Đầu tháng 6, Công ty Jen Development (Quỹ đầu tư bất động sản của Hong Kong) vừa tung ra dòng sản phẩm biệt thự hạng sang trị giá hơn 50 tỷ đồng một căn ở "phố nhà giàu" phía Đông Sài Gòn thuộc phường Thảo Điền, quận 2. Đây chỉ là màn chào hàng đầu tiên của đơn vị này tại TP HCM.
Giám đốc Điều hành Jen Development, Trương Quân Đức cho biết, sở dĩ doanh nghiệp chọn phân khúc hạng sang để đầu tư vì nhóm khách hàng quan tâm đến dòng sản phẩm này không bị ảnh hưởng nhiều trong thời gian qua. "Chúng tôi còn dự định rót thêm khoảng 70 triệu USD để đầu tư các dự án hạng sang tại khu trung tâm TP HCM phục vụ đối tượng khách hàng cao cấp”, ông Đức cho hay.
Cũng đặt cược vào bất động sản giá trị cao, Tổng giám đốc Công ty Hùng Việt & KRDF03, Park Jong Woo tiết lộ, quỹ đầu tư Hàn Quốc chỉ mới đầu tư 50% dòng vốn trên tổng số 130 triệu USD vào thị trường Việt Nam. Hiện doanh nghiệp vẫn tìm kiếm những dự án thuộc phân khúc trung - cao cấp để giải ngân trong thời gian tới
Ông Park Jong Woo cho biết, KRDF03 vẫn kiên nhẫn chờ những tín hiệu tốt từ thị trường Việt Nam và bám trụ lại đây vì tiềm năng của thị trường này còn rất lớn trong khi bất động sản Hàn Quốc đã bão hòa.
Khối ngoại vẫn chuộng đầu tư mới, thâu tóm những dự án bất động sản cao cấp tại Việt Nam. Ảnh: Vũ Lê
Một ông lớn đại diện cho các nhà đầu tư bất động sản Singapore là Công ty Keppel Land có tới 18 dự án bất động sản đang triển khai tại Việt Nam với số vốn đăng ký gần 2 tỷ USD, cũng dồn sức vào thị phần nhà ở giá trị cao. Tại TP HCM, doanh nghiệp này đã và đang xây dựng hàng loạt dự án Riviera Point (quận 7), khu phức hợp Saigon Center (quận 1), khu căn hộ Estella 1 (quận 2)… đều thuộc phân khúc cao cấp. Hiện doanh nghiệp này đang lên kế hoạch đầu tư xây dựng khu căn hộ Estella 2 tại TP HCM cũng nhắm đến nhóm khách hàng có thu nhập cao.
Đầu năm nay, một nhà đầu tư châu Á khác là Sunwah Group (Hong Kong) đã mua lại khu đất 90 Nguyễn Hữu Cảnh, quận Bình Thạnh để xây khu phức hợp cao cấp. Đây là một trong 5 dự án FDI có tổng vốn đầu tư cao nhất quý I/2014 tại TP HCM. Sunwah đã công bố sở hữu 48% cổ phần của dự án này (vốn đầu tư trên 200 triệu USD).
Ngoài ra, có không ít dự án FDI về du lịch, nghỉ dưỡng, nhà ở theo chuẩn 5 sao với tổng vốn đầu tư hàng tỷ USD đăng ký vào các tỉnh miền trung trong quý I. Điển hình là Rose Rock - công ty đầu tư của gia đình tài phiệt dầu mỏ Rockefeller công bố sẽ đầu tư 2,5 tỷ USD vào dự án chung cư, khách sạn hạng sang tại Tuy Hòa, Phú Yên.
Một đại gia khác cũng là tay chơi mới, tỷ phú Israel - Igal Ahouvi-cũng đã thâu tóm Khu du lịch Bãi Rồng tại Cam Ranh (Khánh Hòa) với tổng kinh phí lên đến 300 triệu USD. Dự án được phát triển với thương hiệu mới là Alma Resort, gồm 200 biệt thự và 400 căn hộ cao cấp.
