Theo dữ liệu mới của công ty bất động sản CBRE, khối lượng đầu tư vào bất động sản thương mại toàn cầu đã tăng 34% so với cùng kỳ năm ngoái lên 282 tỷ USD trong quý I/2022.
Trong đó, khối lượng đầu tư tăng 47% ở châu Mỹ, 25% ở châu Âu và 5% ở châu Á - Thái Bình Dương. Giá trị tất cả các giao dịch được CBRE quy đổi về cùng một đơn vị là đồng USD.
Thị trường nhà đất vẫn là nơi được quan tâm nhiều nhất với quý thứ 6 liên tiếp dẫn đầu tổng khối lượng đầu tư toàn cầu. Tổng cộng đã có tới 76 tỷ USD được rót vào phân khúc này trong quý I, tăng 18% so với quý I/2021.
Trong khi đó, phân khúc văn phòng đã vượt qua phân khúc công nghiệp & logistics về khối lượng trong quý I, với tổng giá trị tăng 44% so với cùng kỳ năm trước. Mảng bán lẻ cũng chứng kiến dấu hiệu phục hồi với tổng cộng 33 tỷ USD được các nhà đầu tư rót vốn, tăng 65% so với ba tháng đầu năm 2021.
Châu Mỹ
Bất chấp áp lực từ lạm phát và lãi suất tăng tại Mỹ, khối lượng đầu tư bất động sản ở khu vực châu Mỹ vẫn tăng 47% so với cùng kỳ năm trước, đạt tổng giá trị 160 tỷ USD trong quý đầu năm nay.
Các giao dịch của thị trường nhà đất đạt tổng giá trị 58 tỷ USD, tăng 40% so với cùng kỳ năm ngoái. Trong đó, ba thị trường chứng kiến khối lượng đầu tư nhiều nhất khu vực này đều nằm ở Mỹ, lần lượt là Dallas (4,9 tỷ USD), New York (4,1 tỷ USD) và Los Angeles (3,7 tỷ USD).
Phân khúc bất động sản công nghiệp và logistics chứng kiến tổng cộng 36 tỷ USD được rót vào trong ba tháng đầu năm, tăng 50% so với cùng kỳ năm ngoái. Mặc dù doanh số bán tài sản đơn lẻ có phần chậm lại, nhưng các giao dịch cấp thực thể và danh mục đầu tư được mở rộng đã giúp tăng tổng khối lượng đầu tư. Nhu cầu của các nhà đầu tư vẫn tăng cao, đó là lý do khiến CBRE dự đoán tổng khối lượng đầu tư vào phân khúc này tại châu Mỹ sẽ tăng lên trong quý II.
Phân khúc văn phòng chiếm 35 tỷ USD, tăng 52% so với quý I/2021. Tuy nhiên, khi loại trừ các giao dịch cấp thực thể, phân khúc văn phòng thực tế đã vượt qua phân khúc công nghiệp và logistics để chiếm vị trí thứ hai trong số các phân khúc được đầu tư nhiều nhất ở châu Mỹ trong ba tháng đầu năm.
Lĩnh vực bán lẻ nhận được tổng cộng 18 tỷ USD vốn đầu tư trong quý I, tăng 79% so với cùng kỳ. Con số này chứng minh giới đầu tư đang quan tâm nhiều hơn đến các tài sản bán lẻ sau hai năm chịu ảnh hưởng bởi đại dịch. Do đó, triển vọng của tài sản này trong khu vực có phần tươi sáng hơn.
Châu Âu
Tổng khối lượng đầu tư vào thị trường bất động sản châu Âu trong quý I đạt 93 tỷ USD, tăng 25% so với cùng kỳ năm trước.
Trong đó, khối lượng đầu tư vào phân khúc văn phòng tăng 73% lên mức 34 tỷ USD. Các nhà đầu tư đặc biệt tập trung vào các tài sản chính đáp ứng các tiêu chuẩn bền vững.
Tổng khối lượng đầu tư vào phân khúc bất động sản công nghiệp và logistics đạt 20 tỷ USD, tăng 41% so với quý I năm trước. Na Uy (1,8 tỷ USD), Tây Ban Nha (1,1 tỷ USD), Đức (5 tỷ USD) và Ý (752 triệu USD) là những thị trường có sức tăng trưởng cao nhất trong ba tháng đầu năm. Sự quan tâm của nhà đầu tư vào lĩnh vực này đang được thúc đẩy bởi giá thuê tăng cao cũng như thị trường thương mại điện tử bùng nổ.
Khối lượng đầu tư bán lẻ tăng 56% so với cùng kỳ năm ngoái lên 11 tỷ USD. Đặc biệt, Na Uy và Pháp trở thành hai thị trường có khối lượng đầu tư bán lẻ cao nhất từ trước đến nay. Chi tiêu của người tiêu dùng đã tăng lên nhờ việc nới lỏng các hạn chế liên quan đến Covid-19, qua đó trở thành động lực thúc đẩy phân khúc này.
