Tỉnh Cà Mau đã kêu gọi và có nhiều chính sách ưu đãi đối với doanh nghiệp nhưng do giao thông không thuận lợi nên ít đơn vị hưởng ứng. Hiện có 4 doanh nghiệp đồng ý tham gia nhưng chưa khởi động dự án. Đây là khó khăn chung của tỉnh.

Đô thị "ma"

Chúng tôi tìm đến khu đô thị (KĐT) thuộc xã Khánh An, huyện U Minh phát hiện sự lãng phí lớn: cơ sở hạ tầng: điện, đường, chợ... đã hoàn chỉnh, lề đường lót gạch men chỉ để bao bọc... hàng chục héc-ta mía! Một người dân địa phương cho biết: "Mấy năm nay mỗi lần đi qua đây lại thấy ngậm ngùi. Dân nghèo không đất làm ăn trong khi KĐT bề thế lại bỏ hoang! Người dân gọi là KĐT "ma". Đơn vị quản lý cho thuê trồng mía giống trông phản cảm quá chú à!".

Khi thực hiện dự án (DA) khí - điện - đạm, Tập đoàn dầu khí xây dựng KĐT rộng hơn 100ha để phục vụ 670 hộ dân có đất ảnh hưởng bởi DA. Lúc bấy giờ chủ đầu tư bỏ ra hơn 140 tỷ đồng để xây dựng KĐT bề thế nhưng hơn 10 năm nay chẳng phát huy tác dụng.

Khu đô thị hiện đại giữa huyện U Minh này chẳng phát huy tác dụng. Do không sử dụng đúng công năng, cỏ dại mọc đầy. Khu chợ 500m² chưa một lần hoạt động đã xuống cấp, lô sạp trơ trọi những khối bê tông lòi cốt thép hoen rỉ. Nhà thi đấu thể thao được xây dựng trên diện tích 1.000m² luôn cửa đóng then cài!

Anh Trần Mạnh Cường cho biết: Năm 1998 gia đình bị giải tỏa trắng 1,4ha đất thổ cư và vườn tạp. Cha tôi nhận hơn 300 triệu đồng tiền bồi thường, chia đều cho 5 người con. Chủ đầu tư giao cho 4 nền tái định cư. Đến nay chỉ có mình tôi ở vì còn lây lất được bằng đồng lương giáo viên, chứ ở đây biết lấy chi bỏ bụng".

Tận dụng nuôi tôm ngay trong khu công nghiệp.

Tầm 12 giờ, bà Nguyễn Hồng Hoa, 59 tuổi, khệ nệ ôm từng mớ bông sậy, khoe: "Sáng giờ bà cháu tôi kiếm được 20.000 đồng tiền bẻ bông sậy bán cho các cơ sở làm chổi". Ông Lê Văn Bồng than thở: "Tôi được giao 20 công ruộng nhưng đất phèn quá, lúa sống không nổi, người cũng vạ lây luôn, phải tìm việc khác nhưng nông dân biết làm gì ngoài làm ruộng hả chú?".

Thảm nhất là ông Trần Văn Nhẫn được bồi thường 400 triệu đồng. Sau khi chia đều cho 9 người con, chẳng được bao lâu tiền hết sạch, ông đành bán luôn phần đất tái định cư 1,4ha. Hiện gia đình phải tha phương cầu thực.

Theo báo cáo của ban quản lý KĐT, hơn 10 năm qua, 140 tỷ đồng và 100 ha đất bỏ hoang thiệt hại vô cùng lớn. Thế nhưng, địa phương vẫn dửng dưng như "không hay biết"!

Nuôi tôm ngay trong khu công nghiệp

Rời KĐT, chúng tôi tìm đến KCN Khánh An được Thủ tướng Chính phủ cấp phép thành lập năm 2004 với quy mô giai đoạn 1 là 100ha, có tổng vốn đầu tư gần 1.000 tỷ đồng. Địa phương khẳng định KCN hoàn thành nằm liền kề với KCN khí - điện - đạm Cà Mau, giai đoạn năm 2007 - 2010 tỉnh sẽ đầu tư phát triển ngành công nghiệp hóa lỏng khí tự nhiên, người dân U Minh nói riêng và toàn tỉnh nói chung sẽ được tạo việc làm, thu ngân sách của tỉnh tăng vùn vụt.

Nhưng thực tế gần 10 năm qua, KCN bề thế nhất tỉnh chỉ là tấm bảng hiệu tồn tại ngay cổng. Hệ thống đường hoàn chỉnh, hàng trăm hộ đành giao đất nhường chỗ cho những công trình tương lai, nhưng tất cả vẫn giậm chân tại chỗ, KCN cỏ dại mọc đầy. Một số người tận dụng ao hồ nuôi tôm, lề đường cho thuê trồng bạch đàn để vớt vát chút ít.

Trao đổi với phóng viên, ông Chung Tấn Hải - Phó ban quản lý Khu kinh tế tỉnh Cà Mau - cho biết: "Tỉnh đã kêu gọi và có nhiều chính sách ưu đãi đối với doanh nghiệp nhưng do giao thông không thuận lợi nên ít đơn vị hưởng ứng. Hiện có 4 doanh nghiệp đồng ý tham gia nhưng chưa khởi động DA. Đây là khó khăn chung của tỉnh".

Bao giờ các KĐT, KCN trên phát huy đúng chức năng và để xảy ra sự lãng phí này, ai phải chịu trách nhiệm là câu hỏi của người dân dành cho cơ quan chức năng. Đừng để lãng phí kéo dài trong khi chính quyền vẫn bình chân như vại khiến dư luận bức xúc.

Chủ đề: Đầu tư lãng phí,
Đào Văn (Công an TP.HCM)
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
 
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.