Những nỗ lực quyết liệt gần đây của chính phủ Trung Quốc nhằm hồi phục thị trường bất động sản đang tạo ra một số lực đẩy nhất định. Tuy nhiên, quốc gia này có thể cần nhiều năm để đảo ngược những thiệt hại mà ngành bất động sản đã gây ra cho nền kinh tế.

Các nhà kinh tế của Morgan Stanley đã cố gắng dự đoán điều gì sẽ xảy ra trong một kịch bản tệ nhất, khi chính phủ chần chừ khi giải quyết vấn đề. Theo đó, GDP có thể tăng trưởng chỉ 1% trong nửa đầu năm 2023 và 11 triệu người sẽ mất việc làm. Trong đó, việc sụt giảm giá nhà có thể tạo ra một cuộc khủng hoảng cho ngành ngân hàng, và 15% ngân hàng nhỏ có thể phá sản.

Làn sóng kích thích gần đây nhằm phục hồi thị trường nhà đất của Trung Quốc – hàng tỷ USD cho vay từ các ngân hàng, cắt giảm lãi suất và hỗ trợ cho các nhà phát triển – vẫn chưa có tác động nhiều. Đặc biệt là với những người dân như cô Echo, một nhân viên làm việc trong ngành truyền thông đang cố gắn bán căn nhà tại Thượng Hải.

Căn nhà chỉ nhận được sự quan tâm từ 4 khách hàng trong vòng suốt nửa năm. Cô Echo đang xem xét giảm giá chào 10% từ mức 3,3 triệu Nhân dân tệ hiện tại. Cô nhận định cơn khủng hoảng bất động sản tồi tệ nhất trong lịch sử hiện đại của Trung Quốc sẽ còn kéo dài trong nhiều năm tới.

Cô nói: “Mọi người đang chờ giá nhà giảm sâu hơn để mua. Đây sẽ là một vòng luẩn quẩn”.

Trong khi nhiều nhà kinh tế nói rằng tình trạng suy thoái nhà ở đang làm tê liệt nền kinh tế Trung Quốc sẽ không trở nên tồi tệ hơn và các gói kích thích sẽ phát huy hiệu lực vào năm 2022 hoặc 2023, thì thực tế đối với những người bán nhà như cô Echo lại ảm đạm hơn nhiều.

Doanh số bán nhà và giá nhà vẫn thấp trong bối cảnh kinh tế suy thoái và chính phủ duy trì các biện pháp để ngăn ngừa Covid-19. Niềm tin của người tiêu dùng đang thấp ở gần mức kỷ lục. Một cuộc khảo sát gần đây của ngân hàng trung ương Trung Quốc cho thấy 73% hộ gia đình nghĩ rằng giá bất động sản sẽ không thay đổi hoặc sẽ giảm trong thời gian tới. Ngay cả Tuần lễ Vàng, thường là thời điểm tốt cho ngành bất động sản, cũng không thể tạo ra một sự đột phá do doanh số giảm tới 38%.

Thị trường nhà ở mới tại Trung Quốc được ước tính trị giá 2.400 tỷ USD, trong khi nguồn hàng tồn kho lên tới 52.000 tỷ USD. Điều này có nghĩa là, quy mô của thị trường nhà ở là nguy cơ cho nền kinh tế.

Bất động sản chiếm khoảng 1/4 sản lượng quốc nội và gần 40% tài sản hộ gia đình tại Trung Quốc. Nếu bong bóng bất động sản vỡ ở quy mô này, nguy cơ của khủng hoảng tài chính là rất lớn, tương tự như tại Nhật Bản vào năm 1989 và Hoa Kỳ ở giai đoạn 2007-2008.

