Sở Xây dựng TP.HCM vừa có tờ trình về mức hỗ trợ cho chủ sở hữu nhà ở riêng lẻ bị ảnh hưởng bởi các dự án đầu tư xây dựng, nâng cấp đường giao thông có cao độ chênh lệch so với cao độ hiện hữu. Sở Xây dựng kiến nghị UBND TP đề nghị HĐND TP xây dựng nghị quyết về quy định này.
Theo Sở Xây dựng, trên địa bàn TP hiện đã có nhiều dự án cải tạo, nâng cấp, mở rộng đường, hẻm có thu hồi đất. Những hộ dân bị ảnh hưởng đều được bồi thường, hỗ trợ theo quy định.
Bên cạnh đó cũng có nhiều dự án cải tạo, nâng cấp nhưng không mở rộng đường, hẻm. Các hộ dân có một phần hoặc toàn bộ diện tích nhà ở bị hạn chế sử dụng lại không được bồi thường, hỗ trợ do Nhà nước không thu hồi đất. Đồng thời, pháp luật cũng chưa có quy định hỗ trợ cho các trường hợp bị ảnh hưởng.
“Cao độ các tuyến đường, hẻm được nâng lên lớn hơn hoặc bằng 2 m trong khi cao độ nền hiện hữu nhà dân là 1,3-1,4 m. Một số nhà dân không đủ điều kiện để nâng nền lên cho đồng bộ dẫn đến nền nhà thấp hơn cốt cao độ hoàn thiện của nền đường, hẻm. Một số tuyến hẻm chỉ nâng cấp độ mà không xây dựng hệ thống thu gom nước chảy tràn. Điều này đã khiến nước tràn vào nhà dân mỗi khi mưa lớn, không kết nối được giao thông, không đấu nối hệ thống thoát nước ra cống chính gây ngập cục bộ” - Sở Xây dựng nêu rõ.
Theo Sở Xây dựng, tổng số nhà bị ảnh hưởng bởi việc nâng đường, hẻm là 8.431. Cụ thể tại quận 6, từ năm 2004 đến 2007, tiểu dự án nâng cấp đô thị cải tạo kênh và đường dọc kênh Tân Hóa - Lò Gốm khi nâng đường đã khiến nhà dân thấp hơn mặt đường 0,5 m. Đến năm 2014, dự án tiếp tục triển khai thi công phần mở rộng, đã nâng cấp 36 tuyến đường và cụm hẻm trên địa bàn quận 6 với chiều dài hơn 10 km. Cốt nền cao hơn nền nhà dân 0,5-1 m đã ảnh hưởng rất lớn đến sinh hoạt của người dân. Hiện nay vẫn còn 617 hộ bị ảnh hưởng chưa có khả năng tự sửa chữa, nâng cấp nhà ở.
Tương tự, quận Bình Tân có 539 hộ dân bị ảnh hưởng bởi việc nâng đường Kinh Dương Vương. Quận 8 có 27 dự án đang triển khai, ảnh hưởng đến hơn 7.000 hộ dân. Ngoài ra các quận Bình Thạnh, Thủ Đức cũng có tình trạng nhà biến thành hầm khi các dự án đi qua.
Theo đề xuất của Sở Xây dựng, việc hỗ trợ các hộ dân bị ảnh hưởng sẽ tùy theo ba cấp độ từ nhẹ đến nặng. Theo đó sẽ có hai hình thức hỗ trợ bằng tiền mặt không hoàn lại, lấy từ nguồn kinh phí thực hiện dự án, thuộc chi phí bồi thường hỗ trợ, tái định cư (không áp dụng cho dự án ngoài ngân sách). Thứ hai là hỗ trợ bằng hình thức cho vay vốn ưu đãi đối với những trường hợp có nhu cầu vay.
Hỗ trợ 42-233 triệu đồng/hộ Đối tượng nhận hỗ trợ là các hộ gia đình chính sách; có hoàn cảnh khó khăn, hộ nghèo, cận nghèo. Nếu nhà bị hư hỏng còn khả năng cải tạo thì dự kiến được hỗ trợ 70% đơn giá sửa chữa, cải tạo diện tích tối đa là 70 m2 (hơn 42 triệu đồng/hộ). Trường hợp nhà không còn khả năng cải tạo, buộc phải tháo dỡ thì cũng được hỗ trợ bằng 70% đơn giá xây dựng mới phần diện tích tầng một (khoảng 233 triệu đồng/hộ). Việc hỗ trợ bằng hình thức cho vay vốn ưu đãi sẽ được áp dụng cho tất cả trường hợp còn lại không được hỗ trợ bằng tiền. Mức lãi suất cho vay sẽ là 4,7%/năm, tương đương khoảng 0,392%/tháng trong vòng năm năm. |
-
TP.HCM dự kiến đầu tư gần 8.500 tỉ đồng để xây đường trên cao nối Quận 7 với Nhà Bè
TP.HCM dự kiến triển khai xây dựng đường trên cao 4 làn xe trên tuyến đường Nguyễn Hữu Thọ, nối từ Nguyễn Văn Linh (Quận 7) đến cao tốc Bến Lức - Long Thành (huyện Nhà Bè).
-
TP.HCM sẽ phát triển 11 đô thị nén dọc metro, Vành đai 3: Thị trường bất động sản sẽ thay đổi ra sao?
TP.HCM vừa công bố kế hoạch triển khai 11 vị trí phát triển theo mô hình TOD - quy hoạch đô thị quanh metro và vành đai với mục tiêu tối ưu hóa sử dụng đất và phát triển giao thông công cộng. Đây là bước đi đón đầu xu thế của các đô thị hiện đại trên...
-
Bất ngờ với đề xuất xây dựng hầm vượt sông Đồng Nai thay cho dự án cầu Cát Lái
Ngày 15/11/2024, Công ty Cổ phần Fecon cùng đối tác Shanghai Tunnel Engineering Co.STEC đã đề xuất xây dựng hầm vượt sông Đồng Nai thay cho dự án cầu Cát Lái, nhằm kết nối TP.HCM và Đồng Nai. Theo đại diện Fecon, việc xây hầm sẽ giảm thiểu khó khăn t...