CafeLand - Theo tính toán của chuyên gia kinh tế Nguyễn Trí Hiếu, ở Việt Nam, muốn mua một căn hộ có giá hơn 1 tỉ đồng, với 70% vốn vay ngân hàng thì tổng tiền gốc và lãi tháng đầu phải trả hơn 10 triệu đồng. Nếu trừ đi các chi phí sinh hoạt thì giấc mơ mua nhà đối với người trẻ đô thị hiện nay gần như là xa vời.

Vấn đề này được tiến sĩ Hiếu đưa ra tại buổi hội thảo mang chủ đề “Thị trường căn hộ bình dân: Cầu nhiều, cung ít, vì sao” diễn ra ngày 15/11 tại Hà Nội.

Nằm ngoài tầm với

Ông Hiếu lấy ví dụ này để phản đối quan điểm Nhà nước không nên hỗ trợ lãi suất trong phát triển nhà ở bình dân bởi lo ngại sẽ quay trở lại thời kỳ kinh tế bao cấp.

Theo ông, khả năng người ở Việt Nam mua nhà thu nhập thấp mà không được hỗ trợ lãi suất sẽ khiến tình hình trở nên khó khăn.

“GDP bình quân của người Việt Nam mỗi năm là 2.540 USD (khoảng 58,5 triệu đồng), trong khi ở Mỹ bình quân là 60.000 USD (khoảng 1,4 tỉ đồng). “Bên đó, họ cho vay với lãi suất 35 năm, cố định 5%. Trong khi ở Việt Nam, tại các ngân hàng thương mại, 1 người mua căn hộ hơn 1 tỉ đồng , vay ngân hàng 70%, tháng đầu trả gốc khoảng 3,3 triệu, lãi 7 triệu, tổng tháng đầu phải trả 10,3 triệu đồng.

TS. Nguyễn Trí Hiếu.

Theo ông, với một gia đình hai vợ chồng đi làm, có lẽ phải có thu nhập đem về sau thuế ít nhất gấp đôi. Thu nhập của hai vợ chồng trẻ ở Hà Nội hay TP.HCM chỉ rơi vào khoảng hơn 10 triệu đồng, trong khi phải thu nhập tới 20 triệu đồng mới đủ đóng tiền nhà và trang trải cuộc sống. “Vậy thì bao nhiêu người ở TP. Hà Nội có thu nhập 20 triệu đồng?”, ông Hiếu đặt câu hỏi.

Từ đó, ông Hiếu cho rằng, nếu không hỗ trợ lãi suất cho người mua nhà thu nhập thấp, việc có nhà với người dân là điều rất khó.

Theo ông Nguyễn Văn Đính, Phó Chủ tịch, Tổng thư ký Hội môi giới BĐS Việt Nam, nhà ở giá rẻ và bình dân có mức giá phù hợp với đại bộ phận người dân. Những người đi làm chỉ có nguồn thu duy nhất là lương và chỉ có khả năng mua nhà ở mức giá thấp, thậm chí cần có sự hỗ trợ từ tín dụng và chính sách.

Ông Đính cho biết, giá rẻ và bình dân được xác định tùy vào khu vực của đô thị. Dự án ở vị trí gần trung tâm đô thị phải rẻ hơn 25 triệu đồng/m2, xa trung tâm phải rẻ hơn 15 triệu đồng/m2.

Xác định đối tượng

Tại hội thảo, chuyên gia tài chính Vũ Đình Ánh cho rằng, để nhà ở bình dân, trong đó có nhà ở xã hội đến gần với người có nhu cầu thực, chúng ta phải chuẩn hoá không chỉ ở tiêu chuẩn xây dựng.

Người trẻ đô thị khó lòng mua nhà nếu không hỗ trợ lãi suất.

Trước hết là chuẩn hoá khái niệm. Hiện nay chúng ta tiếp cận căn hộ bình dân ở góc độ giá, theo đó một căn hộ có giá khoảng 15 triệu đồng/m2. Với mức giá đó, chúng ta hô hào dự án phải đảm bảo chất lượng, nhưng chất lượng như thế nào lại không được nói rõ. “Chất lượng ở đây liệu có thể hiểu là 6 tháng hay 1 năm thì tường bong tróc chăng? Chẳng hạn chất lượng tốt thì sau 1 năm, chất lượng kém hơn thì 6 tháng?”, ông Ánh lấy ví dụ.

Theo chuyên gia tài chính này, phải chuẩn hoá đối tượng nhà ở bình dân phục vụ, phải có cơ chế, ưu đãi, hỗ trợ. “Nếu căn hộ cao cấp chỉ dành cho người giàu, người nghèo đừng mơ tới, thì với căn hộ bình dân, ai cấm được người giàu tiếp cận? Họ mua có thể không phải để ở, mà là để đầu tư… Nhà ở xã hội có bao nhiêu quy định để kiểm soát mà vẫn không kiểm soát được, huống chi nhà ở bình dân”, vị tiến sĩ này phân tích.

Chúng ta bảo hỗ trợ phục vụ lợi ích cho người có nhu cầu nhà ở thật sự. “Trong trường hợp này chưa chắc đã đúng, do đó phải chuẩn hoá đối tượng”, ông đề xuất.

Hiện nay, một số dự án điển hình về nhà ở giá rẻ và bình dân tại Hà Nội là ở các khu vực Hà Đông, Gia Lâm, Long Biên, Đông Anh, Hoài Đức, Thanh Trì. Tại TP Hồ Chí Minh tập trung ở các địa bàn Tân Bình, Tân Phú, quận 8, quận 12 và Bình Chánh.
  • Phát triển nhà ở bình dân: Doanh nghiệp nên tự lực cánh sinh

    Phát triển nhà ở bình dân: Doanh nghiệp nên tự lực cánh sinh

    CafeLand - Tại buổi hội thảo “Thị trường căn hộ bình dân: Cầu nhiều - cung ít, vì sao?” diễn ra tại Hà Nội ngày 15/11, ông Đinh Quốc Thắng, Phó TGĐ Tập đoàn Mường Thanh, đưa ra đề xuất “trích %GDP để phát triển nhà ở”. Tuy nhiên, đề xuất này vướng phải nhiều tranh cãi, đa phần cho rằng doanh nghiệp không nên đòi hỏi quá nhiều ưu đãi mà phải theo cơ chế cung – cầu.

Tâm An
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
 
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.