14/05/2012 9:33 PM
Nền kinh tế Trung Quốc suy giảm bất ngờ vào tháng 4 với số liệu về sản lượng thấp hơn dự kiến.

Mức độ suy giảm trong doanh số bán lẻ và giảm giá cả có thể nặng nề hơn suy đoán, đòi hỏi những phản ứng chính sách mạnh mẽ hơn để có thể giải quyết kịp thời.

Sản lượng công nghiệp của quốc gia này tăng với tốc độ chậm nhất trong gần 3 năm vào tháng 4 vừa rồi, trong khi tăng trưởng đầu tư vào tài sản cố định đã giảm xuống mức thấp nhất trong gần 1 thập kỷ.

Sự tăng trưởng yếu kém trong đầu tư tài sản cố định báo hiệu rằng, tác động của cuộc khủng hoảng tín dụng kéo dài trong lĩnh vực bất động sản của Trung Quốc và nhu cầu suy giảm từ các thị trường xuất khẩu nặng nề hơn so với những suy đoán ban đầu.

Trên thực tế, các khoản vay mới trong tháng 4 thấp hơn so với mức mà hầu hết các nhà quan sát thị trường đã dự kiến, được giải thích bởi các điều kiện cho vay tiếp tục chặt chẽ đối với các doanh nghiệp và các nhà phát triển thị trường, bất chấp việc nước này đã tán thành nới lỏng nhẹ trong điều kiện tín dụng.

“Các dữ liệu cho thấy, có một sự giảm tốc hơn nữa của nền kinh tế vào đầu quý II, với tất cả các phân đoạn của nhu cầu tư nhân đều suy yếu”, Dariusz Kowalczyk, nhà kinh tế tại Credit Agricole CIB tại Hồng Kông cho biết. “Điều này làm gia tăng áp lực đối với chính sách kích thích, cả về tài khóa và tiền tệ, nhất là khi lạm phát đã thấp hơn”.

Các ngân hàng Trung Quốc đã cho vay mới khoảng 681,8 tỷ nhân dân tệ trong tháng 4, dưới mức dự báo của thị trường - khoảng 800 tỷ nhân dân tệ. Tăng trưởng hàng năm theo biện pháp đo lường cung tiền mở rộng của Trung Quốc đã giảm xuống 12,8%, thấp hơn mục tiêu 14% của quốc gia này.

Số dư nợ của các ngân hàng vào cuối tháng 4 là khoảng 57,9 nghìn tỷ nhân dân tệ, tăng 15,4% so với một năm trước, nhưng đã giảm xuống từ mức tăng 15,7% của tháng 3 và thấp hơn mức dự đoán trước đó của các nhà kinh tế là 15,6%.

Trung Quốc đã có một sự điều chỉnh về chính sách tài khóa và tiền tệ kể từ mùa thu năm 2011 trong bối cảnh suy giảm nhu cầu từ liên minh châu Âu - thị trường xuất khẩu lớn nhất của Trung Quốc - và tác động từ chính sách thắt chặt trong nước. Tuy nhiên, bởi nền kinh tế này đang nỗ lực để lấy lại đà đi lên, các nhà phân tích cho rằng, thời gian cho các hành động quyết liệt hơn có thể đang đến gần.

“Chính phủ đang cố gắng để vực dậy nền kinh tế thông qua các biện pháp chủ yếu mang tính thụ động, nhưng chiến lược này dường như đã thất bại. Một chính sách tiền tệ quyết đoán hơn bây giờ là rất cần thiết”, ông Alistair Thornton, một nhà kinh tế của IHS Global Insight tại Bắc Kinh nhận định. “Chúng tôi tin rằng, Chính phủ sẽ tăng cường nỗ lực để kích thích nền kinh tế, với một sự quan tâm đặc biệt tới khả năng thực sự của các chính sách kích thích”.

Sản xuất công nghiệp đã tăng 9,3% trong tháng 4, mức thấp nhất kể từ tháng 5 năm 2009, trong khi doanh thu bán lẻ tăng chậm lại, còn 14,1%, mức thấp nhất trong vòng 14 tháng.

Đầu tư tài sản cố định tăng 20,2% trong 4 tháng đầu năm, thấp nhất kể từ tháng 12 năm 2002.

Tài sản đầu tư tăng trưởng chậm lại ở mức 9,2%, thấp nhất kể từ tháng 11/2009, theo tính toán của Reuters. Tăng trưởng đầu tư mới trong lĩnh vực bất động sản trong 4 tháng đầu năm giảm xuống còn 18,7%, từ mức 23,5% trong quý đầu tiên. Tăng trưởng sản lượng điện cũng chậm lại, xuống mức dưới 1%.

Nhu cầu dầu mỏ của Trung Quốc không có biến chuyển đặc biệt, thậm chí có thể đã diễn biến tiêu cực trong tháng 4. Điều đó giúp phán đoán giá dầu tương lai tại Mỹ, sau khi đã giảm xuống dưới 100 USD/một thùng vào đầu tháng này.

Đồng đô la Úc, mà giao dịch của nó được xem như một đại diện cho kỳ vọng tăng trưởng của Trung Quốc, đã giảm xuống mức thấp trong gần 5 tháng. Các thị trường chứng khoán tại Hồng Kông và Thượng Hải đều suy giảm.

Cuộc chiến kéo dài 2 năm của Trung Quốc với lạm phát và bong bóng tài sản là hiệu ứng sau khi thực hiện chương trình kích thích kinh tế để duy trì tăng trưởng trong bối cảnh của cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu 2008 - 2009. Lạm phát suy giảm là điều kiện để quốc gia này có một sự nới lỏng chính sách nhằm giúp nền kinh tế lấy lại đà tăng trưởng.

Theo ĐTCK
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.