CafeLand – Những khu chợ cũ kỹ, xuống cấp, mất an toàn nhưng tiểu thương vẫn cố gắng bám trụ, trong khi đó không ít trung tâm thương mại, chợ mới được đầu tư xây dựng tiền tỷ lại đang thưa vắng, thậm chí bỏ hoang gây lãng phí lớn.

Có nhiều vướng mắc khiến tiểu thương không mặn mà với những ngôi chợ mới. (trong ảnh là chợ Vĩnh Lộc được xây dựng hàng chục tỷ nhưng hiện nhiều khu vực đang bỏ không).

Mới đây, hàng trăm tiểu thương thuộc chợ đầu mối Phú Hậu (phường Phú Hậu, thành phố Huế) tập trung phản đối về việc di dời từ khu chợ cũ về một ngôi chợ mới xây. Theo các tiểu thương, lý do không đồng ý chuyển về buôn bán ở khu chợ mới vì khu chợ này bố trí lô quầy kinh doanh quá nhỏ không đủ diện tích buôn bán, giá thuê lô lại cao, quá trình xây chợ mới không thông báo đến tiểu thương…

Thực tế câu chuyện này không còn mới lạ, ngay tại TP.HCM, một trong những đô thị hiện đại bậc nhất của cả nước thì việc dẹp bỏ những khu chợ cũ, nhếch nhác, xuống cấp không hề đơn giản. Hiện tại, TP.HCM có rất nhiều khu chợ cũ nát vẫn hoạt động sôi nổi, trong khi nhiều trung tâm thương mại, chợ mới được đâu tư hoành tráng lại đang bị bỏ không, gây lãng phí lớn.

Tháng 9/2014, khi thông tin chợ Tân Bình sẽ bị phá bỏ để xây dựng trung tâm thương mại và chợ mới ngay lập tức đã vấp phải sự phản đối quyết liệt của hàng trăm tiểu thương tại đây. UBND quận Tân Bình đã phải mất rất nhiều thời gian, tổ chức nhiều cuộc thương thảo với tiểu thương nhưng không mang lại kết quả. Sau đó, lãnh đạo quận này đã phải ban hành văn bản tạm ngưng kế hoạch xây dựng chợ mới tại đây. Mặc dù chợ Tân Bình đã bị xuống cấp, không đảm bảo các điều kiện an oàn cháy nổ. Nhưng các tiểu thương vẫn không chịu di dời vì phương án đền bù còn chưa thỏa đáng, bên cạnh đó tiểu thương lo sợ sẽ mất mối hàng, bất tiện trong kinh doanh khi di dời về chợ mới.

Chợ Tân Phú (quận 9) được xây dựng từ năm 2004, với số vốn đầu tư hơn 2 tỷ đồng , quy mô gần 4000m2. Tuy nhiên, sau khi hoàn công, chợ chỉ hoạt động được thời gian ngắn rồi nằm phơi sương cho tới nay. Theo người dân tại đây, hiện tại chỉ có một vài tiểu thương buôn bán lặt vặt vào buổi sáng nhưng chỉ bày bán ngoài hành lang chứ không thèm vào kệ sập trong chợ. Do để hoang nhiều năm, các hạng mục như kệ sập, cửa kéo các kiot đã bị hư hỏng, bám đầy bụi bặm, rác thải chất thành đống không được dọn dẹp, bốc mùi hôi thối.

Được đầu tư với số vốn khổng lồ lên đến 57 tỷ đồng, nhưng hiện nay chợ Vĩnh Lộc (xã Vĩnh Lộc B, huyện Bình Chánh) lại đang rơi vào tình trạng hoạt động cầm chừng. Được biết, chợ Vĩnh Lộc có quy mô 200 sạp, kiots, được xây dựng bài bản, toàn bộ lầu 2 dự tính làm trung tâm thương mại. Tuy nhiên, từ khi đưa vào sử dụng, chỉ khoảng 50% số sạp hoạt động. Lầu 2 của chợ bị bỏ hoang, không sử dụng. Một nghịch lý là các chợ Vĩnh Lộc không xa, khu chợ cũ nhếch nhác, nằm lan ra cả mặt đường lại đang hoạt động rất sôi nổi.

Chợ Tân Phú (quận 9) xây dựng tiền tỷ đang bị lãng quên nhiều năm trời.

Không chỉ các khu chợ mới bị “chê”, hiện nhiều trung tâm thương mại, siêu thị hiện đại cũng đang gặp khó khăn khi phải cạnh tranh với chợ cóc, chợ dù. Lý giải điều này, Tiến sĩ kinh tế Nguyễn Minh Phong cho biết, xây dựng các chợ mới, trung tâm thương mại là xu hướng phát triển tất yếu của một đô thị hiện đại. Nhiều chợ truyền thống hiện nay đã xuống cấp, nhếch nhác, bẩn thỉu, và chiếm quá nhiều diện tích đất nên cần được chuyển đổi. Tuy nhiên, tiến sĩ Phong cho rằng, xây dựng chợ mới, trung tâm thương mại phải phù hợp với công năng và nhu cầu thực tế. Tính toán để hài hòa được các tiện ích của một khu chợ hiện đại và các giá trị văn hóa của chợ truyền thống để thu hút khách hàng.

Theo một chuyên gia, văn hóa của người Việt Nam vẫn còn ưa thích các khu chợ truyền thống, mua bán nhanh chóng, mặc cả giá cả cũng dễ dàng hơn, những khu chợ cũ đa phần nằm ở các khu dân cư đông đúc, gần các tuyến đường lớn nên rất đông. Trong khi đó, nhiều chợ mới hiện nay lại không thuận tiện đường xá, giá thuê mặt bằng quá cao thêm vào đó là một loạt các dịch vụ ăn theo như phí môi trường, phí vệ sinh, phí giữ xe… đè nặng lên các tiểu thương và khiến khách hàng e dè, không thoải mái khi vào mua sắm.

Chủ đề: Đầu tư lãng phí,
Trần Phong
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
 
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.