Tính đến nay, cả nước có tổng số 90 sân golf đã được quy hoạch. Tuy nhiên, điều đáng nói là trong số đó có hơn 70% số sân golf được phê duyệt đã dùng vào mục đích kinh doanh bất động sản là chính.

Chỉ có 41% là diện tích đất sân golf

Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho biết, hiện nay hiệu quả đầu tư của các dự án sân golf hoặc các dự án có mục tiêu sân golf chủ yếu xuất phát từ kinh doanh bất động sản như hình thức bán và cho thuê biệt thự trong khu vực dự án...

Trong tổng số 90 sân golf đã quy hoạch, chỉ có 21 dự án là kinh doanh sân golf, còn 69 dự án khác “mượn” danh sân golf để kinh doanh các lĩnh vực khác như: bất động sản, du lịch...

Cụ thể, các dự án có diện tích đất chiếm lớn như dự án Tam Nông (Phú Thọ) có diện tích là 2.069 ha, trong đó diện tích để xây dựng sân golf chỉ có 171,6 ha; dự án khu du lịch quốc tế Tản Viên (Hà Nội) có diện tích là 1.204 ha, trong đó diện tích đất sân golf chỉ là 222 ha; dự án Khu du lịch- đô thị sinh tháu hồ Quan Sơn (Mỹ Đức, Hà Nội) có diện tích 1.730 ha, trong đó đất sân golf chỉ chiếm có 161,5 ha; dự án khu du lịch Tam Chúc (Hà Nam) có diện tích là 2.042,4 ha, trong đó diện tích sân golf là 143,4 ha; sân golf 18 lỗ và sân tập golf tại Cam Lập (Cam Ranh, Khánh Hoà) có diện tích là 1.520,2 ha, trong khi diện tích dành cho sân golf chỉ có 134 ha.v.v...

Kinh doanh bất động sản... “núp” bóng sân golf ?

Theo Bộ Kế hoạch và Đầu tư, tính đến nay đã có 59/90 dự án có quyết định thu hồi đất với diện tích thu hồi trên 15.653 ha. Tuy nhiên, diện tích quy hoạch xây sân golf chỉ chưa đến 6.400 ha, chiếm 41% đất của dự án.

Trong phần diện tích còn lại, 8% là diện tích đất ở; 51% là diện tích đất sử dụng cho các mục đích xây dựng khu du lịch sinh thái, giải trí, trung tâm thương mại… Đã có 3/59 dự án sân golf tiến hành xây dựng nhà ở, biệt thự để bán với diện tích trên 304 ha, chiếm 23% diện tích đất quy hoạch nhà ở.

Siêu lợi nhuận nhờ "lách" luật

Theo dự thảo quy hoạch sân golf Việt Nam đến năm 2020 do Bộ Kế hoạch và Đầu tư soạn thảo, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu hạn chế tình trạng núp bóng sân golf để đầu tư, kinh doanh bất động sản.

Theo đó, quy hoạch phát triển sân golf phải quy định rõ việc xây dựng các công trình phụ trợ phục vụ hoạt động sân golf chỉ được sử dụng đất đã giao để xây dựng sân golf, không được sử dụng đất đã cấp cho làm sân golf xây dựng nhà, biệt thự để bán, chuyển nhượng.

Tỷ lệ diện tích đất dành để xây dựng nhà ở thấp tầng cho thuê trong tổng diện tích đất sân golf mà chủ đầu tư được giao đất hoặc cho thuê tối đa không quá 10% và mật độ xây dựng gộp của sân golf tối đa không quá 5% diện tích của dự án sân golf.

Tuy nhiên, nhiều ý kiến cho rằng, do giá thuê đất làm sân golf thấp hơn giá thuê đất xây biệt thự, nhà ở trung tâm, dịch vụ thương mại nhiều lần nên nhà đầu tư lợi dụng kẽ hở này để kinh doanh bất động sản, nhằm thu hồi vốn nhanh hơn.

Đồng thời, nhiều nhà đầu tư cũng cho rằng, việc kinh doanh dự án sân golf không thu được lợi nhuận cao bởi khách chơi golf chủ yếu là những người có thu nhập cao mà số lượng người có thu nhập cao hiện chỉ chiếm số ít, chính vì vậy để có lợi nhuận họ đành phải "lách" luật.

Tuy nhiên, nhiều chuyên gia trong lĩnh vực bất động sản cho rằng, thực chất hàng trăm ngôi biệt thự cao cấp “núp bóng” sân golf trong mỗi dự án mới là mục tiêu chính mà các chủ đầu tư nhắm đến bởi chỉ dự án sân golf mới lấy được nhiều đất đẹp.

Còn theo Tổng thư ký hiệp hội Golf Việt Nam, ông Nguyễn Ngọc Chu cho rằng, nhu cầu xây sân golf gắn liền với khu nghỉ mát trong thời đại hiện nay đã trở nên bắt buộc. Sân golf ở xa khu đô thị, không có vị thế đẹp đẩy các chủ đầu tư vào thế mạo hiểm và bất lợi.

"Các nhà đầu tư muốn tận dụng diện tích phải chừa ra trong khu đô thị và khu công nghiệp để xây sân golf nhằm tăng giá trị bất động sản là xu hướng mới', ông Chu nói.

Theo Thúy Ngân (Info TV)
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
 
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.
Tags: 0