Theo các CTCK, những phiên tạo đáy của thị trường sau một giai đoạn giảm giá sâu có phần tương đồng với giai đoạn hiện nay.

ĐTCK lược trích báo cáo nhận định thị trường của một số CTCK cho phiên giao dịch ngày 26/9.

Thị trường vẫn đang trong xu thế giảm điểm

(CTCK BIDV - BSC)

Trên HOSE, sự phân hóa vẫn diễn ra giữa các bluechip. GMD, KDC tiếp tục tăng trần, trong khi BVH, ITA, SJS giảm sàn. VIC và GAS tăng nhẹ, trong đó GAS được khối ngoại mua vào tới 90% khối lượng giao dịch. VNM tăng khá trong khi VCB chỉ nhích nhẹ 100 đồng/cổ phiếu. Các mã còn lại tăng giảm không đáng kể.

Nói chung, sàn HOSE tương đối cân bằng với tỷ lệ số mã tăng và giảm xấp xỉ nhau. Dù vậy, vẫn có thể nhận thấy VN-Index được nâng đỡ từ các cổ phiếu có trọng số lớn. Sàn HNX tỏ ra yếu hơn 1 chút với số mã giảm gần gấp đôi số mã tăng. Các mã chủ chốt hầu như giữ ở mức tham chiếu, tuy nhiên việc ACB quay đầu giảm điểm đã góp phần kéo HNX-Index xuống.

Không có thông tin nào đáng kể tới thị trường được công bố cũng là một yếu tố khiến thanh khoản suy giảm mạnh trong phiên 25/9. Bên mua không thấy có lí do phải đẩy giá lên, trong khi áp lực của bên bán cũng không quá lớn. Ngoài ra, vùng đáy 65-66 điểm của HNX-Index ít nhiều vẫn có tác dụng hỗ trợ kỹ thuật cho thị trường. Thị trường do đó nhiều khả năng sẽ rơi vào trạng thái đi ngang hoặc giảm nhẹ trong các phiên tới với thanh khoản tiếp tục ở mức thấp.

Đánh giá chung về thị trường, chúng tôi cho rằng, thị trường vẫn đang trong xu thế giảm điểm với mức rủi ro khá cao. Trong khi đó, động lực bật lại trong bối cảnh hiện tại hầu như rất yếu. Việc mua vào ở thời điểm này do đó sẽ thích hợp với chiến lược đầu tư dài hạn hơn là ngắn hạn.

Khả năng đang tạo đáy

(CTCK Woori CBV)

Hai sàn đều có diễn biến trái chiều kể từ đầu phiên và đã có thời điểm HNX tăng điểm trở lại nhờ vào sự hồi phục của mã ACB. Tuy nhiên, đà tăng không duy trì lâu, và kết thúc phiên hai sàn vẫn ở trạng thái trái chiều.

Thị trường chứng kiến sự gia tăng trở lại của các mã vốn hóa lớn bên sàn HOSE như VIC, VNM, GAS … giúp VN-Index duy trì ở sắc xanh hầu như toàn bộ thời gian.

Mặc dù thông tin mập mờ về giá xăng tăng, nhưng theo quan điểm của chúng tôi đây chỉ là dư âm của giai đoạn tăng giá trước và do vậy điều này không có gì đáng lo ngại. Ngoài ra, xét về diễn biến thực tế của giá năng lượng trên thế giới, thì có khả năng giá xăng dầu gas sẽ hạ nhiệt trong thời gian không xa.

Về phương diện kỹ thuật, thị trường có phiên phục hồi kỹ thuật đối với chỉ số VN-Index do nỗ lực tăng giá trở lại của các mã có vốn hóa lớn. Mặc dù HNX-Index vẫn ở trong trạng thái giảm điểm, nhưng với thanh khoản ở mức cạn kiệt cho thấy áp lực bán ra không còn mạnh.

Theo quan sát của chúng tôi, những phiên tạo đáy của thị trường sau một giai đoạn giảm giá sâu có phần tương đồng với giai đoạn hiện nay. Do đó, chúng tôi rất kỳ vọng, trong những phiên sắp tới, khối lượng sẽ tiếp tục duy trì ở mức thấp và các chỉ số vẫn dao động bên trên đáy thấp nhất vừa qua, thì cơ hội tạo đáy trung hạn của thị trường hoàn toàn chiếm xác suất cao.

Sẽ tăng điểm trở lại

(CTCK Mirae Asset)

Mặc dù hai chỉ số có trạng thái đóng cửa tăng giảm trái chiều, nhưng vẫn có điểm chung là sự cân bằng đang xuất hiện trở lại vào cuối phiên.

Diễn biến đáng chú ý nhất trong phiên giao dịch 25/9 là sự hồi phục trở lại của cả hai sàn vào cuối phiên, bên mua bắt đầu tỏ ra dứt khoát hơn khi nhận thấy áp lực cung đang cạn kiệt dần.

Diễn biến này có thể giúp 2 chỉ số trở lại trạng thái tăng điểm trong phiên 26/9. NĐT nên tiếp tục nắm giữ, tuy nhiên chúng tôi lưu ý vùng 400 - 405 của VN-Index là kháng cự mạnh hiện tại, NĐT nên cân nhắc bán ra tại vùng này.

