Kết quả thực hành tiết kiệm, chống lãng phí (TKCLP) năm 2016 trong lĩnh vực đầu tư xây dựng cơ bản đã có nhiều chuyển biến tích cực. Tuy nhiên, nhìn nhận trong thực tế, tình trạng lãng phí vẫn xảy ra khá phổ biến.
Tình trạng nợ đọng xây dựng cơ bản và ứng trước vốn kế hoạch giảm so với trước. Ảnh: Hữu Linh
Giải ngân khả quan
Trong báo cáo kết quả thực hành TKCLP năm 2016 mới được Chính phủ gửi tới các đại biểu Quốc hội để phục vụ kỳ họp thứ 3 Quốc hội khóa XIV, nhiều kết quả tích cực đã được nhắc tới, đặc biệt trong lĩnh vực đầu tư xây dựng cơ bản.
Năm 2016, Chính phủ tiếp tục chỉ đạo các bộ, ngành, địa phương thực hiện nghiêm các biện pháp TKCLP trong tất cả các khâu, từ quy hoạch, kế hoạch, chuẩn bị đầu tư, thẩm định quyết định đầu tư, bố trí vốn, đến triển khai, giám sát thực hiện; kiểm toán, quyết toán dự án đầu tư xây dựng. Mức vốn bố trí cho từng dự án được thực hiện theo nguyên tắc tiết kiệm 10% tổng mức đầu tư/dự án, kế hoạch vốn bố trí cho từng dự án không vượt quá 90% tổng mức đầu tư đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt.
Chính phủ đã ban hành Nghị quyết số 60/NQ-CP về những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu đẩy nhanh tiến độ thực hiện và giải ngân kế hoạch vốn đầu tư công năm 2016, Thủ tướng Chính phủ cũng ban hành Công điện chỉ đạo các bộ, ngành, địa phương thực hiện các biện pháp đẩy nhanh tiến độ giải ngân kế hoạch vốn đầu tư công năm 2016 và nâng cao hiệu quả các dự án. Tính đến ngày 31/12/2016, vốn đầu tư giải ngân qua hệ thống Kho bạc Nhà nước là 273.813,7 tỷ đồng, đạt 80,8% so với kế hoạch vốn năm 2016. Một số bộ, cơ quan, địa phương đạt tỷ lệ giải ngân vốn NSNN cao như: Bộ Khoa học và Công nghệ (100%), Thông tấn xã Việt Nam (100%), tỉnh Thái Nguyên (99,5%), tỉnh Bắc Giang (100%), tỉnh Thái Bình (98,4%),... Bên cạnh đó một số bộ, địa phương tỷ lệ giải ngân vốn NSNN đạt thấp, như Bộ Y tế (65,1%), Bộ Giáo dục và Đào tạo (66,4%), Bộ Tài nguyên và Môi trường (64,8%), tỉnh Khánh Hòa (51,6%)..., do công tác hoàn thiện thủ tục đầu tư của một số dự án chậm so với quy định; vướng mắc trong công tác đền bù giải phóng mặt bằng; năng lực yếu kém của đại diện chủ đầu tư và nhà thầu; công tác nghiệm thu khối lượng thanh toán chưa kịp thời,...
Công tác quyết toán dự án đầu tư xây dựng hoàn thành được các bộ, ngành, địa phương chú trọng. Theo số liệu báo cáo của 9 bộ, cơ quan và 31 địa phương về tình hình quyết toán vốn đầu tư dự án hoàn thành năm 2016, có 38.000 dự án, công trình hoàn thành được phê duyệt quyết toán, tổng số vốn đầu tư đề nghị quyết toán là 186.246 tỷ đồng; qua công tác thẩm tra, phê duyệt quyết toán đã loại khỏi giá trị đề nghị quyết toán 1.166,6 tỷ đồng (chủ yếu do tính toán lại đơn giá và khối lượng của các dự án, công trình). Tình trạng nợ đọng xây dựng cơ bản và ứng trước vốn kế hoạch được kiểm soát chặt chẽ hơn, giảm so với trước.
