Đầu tư vô tội vạ
TS Vũ Viết Ngoạn, Chủ tịch Ủy ban Giám sát tài chính quốc gia, cho rằng LS cao là những khó khăn thanh khoản cục bộ, riêng lẻ tại một số ngân hàng (NH), biểu hiện thông qua việc lách trần LS huy động, gây áp lực thanh khoản cho hệ thống, khiến mặt bằng LS không thể giảm như mong muốn. Căng thẳng thanh khoản không chỉ vì các NH khó huy động vốn của các tổ chức, dân cư mà còn do các NH này không vay được vốn của các NH khác trên thị trường liên NH, do các thành viên trên thị trường này đã mất niềm tin nghiêm trọng lẫn nhau. “Các NH không vay mượn được nhau trên liên NH, khiến thanh khoản căng thẳng, nguồn vốn bị ứ đọng, không chảy được từ nơi thừa sang nơi thiếu, dẫn tới chi phí vốn cao, giá vốn - LS vay không thể hạ”, TS Ngoạn nói.
Lãi suất dù đang rất cao, nhưng khó hạ do tác động của nhiều yếu tố - Ảnh: Ngọc Thắng
Nhìn sâu hơn, TS Lê Xuân Nghĩa, thành viên Hội đồng tư vấn chính sách tài chính tiền tệ quốc gia, phân tích điểm mấu chốt cơ bản khiến LS của VN luôn ở mức cao nhất nhì thế giới do cung tín dụng trong những năm qua quá lớn và ồ ạt. Mức tăng tín dụng hằng năm bình quân 30%/năm, có năm lên tới trên 50%. Sau khi có dấu hiệu lạm phát cao thì quay ra tăng LS điều hành đột ngột. Việc "bóp nghẹt" tín dụng khiến các NH khó khăn thanh khoản, đẩy LS tăng lên cao một cách nhanh chóng. Thực tế, với một tỷ lệ đầu tư luôn ở mức trên 40% so với GDP làm cho cầu tiền trong nền kinh tế VN duy trì ở mức rất cao. Nguồn vốn, tích lũy được thông qua tiết kiệm lại khá thấp khiến các doanh nghiệp phụ thuộc nhiều vào vốn vay. Nguồn vốn khan hiếm và LS cao đẩy nhiều DN rơi vào tình trạng khó khăn và đứng trước nguy cơ phá sản. Cùng với đó, nợ xấu của NH cũng có chiều hướng tăng lên do không thu hồi được nợ. Tóm lại, nguyên nhân khiến LS tại VN đang ở mức quá cao chính là do cầu tiền lớn, trong khi cơ cấu nền kinh tế lại kém hiệu quả.
TS Vũ Đình Ánh lại cho rằng một nguyên nhân khác khiến LS của VN luôn ở mức cao so với thế giới là do bộ công cụ điều hành chính sách tiền tệ gồm: LS tái cấp vốn, tái chiết khấu, tỷ lệ dự trữ bắt buộc... đã không được sử dụng một cách có hiệu quả và linh hoạt. Chính vì vậy, cơ quan này đã phải dùng tới trần LS - một biện pháp “hành là chính” để trấn áp các NH, nhưng hiệu quả thì vẫn không thấy đâu.
"Tội đồ" vàng?
Lãnh đạo một NH lớn tại Hà Nội lại cho rằng thủ phạm khiến LS cao chính là vàng. Hiện nay tổng nguồn vốn huy động của toàn hệ thống NH khoảng 2,5 triệu tỉ đồng - con số này hầu như không tăng lên được bao nhiêu do tiền của dân vẫn tiếp tục găm vào vàng. Theo thống kê, năm 2011 VN nhập tiêu thụ hơn 100 tấn vàng, và được xếp vào tốp 10 quốc gia tiêu thụ vàng lớn nhất thế giới. Nếu nguồn vốn này được gửi vào hệ thống NH thay vì đổ xô vào vàng, sẽ giúp hệ thống có nhiều tiền hơn, thanh khoản dồi dào để có thể giảm được LS.
Theo tính toán của lãnh đạo trên, với 600 tấn vàng (100 tấn tiêu thụ năm 2011, khoảng 500 tấn nằm trong dân) tương đương khoảng 700.000 tỉ đồng, tức khoảng hơn 33 tỉ USD đang nằm chết trong vàng. Chỉ cần 30% giá trị này đi vào hệ thống NH thì LS không cần phải làm gì cũng tự khắc hạ. Điều đáng lo là người dân vẫn đang tích cực tìm tới vàng, khi LS gửi vàng tại nhiều NH vẫn tăng cao, lên tới cả 4%/năm. “Tiền đổ vào vàng là tiền chết, kể cả việc NH huy động vàng thì cũng chẳng có ai vay vàng. Mớ kim loại không tạo ra được giá trị gì cho nền kinh tế, trong khi chiếm tỷ trọng lớn GDP của cả nước, vậy còn nguồn lực tài chính nào cho hoạt động sản xuất - kinh doanh”, vị này bức xúc.
“Chúng ta đứng số 1 về tăng trưởng kinh tế, về xuất khẩu gạo mới đáng tự hào, chứ đứng đầu về nhập khẩu và tiêu thụ vàng thì đấy là một cái nguy, là vấn nạn quốc gia. Điều đó lý giải vì sao cung tiền chúng ta luôn thiếu so với cầu. Nếu LS cứ cao như thế này thì hàng loạt DN khác phải phá sản. Tôi vô cùng bức xúc ở chỗ, điều này rất dễ thấy, rất dễ giải quyết mà không ai làm được. Chúng ta không hạn chế người dân mua bán vàng trang sức, nhưng vàng miếng cần phải có biện pháp khống chế, phải khơi thông được luồng vốn này, đó mới là điều quan trọng”, vị lãnh đạo trên chia sẻ và kiến nghị.