Ở thời điểm ban hành Nghị quyết 19/2008/QH12 ngày 03/6/2008 về việc thí điểm cho tổ chức, cá nhân người nước ngoài mua nhà sở hữu nhà tại Việt Nam và sau này là Nghị định 51/2009/NĐ-CP ngày 03/06/2009 của Chính phủ hướng dẫn thi hành một số điều của nghị quyết trên, thị trường bất động sản đang trong thời kỳ “sốt nóng”, vì vậy, nhiều ý kiến lo ngại sẽ có làn sóng cá nhân người nước ngoài đổ xô vào thị trường bất động sản Việt Nam, làm xáo trộn thị trường, gây khó khăn cho quản lý và ảnh hưởng đến vấn đề an ninh.
Tuy nhiên, theo thống kê của Tổng cục Quản lý đất đai (Bộ Tài nguyên và Môi trường), cho đến thời điểm này, mới chỉ có gần 300 trường hợp cá nhân người nước ngoài và Việt kiều chính thức mua nhà tại Việt Nam được đăng ký và chấp thuận chính thức từ các cơ quan quản lý, trong đó, chủ yếu là ở TP. HCM và một số tỉnh, thành phía Nam. Con số này quá nhỏ bé so với khoảng 81.000 người nước ngoài đang sinh sống và làm việc tại Việt Nam, cùng hàng trăm ngàn Việt kiều và người nước ngoài khác đang quan tâm đến thị trường bất động sản Việt Nam.
Nguyên nhân chính xuất phát từ quy định khá khắt khe về điều kiện được mua, sở hữu nhà ở của các cá nhân người nước ngoài và Việt kiều. Theo Điều 5.2 Nghị định 51/2008/NĐ-CP, các thành phần này chỉ được sở hữu 1 căn hộ chung cư trong các dự án phát triển nhà ở thương mại trong thời hạn tối đa 50 năm với điều kiện “phải có thẻ thường trú hoặc thẻ tạm trú hoặc giấy tờ chứng nhận được phép cư trú tại Việt Nam từ 12 tháng trở lên và không thuộc đối tượng được hưởng quyền ưu đãi, miễn trừ ngoại giao, lãnh sự….”
Luật sư Bùi Quang Hưng, thuộc Văn phòng Luật BQH & Associates cho rằng, nếu theo đúng quy định thì chỉ khoảng 20.000 người nước ngoài đang sống ở Việt Nam có đủ điều kiện mua nhà. Do quy định khắt khe, nên đa số người nước ngoài sinh sống và làm việc tại Việt Nam chỉ muốn thuê các căn hộ dịch vụ chứ không muốn mua nhà. Trong khi đó, dù có quy định thoáng hơn, nhưng sợ mất thời gian với những thủ tục phiền phức liên quan đến giấy tờ, nên đa số Việt kiều đều nhờ người thân, bạn bè đứng tên mua. Điều này dẫn đến nhiều tranh chấp và rủi ro cho chủ sở hữu.
Ông Hưng khuyến nghị, Việt Nam không nên hạn chế người mua nhà, mà có thể đặt ra một mức thuế nhà hàng năm cao tương ứng như Mỹ đang thực hiện. Khi đó, cá nhân người nước ngoài sẽ phải cân nhắc hiệu quả khi đầu tư vào bất động sản Việt Nam.
Ông Cao Xuân Hải, Giám đốc Dự án chung cư cao cấp Dawoo - Cleve tại Hà Đông (Hà Nội) cho rằng, việc chỉ cho phép người nước ngoài và Việt kiều mua, sở hữu nhà với mục đích để ở đã hạn chế rất nhiều dòng tiền từ những đối tượng này chảy vào thị trường bất động sản.
Đồng tình với các ý kiến trên, ông Lê Chí Hiếu, Chủ tịch HĐQT CTCP Phát triển Nhà Thủ Đức cho rằng, xét tình hình hiện nay, việc kích thích cá nhân người nước ngoài và Việt kiều sẽ mở ra một lối thoát cho việc giải quyết hàng tồn kho bất động sản, nhất là với các dự án căn hộ cao cấp.
“Nếu sợ người nước ngoài lấn lướt người mua nội, thì có thể ra các giới hạn tỷ lệ mua của nhà đầu tư nước ngoài đối với một dự án hay giới gian sở hữu tối đa như Singapore đang thực hiện”, ông Hiếu khiến nghị.
Ông David Lim, Trưởng nhóm Công tác đất đai của Vietnam Business Forum cho rằng, việc sửa đổi theo hướng mở hơn điều kiện cho Việt kiều và người nước ngoài mua nhà là rất cần thiết, vì không những phù hợp với thông lệ quốc tế, mà còn tạo đà thúc đẩy thị trường bất động sản Việt Nam. Theo ông Lim, Việt Nam có thể học theo kinh nghiệm của các nước như Tây Ban Nhà, Bồ Đào Nha, Ireland hay Malaysia là cấp cho người nước ngoài giấy phép cư trú dài hạn nếu mua bất động sản có giá tối thiểu khoảng 200.000 USD.
Trong khi đó, ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội bất động sản TP. HCM thì gợi ý, Nhà nước có thể quy định những đối tượng này chỉ được mua căn hộ có mức giá không thấp hơn 30 triệu đồng/m2.
-
Bất động sản du lịch: Bên tháo chạy, bên nhập cuộc
Khách sạn, khu nghỉ dưỡng... lâu nay được xem là miếng bánh của các nhà đầu tư lớn, dồi dào tài chính. Tuy nhiên, trong một thị trường bất động sản (BĐS) đóng băng còn tù mù lối thoát, hàng loạt dự án đã treo biển rao bán vì nhà đầu tư cạn tiền.
-
Tháo chạy khỏi BĐS, đại gia bỏ của giữ thân
Thị trường BĐS đang trong giai đoạn ngặt nghèo nhất khi mà nợ xấu nhiều, hàng tồn kho gia tăng… mặc dù đã tìm mọi cách nhưng không cải thiện khiến cho nhiều DN rơi vào thế “chùn chân mỏi gối” phải tìm cách thoát thân càng sớm càng tốt. Trong cả năm 2012, có hàng loạt các DN lớn thảo lui khỏi các dự án lớn vốn một thời là niềm tự hào, hứa hẹn mang lại nhiều lợi nhuận.
-
Khu đất có giá thị trường 7-10 triệu đồng/m2 nhưng tỉnh Bình Phước bán giá bình quân chỉ 1,6 triệu đồng/m2, gây thất thu ngân sách Nhà nước hàng chục tỉ đồng