Cả hai cấp tòa đều cho rằng không có căn cứ kết luận bị đơn lấn chiếm 0,9 m2 đất nên đã bác yêu cầu khởi kiện, buộc nguyên đơn phải đóng án phí và chi phí định giá tài sản 4,1 triệu đồng.

TAND TP Cần Thơ vừa xét xử phúc thẩm vụ tranh chấp ranh giới các bất động sản liền kề giữa nguyên đơn là bà T. và bị đơn là ông D. do có kháng cáo của bà T.

Tranh chấp sau khi được cấp giấy đất

Theo hồ sơ, bà T. trình bày năm 1984, bà mua nhà, đất của một người và có rào chì gai trong phạm vi nhà, đất của bà. Giáp ranh nhà bà là phần đất trống, ông D. cất nhà tạm, sau đó xây kiên cố và lấn chiếm hết hẻm chung sát hàng rào nhà bà.

Ngày 26-10-2000, vợ chồng bà được UBND tỉnh Cần Thơ (cũ) cấp giấy chứng nhận quyền sở hữu nhà và quyền sử dụng đất ở, diện tích hơn 27 m2, phần diện tích sử dụng là 28 m2, diện tích xây dựng là gần 16 m2 tại một hẻm ở đường Nguyễn Trãi, quận Ninh Kiều.

Khoảng hở giữa nhà nguyên đơn và bị đơn trên giấy là 0,7 m nhưng thực tế chỉ còn 0,3 m. Ảnh: NN

Tháng 8-2015, bị đơn làm giấy đất đã lấn qua phần đất của bà 1,7 m2 và phần đất trên mương (chưa được cấp giấy) hơn 1 m2 nên bà khởi kiện yêu cầu hủy giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (GCNQSDĐ) của bị đơn. Đồng thời buộc bị đơn trả lại phần hẻm chung gần 2 m2.

Tuy nhiên, bị đơn cho rằng nguồn gốc đất của ông có được là do nhận chuyển nhượng của bà ngoại, được UBND phường xác nhận năm 1994, diện tích 40 m2 (ngang 8 m, dài 5 m). Ông có chừa phần đất ngang 1 m làm lối thoát hiểm giữa nhà ông và nguyên đơn.

Ngày 6-10-2015, vợ chồng ông được UBND quận Ninh Kiều cấp GCNQSDĐ và sở hữu nhà ở với diện tích đất hơn 37 m2, nhà ở riêng lẻ (cấp 4) bằng với diện tích đất ở. Khi bà T. xây dựng nhà đã lấn chiếm đất của ông nhưng lại đi kiện ông. Do đó, ông có đơn phản tố yêu cầu bà T. trả lại hơn 5 m2 đất cho ông (sau đó ra tòa ông D. rút phản tố này).

Xem thêm: Tin tức bđs cần thơ

Xử sơ thẩm năm 2020, TAND quận Ninh Kiều đã tuyên bác yêu cầu khởi kiện của bà T. về việc yêu cầu vợ chồng ông D. trả lại diện tích 2,2 m2 tại hai vị trí. Bị đơn được quyền tiếp tục sử dụng phần đất có diện tích 0,9 m2 vì phần đất này nằm trong GCNQSDĐ của vợ chồng bị đơn. Các bên không được làm thay đổi hiện trạng khoảng hở giữa hai căn nhà của nguyên đơn và bị đơn.

Sau đó bà T. kháng cáo, yêu cầu cấp phúc thẩm sửa án sơ thẩm, chấp nhận yêu cầu khởi kiện của bà.

Không có cơ sở xác định bị đơn lấn đất

Xử phúc thẩm, TAND TP Cần Thơ nhận định giấy chứng nhận quyền sở hữu nhà và quyền sử dụng đất ở cấp năm 2000 của nguyên đơn có diện tích đất hơn 27 m2. Đối chiếu với bản trích đo địa chính năm 2020 thể hiện, nguyên đơn đang sử dụng 44 m2, trong đó có hơn 27 m2 đất ở đô thị và gần 17 m2 lấn kênh.

Qua so sánh, tòa thấy rằng chiều ngang đất phía trước của bà T. thực tế lớn hơn 0,23 m so với giấy, phía sau thì nhỏ hơn 0,83 m… Tuy nhiên, tổng diện tích thực tế bà T. đang sự dụng tăng 0,03 m2 so với giấy (không tính phần diện tích gần 17 m2 lấn kênh).

GCNQSDĐ và sở hữu nhà ở cấp năm 2015 cho bị đơn có diện tích 37,4 m2. Đối chiếu với bản trích đo địa chính thể hiện bị đơn sử dụng 46,5 m2, trong đó có 9,1 m2 lấn kênh.

Sau khi so sánh, tòa thấy bị đơn sử dụng đất có chiều ngang trước giảm 0,25 m, ngang sau giảm 0,03 m… nhưng tổng diện tích không thay đổi so với giấy, bao gồm 0,9 m2 tại một điểm tranh chấp.

Từ đó, tòa cho rằng không có cơ sở kết luận bị đơn lấn chiếm đất như nguyên đơn trình bày. Cấp sơ thẩm bác yêu cầu đòi trả đất của nguyên đơn và công nhận phần tranh chấp 0,9 m2 này thuộc quyền sử dụng của bị đơn là chính xác, có căn cứ.

Đối với phần hẻm chiều ngang 0,7 m (khoảng hở giữa hai nhà) được thể hiện trong giấy chứng nhận của nguyên đơn là phần đất thuộc quyền quản lý của Nhà nước chưa công nhận cho bất kỳ bên nào. Tuy nhiên, hiện nay chiều ngang con hẻm thực tế chỉ còn 0,3 m.

Cũng theo tòa phúc thẩm, cấp sơ thẩm nhận định chưa có căn cứ xác định nguyên nhân giảm diện tích cũng như ai là người lấn chiều ngang con hẻm; cũng không có căn cứ để cho rằng bị đơn cất nhà lấn sang phần đất của nguyên đơn nên không chấp nhận yêu cầu đòi bị đơn trả phần đất có diện tích 1,3 m2 khoảng hở giữa hai vách tường là phù hợp.

Ngoài ra, nguyên đơn còn yêu cầu hủy GCNQSDĐ của bị đơn nhưng yêu cầu này được đặt ra tại phiên tòa sơ thẩm là vượt quá phạm vi khởi kiện ban đầu. Vì vậy, cấp sơ thẩm không giải quyết là có căn cứ.

Từ các phân tích trên, tòa phúc thẩm đã bác kháng cáo của bà T., giữ nguyên bản án sơ thẩm. Bà T. phải chịu án phí sơ thẩm và phúc thẩm 600.000 đồng và chi phí thẩm định, định giá tài sản 3,5 triệu đồng.

Nhẫn Nam (Pháp luật TP.HCM)
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
 
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.