Sai phạm vẫn còn
Tuy vậy, theo nhận định của Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng, vẫn còn tình trạng phân bổ vốn đầu tư cho dự án không đáp ứng các nguyên tắc, tiêu chí theo quy định, thủ tục đầu tư chưa được hoàn thiện; bố trí vốn dàn trải, kéo dài thời gian thực hiện so với quy định; chuẩn bị phương án phân bổ vốn chậm; chưa thực hiện nghiêm nguyên tắc ưu tiên bố trí đủ vốn đối ứng cho các chương trình, dự án sử dụng vốn ODA và vốn vay ưu đãi. Đặc biệt, một số đơn vị vẫn phê duyệt dự án vượt quá khả năng cân đối vốn của ngành và địa phương, dẫn đến chậm tiến độ, phát sinh nợ đọng; phê duyệt dự án đầu tư không phù hợp, không đồng bộ, hiệu quả kém, nghiệm thu, thanh toán không đúng thực tế thi công, gây lãng phí vốn. Thanh tra Chính phủ đã phát hiện nhiều sai phạm ở các tỉnh, thành phố gồm: Hà Nam, Bắc Giang, Ninh Bình, Quảng Ninh, Hà Tĩnh, Lâm Đồng, Nghệ An, Quảng Nam, Thanh Hóa, Tây Ninh, Cà Mau.
Công tác quản lý các dự án công trình giao thông theo hình thức BOT còn nhiều hạn chế trong lập, thẩm định và phê duyệt dự án; lựa chọn nhà thầu; thiết kế-kỹ thuật; quản lý chất lượng,... Nhiều quy định còn chung chung, chưa cụ thể đã tạo ra khoảng trống pháp luật dễ gây thất thoát, lãng phí; việc quản lý nhà nước được giao cho nhiều cơ quan thực hiện và thiếu chế tài quản lý, giám sát nên tính hiệu lực trong tổ chức thực hiện chưa cao. Những tồn tại này được dẫn chứng khá rõ qua báo cáo của Kiểm toán nhà nước.
Để khắc phục những hạn chế tồn tại, trong thời gian tới, Chính phủ đã đặt ra một nhiệm vụ trọng tâm là triển khai có hiệu quả Kế hoạch Đầu tư công năm 2017 và Kế hoạch Đầu tư công trung hạn 2016 - 2020, tập trung xử lý nợ đọng xây dựng cơ bản, không để phát sinh nợ mới song song với khẩn trương xây dựng Đề án hoàn thiện hệ thống quy chuẩn, tiêu chuẩn, định mức kinh tế-kỹ thuật, xác định chi phí trong tổng mức đầu tư, suất đầu tư và giá trong lĩnh vực xây dựng để hạn chế thất thoát, lãng phí trong đầu tư công.
Đưa ra giải pháp, Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng cho rằng: Việc quan trọng mà Chính phủ đã làm và sẽ tăng cường quản lý dự án đầu tư công ở giai đoạn chuẩn bị đầu tư, khắc phục tình trạng chuẩn bị sơ sài và quyết định chủ trương đầu tư theo cảm tính, gây lãng phí, thất thoát vốn. Cùng với đó là khắc phục tình trạng cố tình kéo dài thời gian bố trí vốn của các dự án dở dang, để dành vốn bố trí thêm các dự án mới trong kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2016-2020; bố trí vốn đầu tư tập trung, tránh phân tán, dàn trải; không để tình trạng chậm giao vốn, chậm triển khai thực hiện kế hoạch năm 2017.
Các dự án sử dụng vốn Nhà nước lãng phí, kém hiệu quả sẽ được tập trung chỉ đạo, xử lý ngay; làm rõ và xử lý trách nhiệm tổ chức, cá nhân có liên quan, đặc biệt là các tổ chức, cá nhân gây chậm trễ việc thực hiện kế hoạch đầu tư công năm 2017.
Theo báo cáo của Kiểm toán Nhà nước, 11/27 dự án BOT được triển khai trong giai đoạn 2011-2016 còn chưa chính xác làm tăng tổng mức đầu tư bất hợp lý giá trị 465,5 tỷ đồng, một số dự án lớn tăng tổng mức đầu tư ban đầu lên 100%, nhiều dự án trong 27 dự án BOT được kiểm toán phải rút ngắn từ 5-7 năm thu phí, tổng cộng tất cả các dự án phải giảm hơn 100 năm thu phí. Kiểm toán Nhà nước cũng kiến nghị giảm chi phí vốn đầu tư của các dự án là 4.500 tỷ đồng; việc quản lý nhà nước được giao cho nhiều cơ quan thực hiện và thiếu các chế tài quản lý, giám sát nên tính hiệu lực trong tổ chức thực hiện chưa cao.
Hồng Vân (Hải quan)
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
 
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.