Các chuyên gia cho rằng thị trường Việt Nam đang ở điểm đáy của chu kỳ bất động sản. Ảnh: Vũ Lê
Tại Diễn đàn Doanh nghiệp Việt Nam - Singapore mới đây, Giám đốc Điều hành Savills Việt Nam, Neil MacGregor phân tích, Việt Nam đang ở điểm đáy của chu kỳ bất động sản. Nhiều thị trường khác ở châu Á lại nằm ở đỉnh của chu kỳ và có thể suy giảm trong vài năm tới. Do đó, Việt Nam hấp dẫn các nhà đầu tư nước ngoài bởi họ muốn tận dụng sự hồi phục của thị trường này trong khi những thị trường khác bắt đầu có dấu hiệu nguội dần.
Theo ông Neil MacGregor, khối ngoại có xu hướng tập trung vào các tòa nhà văn phòng đang hoạt động với dòng tiền ổn định tại các đô thị lớn của Việt Nam. Ở phân khúc nhà ở, ngoài dòng sản phẩm cao cấp, các nhà đầu tư nước ngoài còn quan tâm đến thị trường ngách. Đó là những sản phẩm có đặc điểm như: nguồn cung còn hạn chế do ít được khai phá, phục vụ nhóm khách hàng cực kỳ đặc biệt, giàu có hoặc có gu tiêu dùng riêng. Riêng bất động sản du lịch, nhà đầu tư nước ngoài ưa chuộng các dự án có vị trí ven biển.
Chủ tịch HĐQT Công ty Địa ốc Đất Xanh, Lương Trí Thìn đánh giá, năm 2014 sự trở lại của khối ngoại ở khu vực bất động sản cao cấp có xu hướng mạnh mẽ hơn. Do địa ốc Việt Nam vừa trải qua 5 năm dài suy thoái, thị trường nỗ lực vượt qua vùng đáy đồng thời xuất hiện dấu hiệu hồi phục nhẹ lác đác ở vài phân khúc nên niềm tin của khối ngoại dần được củng cố.
Ông Thìn cho rằng nhà đầu tư nước ngoài có xu hướng chuộng bất động sản cao cấp vì 2 lý do. Một là gu đầu tư đã định vị thương hiệu từ trước. Hai là vì các tập đoàn, quỹ đầu tư đã đánh hơi được khả năng hấp thụ và tiềm năng của thị phần này. "Nhiều biệt thự trị giá dăm bảy triệu USD tại Việt Nam vẫn bán được hàng trong mấy năm qua. Vì vậy, khối ngoại kỳ vọng vào phân khúc cao cấp, hạng sang là bình thường", ông Thìn nhận xét.
-
M&A bất động sản 2023: Cục diện thay đổi
Nếu như hai năm trước thị trường mua bán, sáp nhập (M&A) sôi động khi các doanh nghiệp trong nước nỗ lực gia tăng thị phần sau đại dịch, thì nay cuộc “đi săn” của khối ngoại diễn ra mạnh mẽ hơn với những thương vụ thâu tóm dự án có quy mô lớn khi doa...
-
Nhà đầu tư nước ngoài rục rịch “chốt deal”, dòng vốn “khủng” sắp đổ vào thị trường bất động sản
Dự báo sẽ có một lượng lớn nguồn vốn đến từ các nhà đầu tư nước ngoài sẽ hoàn tất và đổ vào thị trường bất động sản Việt Nam trong giai đoạn 2024-2026, nhiều giao dịch đã và đang trong quá trình đàm phán và khá tích cực....
-
“Bơi” trong vòng xoáy khó khăn, doanh nghiệp bán bớt cổ phần, tài sản và cả dự án
Nhiều doanh nghiệp, nhà đầu tư buộc phải chuyển nhượng bớt cổ phần, tài sản, dự án đầu tư trong bối cảnh thị trường mua bán sáp nhập (M&A) không thuận lợi.