ vỡ thành hạt vụn có kích thước rất nhỏ, nhỏ hơn hạt ngô với bề mặt các cạnh không bị sắc nhọn, hạn chế tối đa thương tích cho người sử dụng.

Tuy nhiên, do tiêu chuẩn kính cường lực là loại kính tôi nên việc khoan lỗ, khắc, cắt hay là xử lý cạnh kính thì phải được thực hiện trước khi tôi.

Hiện nay, thị trường có 2 loại kính cường lực là kính cường lực hoàn toàn và kính bán cường lực, với chiều dày phổ biến từ 4-19mm.

Tại các công trình, đối với vị trí lắp đặt làm cửa chính, vách ngăn, cầu thang và lan can thì nên sử dụng kính cường lực hoàn toàn để đảm bảo an toàn. Còn đối với kính cửa sổ, cửa đi thông phòng hay mặt bàn thì có thể sử dụng kính bán cường lực để giảm chi phí mà vẫn đảm bảo được nhu cầu sử dụng.

2. Kính dán an toàn

Tương tự như kính cường lực, kính dán an toàn cũng có khả năng chịu lực, đảm bảo được độ an toàn cho người sử dụng, kể cả khi chúng bị nứt vỡ.

Kính dán an toàn

Kính an toàn được sản xuất theo một quy trình riêng biệt so với các loại kính thường. Chính vì vậy chúng có cấu tạo rất đặc biệt.

Cụ thể, loại kính này được tạo nên từ hai hay nhiều lớp kính, giữa các lớp kính có màng phim PVB. Còn đối với loại kính dán an toàn sử dụng các lớp kính cường lực dán vào nhau còn được gọi với tên là kính dán an toàn cường lực.

Trong quá trình sử dụng, các tấm kính dán an toàn khi bị vỡ sẽ không rơi vụn ra mà dính lại trên màng phim PVB. Chính đặc điểm này mà kính an toàn được sử dụng phổ biến trong xây dựng để đảm bảo được độ an toàn cho công trình.

Hiện nay, độ dày lớp phim PVB tiêu chuẩn gồm có 0,38 mm; 0,76 mm; 0,52mm; 3,04mm. Nhờ đó, kính an toàn 2 lớp được sử dụng phổ biến trong ngành xây dựng, kết hợp với các loại cửa nhôm kính, cửa nhựa lõi thép, cửa kính khung gỗ, cửa gỗ kính.

3. Kính tiết kiệm năng lượng

Kính tiết kiệm năng lượng được gia công từ kính phẳng với lớp phủ siêu mỏng trên bề mặt, có khả năng đáp ứng các yêu cầu về tính năng sử dụng, yêu cầu về độ trong suốt và màu sắc của kính.

Ưu điểm của loại kính xây dựng này là khả năng cách nhiệt, ngăn chặn 99% tia UV và 69% năng lượng mặt trời. Ngoài khả năng ngăn ngừa tia UV, hai loại kính này còn có hệ số dẫn nhiệt nhỏ giúp tiết kiệm điện năng đến 51%.

Tại thị trường trong nước, kính tiết kiệm năng lượng Solar Control và Low E là các dòng sản phẩm đang được sử dụng phổ biến.

Trong đó, kính Low E là dòng kính đáp ứng mọi nhu cầu cấp thiết khi thiết kế nhà kính dân dụng hiện nay. Đây là các tấm kính trắng được phủ một cấu trúc các lớp kim loại, oxít kim loại mỏng nhằm đạt được độ phát xạ thấp.

Loại kính này được thiết kế gồm 1 lớp phủ bạc nên có khả năng làm giảm hệ số phát xạ của tấm kính. Đây cũng là ưu điểm vượt trội của kính Low E so với các loại kính xây dựng tiết kiệm năng lượng khác trên thị trường.

Còn với kính Solar Control, đây là loại kính tiết kiệm năng lượng được gia công từ kính trắng xây dựng, với lớp phủ metalic siêu mỏng. Công nghệ này cho phép ánh sáng xuyên qua tấm kính, đồng thời cản đến 65% năng lượng từ mặt trời.

Đặc biệt, kính Solar Control sử dụng đơn lớp tấm nên có thể dùng thay thế các vật liệu kính xây dựng thông thường, cho cả công trình thương mại và dân dụng.

