18/10/2014 10:51 AM
Trong khi các chủ thuê bao điện thoại bị “tra tấn” từ hàng loạt tin nhắn rác vẫn chưa hạ hồi phân giải, thời gian gần đây họ lại phải đối mặt với nhiều kiểu tin nhắn liên quan đến kinh doanh bất động sản (BĐS). Không biết việc làm này có giúp thị trường BĐS vực dậy nổi hay không nhưng trước mắt khách hàng luôn cảm thấy bực bội, khó chịu vì liên tục bị quấy rối.

Gửi tin nhắn chào mua căn hộ đang trở thành nỗi phiền toái cho khách hàng (ảnh minh họa)

Đang thiu thiu ngủ trưa, chị M.T (ngụ Q.Gò Vấp) giật bắn người vì có tin nhắn từ sim rác: “Mở bán hai dự án: căn hộ mặt tiền đường Trường Chinh, hoàn thiện 80%, thanh toán 20%, giá từ 700 triệu/căn, DT 55-90m2, NH (ngân hàng) hỗ trợ 70%, chiết khấu 8%, LH: 09091449...”. Mỗi ngày, chị T. nhận ít nhất chục tin nhắn xoay quanh việc giới thiệu và bán căn hộ, đất nền như “căn hộ sắp giao, nhà cách sân bay 3,5km giá 680 triệu đồng/căn... ngân hàng hỗ trợ 70% tặng nội thất” hay “chỉ 3,3 triệu/m2 sở hữu đất nền nhà phố thương mại Bình Chánh...”. Không chỉ chào mời mua BĐS với nhiều chương trình và chính sách ưu đãi, các tin nhắn tới tấp gởi về còn rầm rộ quảng cáo được khuyến mãi khi mua căn hộ, đại loại như: “xem nhà nhận iPad, chỉ 150 triệu sở hữu căn hộ cao cấp 2 phòng ngủ, gần trung tâm Tân Bình, tặng chuyến du lịch Singapore và bộ nội thất cao cấp, liên hệ xem nhà 09087272...”; “xem nhà nhận iPad, tặng nội thất và iPhone 5s gold”...

Tin nhắn môi giới BĐS dù ra đời sau nhưng hiện đang trở thành nỗi phiền toái lớn nhất cho các chủ thuê bao. Không chỉ riêng chị T. mà người nhà, bạn bè chị cũng cùng chung cảnh ngộ. Nhiều lúc vô cùng bức xúc nhưng người sử dụng điện thoại cũng không biết phải xử lý bằng cách nào. Cứ thế họ đành nhận tin nhắn rác trong ấm ức. Dù nhà mạng cho rằng đã tìm cách quản lý sim điện thoại nhưng thực tế thì sim rác vẫn tồn tại và tin nhắn rác vẫn quấy rối người tiêu dùng (NTD). Rõ ràng hình thức tiếp thị theo cách này chỉ mang lại hiệu quả cho chủ đầu tư vì chi phí quảng cáo quá thấp nhưng chính cách làm này đang gây ảnh hưởng không nhỏ đến cuộc sống của NTD, đồng thời cũng là một hình thức vi phạm luật. Theo khoản 2 Điều 10 Luật Bảo vệ NTD thì “Tổ chức, cá nhân kinh doanh hàng hóa, dịch vụ quấy rối NTD thông qua tiếp thị hàng hóa, dịch vụ trái với ý muốn của NTD từ 2 lần trở lên hoặc có hành vi khác gây cản trở, ảnh hưởng đến công việc, sinh hoạt bình thường của NTD” là hành vi bị cấm mà pháp luật đã quy định đối với các DN, tổ chức trong việc tiếp thị sản phẩm hàng hóa và dịch vụ. Theo đó, mức xử phạt hành chính đối với hành vi vi phạm này từ 10 - 20 triệu đồng. Tuy nhiên, thực tế cho thấy chưa có doanh nghiệp, tổ chức hoặc cá nhân nào bị phạt vì hành vi này. Chúng tôi phân vân mãi vì sao những đơn vị đó lại có được số di động của các chủ thuê bao nếu không có sự “tiếp tay” của nhà mạng? Trách nhiệm của nhà mạng đã quá rõ trong việc để các tin nhắn rác ngày càng hoành hành, quấy nhiễu đến cuộc sống của chủ thuê bao.

Dù cho các doanh nghiệp hay cá nhân nghĩ rằng việc “dội bom” tin nhắn để quảng cáo các loại dịch vụ như điện máy, sim số, vay vốn hay mua bán BĐS sẽ mang lại hiệu quả thì thực tế đã chứng minh điều ngược lại. Tất cả những dạng tin nhắn như thế đều được cho là tin rác dù có hấp dẫn đến mấy cũng không phải là điều đáng tin cậy, huống chi ngay từ đầu bản thân người nhận đã tỏ rõ thái độ khó chịu, chỉ cần thấy là muốn xóa ngay lập tức. Anh Việt (ngụ Q12) bức xúc: “Không biết người khác nghĩ gì chứ đối với tôi những tin nhắn từ sim rác chỉ là những tin nhắn rác đúng nghĩa. Bản thân thật sự thấy bực bội khi tin nhắn cứ liên tục gởi đến, đặc biệt là những lúc nghỉ ngơi hay họp hành, cảm giác thật là khó chịu”. Nhiều người cho rằng dù cũng đồng cảm trước những nỗ lực của các Công ty, doanh nghiệp trong việc cố gắng tìm giải pháp để cứu vãn tình thế khó khăn trước mắt cũng như vực dậy thị trường BĐS đang đóng băng nhưng việc gởi hàng loạt tin nhắn để tìm kiếm cơ may thật sự đã mang lại hiệu quả ngược. Điều đó không những khiến người tiêu dùng bị quấy rối mà chắc chắn sẽ còn làm giảm uy tín của nhà đầu tư dự án đang được rao bán.

BĐS là một thứ hàng hóa đặt biệt, chỉ khi khách hàng thật sự có nhu cầu mua nhà để ở hoặc mua đất xây nhà thì bản thân họ phải trực tiếp nghiên cứu, xem xét rất kỹ nhiều mặt chứ không phải chỉ đọc bằng mắt thông qua những tin nhắn “có cánh”. Hơn nữa, từ trước giờ các chủ thuê bao đã thật sự bị ám ảnh với những tin nhắn rác nên nhiều khi chỉ cần thấy tin nhắn nội dung chào mời là lập tức họ liệt vào danh sách tin nhắn rác. Chung quy lại đó cũng là điều dễ hiểu vì hầu hết NTD đều nghĩ rằng nếu Công ty, doanh nghiệp đủ năng lực, đủ uy tín và đáng tin cậy sẽ không cầu cạnh đến nhà mạng thông qua việc gởi tin nhắn hàng loạt để “săn” khách hàng.

Chuyện các chủ thuê bao đang bị làm phiền mỗi ngày vì đủ loại tin nhắn rác sẽ còn kéo dài đến bao giờ? Câu hỏi này không biết cơ quan hữu trách nào sẽ chịu trách nhiệm giải đáp hay rốt cuộc chỉ có một giải pháp duy nhất là khách hàng phải chấp nhận “sống chung” với phiền toái?

Thiên Thiên (Công an TP.HCM)
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.