Trung Quốc: Khủng hoảng trầm trọng cả về tài chính và niềm tin
80% gia đình không muốn mua nhà
Theo Morgan Stanley, các hộ gia đình Trung Quốc vẫn thận trọng về triển vọng nhà ở bất chấp hàng loạt biện pháp nới lỏng của Bắc Kinh.
Trong một báo cáo nghiên cứu công bố ngày 10/10, Morgan Stanley cho biết hơn 80% hộ gia đình được khảo sát tại các thành phố cấp 1 đến 4 vẫn chưa sẵn sàng tham gia thị trường nhà ở hoặc không chắc chắn về việc tham gia thị trường trong thời gian tới. Trong số những người được hỏi, 42% kỳ vọng giá nhà thấp hơn trong 12 tháng tới, so với 23% dự đoán giá sẽ tăng.
Các gói giải cứu chưa hiệu quả
Doanh số bán nhà mỗi tháng tính theo diện tích sàn tại Trung Quốc đã giảm gần một nửa so với giai đoạn nửa đầu năm 2021, và đầu tư bất động sản đã giảm gần 20% trong tháng 8 so với cùng kỳ năm ngoái.
Chính quyền Trung Quốc đã triển khai các biện pháp nới lỏng như giảm các khoản trả trước và lãi suất trong những tháng gần đây để chấm dứt tình trạng suy thoái nhà ở, hiện đang kéo theo đà giảm của nền kinh tế và làm trầm trọng thêm cuộc khủng hoảng nợ của các nhà phát triển.
Chính phủ cũng đã tăng cường viện trợ cho nền kinh tế trong những tháng gần đây bằng các động từng phần như hạ lãi suất cơ bản, bơm thêm tiền mặt trong dài hạn vào hệ thống ngân hàng, hỗ trợ cho hoạt động bán nhà và tiêu dùng hộ gia đình, đồng thời đẩy nhanh việc phát hành trái phiếu chính quyền địa phương nhất là kể từ tháng 8.
Có thông tin cho rằng Trung Quốc đang xem xét tăng thâm hụt ngân sách cho năm 2023 khi chính phủ chuẩn bị tung ra một đợt kích thích mới để giúp đạt được mục tiêu tăng trưởng.
Mặc dù vậy, triển vọng của thị trường nhà ở vẫn chưa có dấu hiệu cải thiện.
Cần một “liều doping” mạnh hơn
Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) cho biết vào ngày 10/10, những khó khăn về bất động sản của Trung Quốc đòi hỏi các quan chức nước này phải có phản ứng “mạnh mẽ” để khôi phục niềm tin của thị trường.
Theo nhà kinh tế trưởng Pierre-Olivier Gourinchas của IMF, Trung Quốc nên “giúp cơ cấu lại các doanh nghiệp bất động sản đang gặp khó khăn, để đảm bảo rằng không có bất kỳ sự gia tăng bất ổn tài chính nào, để khoanh vùng khó khăn bất động sản và khiến chúng không lan ra hệ thống tài chính lớn hơn, đồng thời giúp khôi phục niềm tin của các hộ gia đình”.
IMF đã cắt giảm dự báo tăng trưởng của Trung Quốc trong năm nay từ 5,2% xuống 5% và trong năm tới từ 4,5% xuống 4,2%. Tổ chức này cho rằng nền kinh tế Trung Quốc đang mất đà vì đầu tư bất động sản và giá nhà đất sụt giảm, gây nguy hiểm cho nguồn thu của chính phủ từ việc bán đất cũng như tạo ra tâm lý tiêu dùng yếu kém.
Mỹ: Thị trường xuống đáy, “giấc mơ Mỹ” đang tan biến
20% Millennial không tin có thể mua được nhà
CEO của công ty bất động sản Redfin, Glenn Kelman, vừa cảnh báo rằng thị trường bất động sản Mỹ đang chạm đáy và giấc mơ mua nhà của nhiều người đang tan biến. Ông nhận định lãi suất rất khó giảm vào cuối năm 2023 với nhiều diễn biến chưa chắc chắn trong năm 2024.
“Vấn đề nghiêm trọng hơn là rất nhiều người đã không còn tin vào giấc mơ Mỹ. Cứ năm người thuộc thế hệ Millennial thì có một người tin rằng họ sẽ không bao giờ sở hữu được một ngôi nhà”.
Một chuyên gia khác cho biết: “Khả năng mua nhà ở đang ở mức thấp nhất trong vòng 40 năm. Giá nhà đã tăng 40% kể từ năm 2019 và lãi suất vẫn tăng thêm. Tôi nghĩ là thế hệ Millennial chỉ sở hữu dưới 20% tài sản của nước Mỹ khi bước vào tuổi mua nhà, thấp hơn so với tỷ lệ 30% của thế hệ Baby Boomer”.
Giá nhà tăng kỷ lục tại 98/100 thành phố lớn nhất nước Mỹ
Một báo cáo vào tháng 8 cho thấy 98 trong số 100 thành phố lớn nhất của Mỹ đang có giá nhà vượt quá mức trung bình trong dài hạn.
Bang Florida đang dẫn đầu danh sách. Trong đó, thành phố Cape Coral có giá nhà cao hơn 47,99% so với tiêu chuẩn lịch sử. Atlanta, Georgia, Tampa, Florida và Palm Bay, Florida theo sau với mức chênh lần lượt là 45,74%, 42,81% và 42,60%.
