CafeLand - Tại buổi hội thảo “Thị trường căn hộ bình dân: Cầu nhiều - cung ít, vì sao?” diễn ra tại Hà Nội ngày 15/11, ông Đinh Quốc Thắng, Phó TGĐ Tập đoàn Mường Thanh, đưa ra đề xuất “trích %GDP để phát triển nhà ở”. Tuy nhiên, đề xuất này vướng phải nhiều tranh cãi, đa phần cho rằng doanh nghiệp không nên đòi hỏi quá nhiều ưu đãi mà phải theo cơ chế cung – cầu.

Cụ thể, đại diện Tập đoàn Mường Thanh cho rằng, Nhà nước nên nghiên cứu phương án trích % GDP cho việc phát triển nhà ở. Tương tự như quy định % dành cho nghiên cứu khoa học (ví dụ 0,5% - 1% GDP) hoặc dành ngân sách nhà nước cố định 5 năm, hàng năm cho phát triển nhà ở (cả ngân sách nhà nước trung ương và ngân sách nhà nước địa phương).

Theo đơn vị này, điều đó thể hiện sự quan tâm đến vấn đề nhà ở của Nhà nước mang tính ổn định, lâu dài. Kinh nghiệm từ một số quốc gia trên thế giới như Maylaysia, Singapore, Hàn Quốc cho thấy, Nhà nước hỗ trợ người dân mua nhà giá rẻ từ 1 – 4% lãi suất vay mua nhà trong vòng 20 năm lấy từ các quỹ tiết kiệm nhà ở.

Đa phần các ý kiến cho rằng doanh nghiệp không nên đòi hỏi quá nhiều ưu đãi mà phải theo cơ chế cung – cầu.

Tuy nhiên, trước đề xuất của đại diện Mường Thanh, tiến sĩ Vũ Đình Ánh, chuyên gia tài chính, bày tỏ sự ngạc nhiên: “Trích GDP? Nhà nước đâu có quản lý GDP, trích bằng cách nào?”.

Theo ông Ánh, Nhà nước chỉ nắm ngân sách. Thu ngân sách hiện bằng khoảng 22% – 25% GDP. Và nếu Nhà nước định trích tiền của mình cho phát triển nhà ở thì đó là khoản nằm trong chi ngân sách (hiện bằng khoảng 28 – 30% GDP).

“Ý của doanh nghiệp có lẽ là lấy tiền ngân sách để chi cho phát triển nhà ở”, ông Ánh nói.

Trong khi đó, tiến sĩ Nguyễn Trí Hiếu thì cho rằng, nguồn vốn chúng ta đang quá èo uột. “Vốn đâu ra để cho vay hàng chục năm?”, ông Hiếu đặt câu hỏi.

Theo PGS.TS Đinh Trọng Thịnh, Học viện Tài chính, trong phân khúc này cần phải phân biệt thành 2 loại, một là nhà ở xã hội, hai là nhà ở giá rẻ. Với nhà ở xã hội, Nhà nước phải tạo điều kiện, có ưu đãi về lãi suất cũng như trích ngân sách để ưu tiên. Tuy nhiên, với nhà ở giá rẻ, đừng đòi hỏi ưu đãi, ngân sách mà phải theo cung cầu. “Không thể có chuyện bán nhà lời lãi doanh nghiệp hưởng mà yêu cầu Nhà nước phải ưu đãi. Hãy theo cơ chế thị trường và cân nhắc các chính sách để nhà ở giá rẻ có thể bán được”, ông Thịnh nói.

Hiện nay vẫn chưa bố trí được nguồn vốn vay phát triển nhà ở xã hội.

Ở góc độ quản lý nhà nước, ông Vũ Văn Phấn, Phó Cục trưởng Cục quản lý nhà và thị trường bất động sản, cho biết phân khúc nhà ở bình dân có nghĩa là nhà ở có giá vừa phải cho đối tượng thu nhập thấp, trong đó bao gồm cả nhà ở xã hội. Nhìn từ thực tế có thể thấy, doanh nghiệp chưa mặn mà và đòi hỏi ưu đãi hơn nữa. “Nhưng đất nước đang trong nền kinh tế thị trường, chúng ta không thể thực hiện bao cấp mãi, nghĩa là hỗ trợ quá nhiều cho doanh nghiệp làm nhà ở thu nhập thấp”.

Mặt khác, ông Phấn cho rằng, doanh nghiệp “kêu” nhiều nhất không phải chính sách đất đai mà là tín dụng, chưa bố trí được tiếp nguồn vốn vay. Hiện nay, ngân sách mới chỉ bố trí được cho ngân hàng chính sách xã hội hơn 1.100 tỉ đồng. Cụ thể, năm 2018 mới bố trí được 500 tỉ đồng. Nếu theo quy định của pháp luật hiện nay, cấp như vậy thì ngân hàng chính sách phải huy động được thêm 500 tỉ nữa. Điều đó có nghĩa là,một số ngân hàng thương mại chưa được ngân sách bố trí nguồn vốn để thực hiện cho vay. Có ngân hàng thương mại phải bù lãi suất thì mới hỗ trợ cho cả chủ đầu tư và người mua nhà vay.

Tâm An
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
 
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.