Việc thực hiện các KCN do vậy gặp nhiều thuận lợi. Nhưng cũng chính yếu tố giá rẻ ấy đã tạo nên cảnh cứ lập dự án lấy được đất là... có lời.
“Săn” dự án
Bồi hoàn đất giá rẻ, chi phí di dời thấp, sau khi xây dựng hạ tầng KCN,
nhà đầu tư có thể tạo ra siêu lợi nhuận nhờ giá trị đất tăng cao. Sức
hút đó đã làm cho nhiều người đổ xô về Long An “săn” dự án (DA) KCN,
nhất là những vị trí vàng. Họ đi “săn” cho riêng mình cũng có, làm “cò”
chạy DA để hưởng thù lao (lên đến tiền tỉ) cũng có, hoặc tự “chạy” DA
sau đó chuyển nhượng thu lợi nhuận. Chỉ trong thời gian không dài, tỉnh
Long An đã thành lập 30 KCN và 40 cụm công nghiệp (CCN). Dư luận tỉnh
Long An đã từng xôn xao chuyện DA của Cty Đông Dương (huyện Cần Giuộc)
vừa được cấp phép, nhà đầu tư chưa san lấp mặt bằng đã chuyển nhượng DA.
Một DA KCN ở xã An Nhựt Tân được UBND tỉnh Long An cấp phép cho Cty thép Long An, nhưng trên thực tế, DA đang giậm chân tại chỗ này đã thuộc về một DN khác. Mới đây, TAND tỉnh Long An đã đưa ra xét xử vụ lừa đảo liên quan tới “chạy DA”. Bị cáo Đỗ Văn Son đã đứng ra nhận “chạy DA” KCN rộng khoảng 200ha tại xã Hòa Khánh Tây, huyện Đức Hòa cho một DN ở TPHCM với giá “trọn gói” là... 13 tỉ đồng. Đỗ Văn Son tiếp cũng là tác giả vụ lừa một DN khác ở TPHCM cũng liên quan tới “chạy dự án”. Có một hình thức “chạy DA” xong giao cho người khác thông qua “công ty cổ phần”. Chỉ cần làm thủ tục thay đổi vốn góp vào công ty là DA thuộc về người mua lại dự án đó.
Và hệ quả: KCN vắng lặng!
TP.Cần Thơ hiện có 8 khu CN, nhưng tới nay chỉ 2 KCN Trà Nóc 1 và 2 hạ
tầng tương đối hoàn chỉnh, đã cơ bản lấp đầy diện tích. Bên cạnh 2 KCN
đang lập quy hoạch (Ô Môn, Bắc Ô Môn), 3 KCN: Hưng Phú 1 (262ha), Hưng
Phú 2A (134ha), Hưng Phú 2B (967,27ha) đang trong tình trạng “trùm mền”
nhiều năm nay; trong đó KCN Hưng Phú 1 sau khoảng 10 năm triển khai,
hiện chỉ mới xây dựng được khu tái định cư (trên 10ha). Ngoài KCN, tháng
10.2007, cụm CN - TTCN quận Bình Thủy (gần 63ha) được phê duyệt quy
hoạch tỉ lệ 1/500, song từ khi quy hoạch tới nay vẫn chưa thu hút được
nhà đầu tư nào.
Tại Hậu Giang, KCN Sông Hậu (400ha ở huyện Châu Thành) hình thành trên 5
năm nay, nhưng vẫn chưa có DN nào chính thức hoạt động. Tháng 4.2007,
tại KCN này Vinashin khởi công xây dựng nhà máy đóng tàu và cụm CN tàu
thủy với vốn đầu tư dự kiến 60.000 tỉ đồng. Nhưng, tới nay khu đất hàng
trăm hécta của dự án này vẫn trống trơn!
Tại Vĩnh Long, năm 2000, KCN Mỹ Thuận hình thành sau khi giải tỏa trên
400 hộ dân cùng nhiều vườn cây ăn trái. Tuy nhiên, tới nay, tại KCN này
chỉ mới có Nhà máy bia Sài Gòn - Vĩnh Long (45ha) khởi công vào quý
III/2009, nhưng tiến độ xây dựng rất chậm. Còn dự án trung tâm dịch vụ
công nghệ cao thì không triển khai.
Tình trạng “da beo” diễn ra phổ biến tại hầu hết các khu - cụm CN ở
ĐBSCL. Theo Phòng Công nghiệp và Thương mại VN, chi nhánh Cần Thơ (VCCI
Cần Thơ), hiện tỉ lệ đất cho thuê tại trên 70 KCN ở ĐBSCL mới đạt trên
22%. Tỉ lệ này tại 177 cụm CN còn thấp hơn. TS Võ Hùng Dũng - Giám đốc
VCCI Cần Thơ – nhận xét: Hiệu quả thu hút đầu tư thấp, ít dự án thu hút
đầu tư nước ngoài, cho thấy đất đai tại các khu - cụm CN ĐBSCL đang bị
lãng phí!
Theo ngành công thương các địa phương ĐBSCL, tính đến đầu năm 2011, toàn vùng có 74 KCN (diện tích 23.900ha) và hơn 170 cụm CN (diện tích khoảng 15.300ha). Tuy nhiên, số khu - cụm CN đã lấp đầy diện tích chỉ đếm trên đầu ngón tay. L.N.G |