4. Kính phản quang

Kính phản quang là loại kính phẳng, có độ dày từ 5-19mm, được phủ trên bề mặt một lớp phản quang bằng oxit kim loại. Lớp này có tác dụng làm giảm luồng nhiệt dư thừa và độ chói sáng, cân bằng những ánh sáng thông thường và chống tia UV.

Hiện nay, loại kính này được phân ra 2 loại là kính phản quang một chiều và kính phản quang hai chiều với nhiều màu sắc như màu xanh lá, màu xám, màu ghi… Đặc biệt, màu sắc kính sẽ thay đổi theo độ dày, tùy theo số lần ghép mà màu có thể đậm hơn hay nhạt hơn.

Dựa trên công nghệ sản xuất, kính phản quang có 2 loại, gồm kính phản quang phủ cứng và kính phản quang phủ mềm.

Với kính phản quang phủ cứng, đây là phương pháp lớp phủ được áp dụng trong quá trình luyện kính, lớp phủ hợp nhất trong kính ở nhiệt độ 1.200 độ C. Phương pháp này tạo ra kính phản quang có độ bền cao, có thể cắt, gia cường, gia nhiệt, uốn cong như các loại kính thông thường khác.

Đối với kính phản quang phủ mềm, loại kính này được sản xuất theo phương pháp lớp phủ một lượng nhỏ kim loại lên bề mặt kính, bằng phản ứng dây chuyền trong lò chân không.

Theo đó, kính phản quang phủ mềm có độ bền không cao vì hay bị xước, bong hơn kính phủ cứng. Ngoài ra, loại kính này không thể gia cường hay uốn cong, cắt gọt cũng phức tạp.

5. Kính hộp

Kính hộp là một loại kính đặc biệt, có cấu tạo từ hai hoặc nhiều lớp kính có cùng độ dày, được ngăn bằng khí trơ hoặc chân không giúp tăng hiệu quả cách âm, cách nhiệt cho không gian.

Kính hộp tiết kiệm năng lượng

Hiện nay, các loại kính được sử dụng để làm kính hộp rất đa dạng từ kính dán an toàn, kính cường lực, kính thường. Theo đó, đối với loại kính hộp 2 lớp, loại kính này được cấu thành bởi 1 lớp kính trong và 1 lớp kính hoa văn trang trí.

Tương tự, kính hộp 3 lớp được cấu thành bởi một lớp kính trong và một lớp kính trang trí nghệ thuật, ở giữa là lớp kim loại được uốn tạo hoa văn và sơn tĩnh điện.

Ưu điểm nổi bật của kính hộp chính là khả năng cách nhiệt, truyền nhiệt từ môi trường ngoài vào trong và làm giảm khả năng thất thoát nhiệt từ trong ra ngoài. Kính hộp với lớp 2 tấm kính chứa khí trơ xen kẽ nên có khả năng cách âm hiệu quả.

Ngoài ra, loại kính này còn có khả năng chống sự ngưng tụ sương nhờ cấu tạo thanh nhôm ngăn cách giữa các lớp kính có chứa các loại hạt hút ẩm.

6. Kính chống cháy

Hiện nay, các dòng kính chống cháy được sản xuất với khả năng ngăn cản đám cháy khi xảy ra hỏa hoạn. Bên trong kính chống cháy có chất làm chậm cháy khi tiếp xúc với nhiệt độ cao, ngăn ngừa kính bị vỡ do sốc nhiệt.

Kính chống cháy nổ

Trên thị trường đang có 2 sản phẩm phổ biến đó là kính chống cháy EI và kính chống cháy E. Cụ thể, với sản phẩm kính chống cháy E, loại kính này thực chất là kính hút chân không, kính được cấu tạo từ 02 lớp kính đơn và có lớp khí trơ ở giữa. Nhờ đó, sản phẩm này có khả năng ngăn chặn lửa, khói và khí độc trong khoảng thời gian 45-120 phút.

Tương tự, kính chống cháy EI được cấu tạo bởi nhiều lớp kính và keo ngăn nhiệt trong suốt. Bên cạnh khả năng chống cháy tốt, kính chống cháy EI còn có ưu điểm là hạn chế truyền nhiệt khói và khí độc truyền qua kính với thời gian chống cháy lên đến 120 phút

Với kích thước tối đa có thể lên đến 1500x3000mm cùng khả năng chống cháy, ngăn chặn lửa, khói và khí độc, các dòng sản phẩm kính chống cháy EI, E đang được nhiều công trình ưa chuộng, giúp hạn chế được tác hại khi xảy ra sự cố cháy nổ.

Hữu Việt
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
 
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.