Tại Cape Coral, các nhà nghiên cứu đưa ra mức giá dự kiến cho một ngôi nhà thông thường là 271.013 USD. Tuy nhiên, mức giá trung bình mà các ngôi nhà trong khu vực đang bán thực tế là 401.063 USD.
Trên toàn nước Mỹ, thị trường nhà ở đang phải đối mặt với tình trạng cạn kiệt nguồn cung, giá đã tăng gần 30% kể từ những ngày đầu của đại dịch Covid và lượng giao dịch giảm hơn 15% so với một năm trước.
Các khó khăn này một phần lớn là do lãi suất thế chấp trên mức cao nhất trong 20 năm, khiến nhiều người Mỹ không muốn chuyển nhà hoặc mua nhà mới.
Trong khi đó, dữ liệu của Fannie Mae cho thấy tỷ lệ người tiêu dùng cho rằng bây giờ là thời điểm tốt để mua nhà đã giảm xuống mức thấp nhất mọi thời đại vào tháng 9.
Doug Duncan, nhà kinh tế trưởng của Fannie Mae, cho biết: “Lãi suất liên tục ở mức trên 7% dường như đang làm sâu sắc thêm cảm giác bất ổn của người tiêu dùng về thị trường nhà ở. Đây là lý do hàng đầu khiến họ nghĩ rằng không nên mua nhà vào lúc này”.
Cần chấm dứt việc tăng lãi suất
Các lãnh đạo của các ngân hàng và doanh nghiệp bất động sản hàng đầu đang kêu gọi Cục Dự trữ Liên bang (FED) ngừng tăng lãi suất, vì ngành này đang phải gánh chịu chi phí tăng cao và “sự thiếu hụt kỷ lục” nguồn cung nhà để bán.
Trong một lá thư gửi tới FED vào ngày 09/10, họ bày tỏ lo ngại về định hướng của chính sách tiền tệ và tác động của chúng đối với thị trường bất động sản vốn đang gặp khó khăn.
Hiệp hội Xây dựng Nhà Quốc gia, Hiệp hội Ngân hàng Thế chấp và Hiệp hội Môi giới Bất động sản Quốc gia (NAR) cho biết họ viết bức thư “để truyền đạt một mối quan ngại chung sâu sắc”.
Các nhóm yêu cầu FED không “dự định tăng thêm lãi suất” và không tích cực bán trái phiếu đang nắm giữ ít nhất cho đến khi thị trường nhà ở ổn định.
Bức thư được đưa ra khi FED đang cân nhắc xem nên tiến hành chính sách tiền tệ thế nào sau khi đã tăng lãi suất vay 11 lần kể từ tháng 3 năm 2022.
Bức thư lưu ý rằng việc tăng lãi suất đã “làm trầm trọng thêm khả năng chi trả nhà ở và tạo thêm sự gián đoạn cho thị trường bất động sản vốn đang khó khăn khi doanh số sụt giảm do thiếu hụt nguồn cung ở mức kỷ lục”.
Theo trang tin Bankrate, lãi suất thế chấp trung bình kỳ hạn 30 năm tại Mỹ đang mức 8%, trong khi giá nhà trung bình đã tăng lên 407.100 USD, với lượng nguồn cung có sẵn chỉ đủ để giao dịch trong 3,3 tháng. Các quan chức NAR ước tính nguồn cung nhà cần tăng gấp đôi để giá bán đi xuống.
-
Cổ phiếu bất động sản châu Á ảm đạm vì Trung Quốc
Các quỹ đầu tư tín thác bất động sản (REIT) tại châu Á đang bị ảnh hưởng khi giới đầu tư trở nên thận trọng hơn trước cuộc khủng hoảng bất động sản và những rắc rối hiện tại của các nhà phát triển Trung Quốc.
-
Nhà đầu tư huyền thoại Ray Dalio: Trung Quốc cần tái cơ cấu nợ xấu, tạo ra nhiều tiền hơn để tránh khủng hoảng nợ
Nhà sáng lập Bridgewater Associates Ray Dalio cho biết tại một hội nghị vào thứ Sáu 18/10 rằng, Trung Quốc phải áp dụng điều mà ông gọi là "giảm đòn bẩy đẹp đẽ" (beautiful deleveraging), ngoài các biện pháp kích thích mới nhất của mình để tránh khủng...
-
Giá nhà Trung Quốc vẫn giảm bất chấp hàng loạt nỗ lực kích cầu
Giá nhà tại Trung Quốc trong tháng 9 giảm gần như cùng tốc độ với tháng trước, bất chấp những nỗ lực ổn định ngành bất động sản của nước này.
-
Trung Quốc tăng ngân sách chương trình hỗ trợ các dự án bất động sản lên 562 tỷ USD
Trung Quốc cho biết họ sẽ mở rộng chương trình hỗ trợ các dự án bất động sản "danh sách trắng" lên 4 nghìn tỷ nhân dân tệ (tương đương 562 tỷ đô la) từ khoảng 2,23 nghìn tỷ nhân dân tệ đã triển khai, bổ sung thêm để ngăn chặn sự suy giảm của lĩnh vực...