Các nhà hoạch định chính sách Trung Quốc đang khẩn cấp đối phó với tác động lây lan của ngàn bất động sản. Trong số những động thái gần đây nhất, chính quyền trung ương cho phép gần 20 thành phố hạ lãi suất thế chấp. Các cơ quan quản lý tài chính đã yêu cầu các ngân hàng quốc doanh lớn nhất phân bổ thêm ít nhất 600 tỷ Nhân dân tệ để tài trợ cho ngành bất động sản. Bắc Kinh thậm chí còn đưa ra đề nghị hiếm có là giảm thuế cho những người mua nhà mới trong vòng một năm sau khi bán. Gần đây nhất, chính phủ công bố gói giải cứu gồm 16 điểm để mong vực dậy thị trường nhà ở.

Tuy nhiên, những động thái này chưa thể khôi phục niềm tin của người tiêu dùng và nhà đầu tư vào một lĩnh vực đã khuảng hoảng suôt 18 tháng qua. Việc chính phủ siết chặt tín dụng đã gây ra sóng gió cho các nhà phát triển như China Evergrande Group, gây ra làn sóng vỡ nợ trái phiếu trị giá hơn 50 tỷ USD.

Một phân tích của Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) cho thấy 45% các nhà phát triển có thể không đủ khả năng xử lý các nghĩa vụ nợ của họ bằng thu nhập, và 20% trong số này có thể mất khả năng thanh toán nếu hàng tồn kho của họ được định giá theo thị trường hiện tại.

Số lượng nợ có lãi suất cao vẫn ở gần mức thấp nhất trong hơn một thập kỷ, trong khi chỉ số chứng khoán bất động sản chính đã giảm 39% vào năm 2022. Cổ phiếu và trái phiếu bất động sản khó có thể tăng cho đến khi doanh số bán nhà tăng lên.

Người tiêu dùng cũng đang cảm thấy khó khăn. Làn sóng dừng trả nợ của họ đang gia tăng áp lực cho thị trường, để đáp trả việc các nhà phát triển chậm bàn giao nhà do thiếu vốn.

Các tác động lan tỏa tiềm ẩn đối với nền kinh tế là rất lớn. Hàng triệu hộ gia đình đang chứng kiến nhà của họ nhanh chóng mất giá, trong khi việc phong tỏa do Covid-19 đã kéo tụt niềm tin của người tiêu dùng. Điều này dẫn đến mức tăng kỷ lục về tiết kiệm và nhu cầu vay yếu nhất kể từ trước cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu. Tính đến tháng 9/2022, các ngân hàng đã gia hạn ít khoản vay thế chấp nhất kể từ năm 2015.

Cuộc suy thoái hiện nay đã bước sang năm thứ ba, và đã phá vỡ mọi kỷ lục để trở thành cuộc suy thoái mạnh nhất và dài nhất kể từ khi quyền sở hữu nhà tư nhân bắt đầu có hiệu lực tại Trung Quốc vào những năm 1990. Thị trường nhà ở tính theo giá trị đồng USD tại 100 nhà phát triển lớn nhất quốc gia này vẫn giảm 25% trong tháng 9 so với một năm trước đó.

Bloomberg Economics ước tính khoảng 2,8 tỷ m2 bất động sản tại Trung Quốc hiện đang bị bỏ trống – gấp khoảng 47 lần diện tích của Manhattan.

Ngay cả khi Bắc Kinh thực hiện các bước để thúc đẩy thị trường, chính phủ vẫn kiên định với câu thần chú của mình rằng “nhà để ở, không phải để đầu cơ” – cho thấy họ không có hứng thú quay trở lại kỷ nguyên tăng trưởng thần tốc của thập kỷ trước. Thay vào đó, họ thúc đẩy hoàn thiện dự án là để giảm bớt tình trạng bất ổn xã hội và bảo vệ sự ổn định tài chính.

Ông Adam Wolfe, chuyên gia kinh tế về các thị trường mới nổi tại công ty Absolute Strategy Research ở London, cho biết: “Chính quyền trung ương có thể sẽ phải đưa ra một số cam kết công khai và đáng tin cậy để đảm bảo rằng việc xây dựng nhà ở sẽ được hoàn thành”.

Lam Vy (ST)
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
 
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.