Trái lại, khối lượng đầu vào thị trường nhà đất đã giảm 23% so với cùng kỳ năm ngoái xuống còn 18 tỷ USD. Nguyên nhân chính dẫn đến sự sụt giảm này là do tình trạng thiếu hụt nguồn cung ở châu Âu.
Châu Á – Thái Bình Dương
Khối lượng đầu tư vào khu vực châu Á - Thái Bình Dương tăng 5% so với cùng kỳ năm ngoái lên 29 tỷ USD, theo CBRE.
Trong đó, khối lượng đầu tư vào phân khúc văn phòng giảm 7% xuống còn 15 tỷ USD, nhưng dự kiến sẽ tăng vào cuối năm nay khi công suất thuê bắt đầu phục hồi. Úc, Singapore và Hàn Quốc chiếm 57% tổng vốn đầu tư vào phân khúc này tại khu vực trong quý I.
Khối lượng đầu tư vào phân khúc công nghiệp và logistics cũng giảm 2% so với cùng kỳ năm ngoái xuống còn 5 tỷ USD. Các nguyên tắc cơ bản về thị trường và tỷ lệ cạnh tranh cao dự kiến sẽ làm giảm lợi suất logistics cơ bản trong những tháng tới.
Mặt khác, tổng khối lượng đầu tư vào mặt bằng bán lẻ đạt 4 tỷ USD trong 3 tháng đầu năm, tăng 46% so với cùng kỳ năm ngoái. Việc nhiều quốc gia châu Á (trừ Trung Quốc) nới lỏng các hạn chế về Covid-19, bắt đầu đón khách du lịch nước ngoài khiến giới đầu tư bắt đầu thể hiện sự quan tâm trở lại với phân khúc này.
Dự đoán của CBRE
Giá hàng hóa tăng và sự gián đoạn chuỗi cung ứng trong bối cảnh nhu cầu tiêu dùng tăng mạnh đã thúc đẩy tỷ lệ lạm phát trên toàn cầu. Khi các ngân hàng trung ương thắt chặt chính sách tiền tệ, lãi suất cao hơn và sự bất ổn kinh tế lớn hơn có thể sẽ gây ra áp lực lên khối lượng đầu tư.
Trong bối cảnh đó, CBRE dự báo tổng khối lượng đầu tư toàn cầu trong năm nay sẽ giảm khoảng 2% so với khối lượng kỷ lục năm 2021. Châu Âu được dự báo sẽ có mức sụt giảm lớn nhất (giảm 5%), nhưng phần nào được bù đắp bởi tăng trưởng ở châu Á - Thái Bình Dương (tăng 5%). Theo kết luận của CBRE, khối lượng đầu tư tại châu Mỹ sẽ giảm khoảng 1% so với tổng khối lượng đầu tư cả năm 2021.
-
Một mũi tên trung hai đích: Trung Quốc cho phép gia đình sinh 3 con sở hữu nhiều bất động sản
Các thành phố của Trung Quốc đang tạo điều kiện cho các gia đình có nhiều con được quyền sở hữu nhiều bất động sản hơn. Động thái này nhằm vực dậy thị trường nhà ở đang trì trệ và tăng tỷ lệ sinh của quốc gia tỷ dân.
-
Thị trường co-living tại châu Á ngày càng sôi động
Xu hướng chuyển đổi sang làm việc từ xa do đại dịch khiến nhiều người phải rời khỏi văn phòng và biến các không gian trong nhà thành phòng làm việc tại gia. Đây là động lực đang thúc đẩy các co-living (không gian sống chung) tại châu Á phát triển ngày càng mạnh mẽ.
-
Elon Musk hủy bỏ kế hoạch quan trọng của Tesla, “mở đường” cho VinFast?
Elon Musk vừa chính thức xác nhận Tesla sẽ không tiếp tục kế hoạch phát triển dòng xe điện giá rẻ, vốn là một trong những dự án được kỳ vọng lớn của hãng. Quyết định này có thể mở ra một cơ hội lớn cho các hãng xe khác, trong đó có VinFast của Việt N...
-
Tìm được nhà giá phải chăng ở Đức 'như trúng số'
Do nguồn cung khan hiếm, việc thuê căn hộ giá phải chăng hay sở hữu nhà ở xã hội tại Đức được chuyên gia đánh giá như "trúng xổ số".
-
Người châu Âu vẫn khó mua nhà
Được tăng lương năm nay nhưng khả năng mua nhà của người châu Âu vẫn khó cải thiện khi giá bất động sản tăng và lãi vay còn cao.