Thị trường vẫn chưa cho tín hiệu rõ ràng

(CTCK FPT - FPTS)

Thị trường ngày 25/9 lại có một phiên giao dịch trầm lắng, chỉ số của cả 2 sàn có sự biến động trái chiều khi VN-Index thì tăng điểm nhẹ, trong khi HNX-Index tiếp tục đà giảm của ngày 24/9.

Thanh khoản duy trì ở mức thấp cho thấy sự thận trọng của cả bên mua lẫn bên bán. Đa số các cổ phiếu đóng cửa đều dao động nhẹ so với giá tham chiếu. Trong số các cổ phiếu lớn thì chỉ có GMD và KDC tăng trần với khối lượng giao dịch thấp, còn ở chiều ngược lại thì BVH, SJS, ITA vẫn tiếp tục bị bán tháo.

Như chúng tôi nhận định, sau phiên giao dịch bùng nổ của khối ngoại trong ngày 21/9, nhà đầu tư nước ngoài đã tỏ ra thận trọng trở lại. Trong phiên 25/9, khối ngoại tiếp tục bán ròng trên cả 2 sàn, giá trị bán ròng đạt 58,15 tỷ đồng và vẫn tập trung ở một số cổ phiếu như EIB, PPC, GMD…

Nhìn chung, thị trường vẫn chưa cho tín hiệu rõ ràng, xu thế đang là tích lũy và đi ngang. Tuy nhiên, khi thanh khoản vẫn ở mức thấp thì chưa có động lực mạnh mẽ để thị trường vượt qua các ngưỡng kháng cự trong ngắn hạn.

Chúng tôi tiếp tục bảo lưu quan điểm thận trọng, nhà đầu tư chỉ nên tham gia thị trường khi có sự tích cực từ giá và thanh khoản trong nhiều phiên. Chiến thuật mua tại ngưỡng hỗ trợ và bán ra ở ngưỡng kháng cự có lẽ chỉ thích hợp với lướt sóng ngắn hạn trong giai đoạn thị trường sideway hiện tại.

Tiếp tục giằng co trong biên độ hẹp

(CTCK ACB - ACBS)

Mặc dù số mã giảm nhiều hơn mã tăng, VN-Index vẫn có phiên tăng nhẹ ngày 26/9 nhờ vào một số mã vốn hóa lớn như GAS, VIC, VNM ….

Cây nến hình thành với phần thân nhỏ cho thấy sự do dự của nhà đầu tư. Khối lượng giao dịch cũng cho thấy điều này khi xuống mức thấp nhất kể từ đầu tháng 8.

Trong các phiên tới, VN-Index có thể tiếp tục giằng co trong biên độ hẹp.

Trong số những mã vốn hóa lớn thì BVH có phiên giảm sàn thứ 2. BVH là một trong số ít mã có đợt sóng điều chỉnh rất mạnh trong 1, 2 tuần qua. Mặc dù BVH có thể tăng trở lại trong vài phiên tới, nhưng nhìn rộng hơn thì chúng tôi cho rằng, mã này có thể sẽ quay trở lại đáy trước đó ở 24.900 đồng.

Tương tự, xem xét các mã thành viên khác trên HOSE thì số mã hình thành tín hiệu tiêu cực chiếm số đông. Các phiên tăng, nếu có, có thể chỉ mang tính chất điều chỉnh.

Lực cầu gia tăng cuối phiên giúp HNX-Index lấy lại phần lớn mức giảm đầu giờ và đóng cửa giảm nhẹ ngày 25/9.

Cây nến Hammer cho thấy dấu hiệu tích cực. Tuy nhiên, khối lượng giao dịch thấp, thấp nhất kể từ đầu năm, không cho thấy sực mạnh của mô hình. Hơn thế nữa, HNX-Index mới chỉ trải qua 2 phiên giảm nhẹ, nên sự hình thành của mô hình không mang nhiều ý nghĩa.

Trong các phiên tới, HNX-Index có thể tiếp tục giằng co. Nếu vượt phá mô hình Falling Wedge, khoảng cao hơn 57,5, HNX-Index có thể hồi phục về kháng cự 62,5-63,5.

Thị trường sẽ còn diễn biến giằng co trong vài phiên tới

(CTCK Bảo Việt - BVSC)

Chỉ số hai sàn diễn biến trong biên độ hẹp với khối lượng duy trì ở mức thấp. Ngược lại với diễn biến tích cực của tuần trước, nhiều cổ phiếu như BVH, SBT, PGD....đã có phiên giảm thứ hai liên tiếp sau khi dòng tiền ETF cơ bản hoàn thành nhiệm vụ. Đáng ghi nhận là diễn biến tăng điểm của một số cổ phiếu như GAS, EIB, VNM hay GMD…là động lực chính giúp chỉ số VN-Index tăng điểm. Tuy nhiên, thanh khoản thấp khiến việc tăng điểm không mang nhiều ý nghĩa.

Tại sàn HNX, lực cầu vào cổ phiếu ACB không còn tích cực như phiên trước, điều này khiến chỉ số HNX-Index mất điểm tựa và giảm điểm ngay từ đầu phiên. Bên cạnh đó, các cổ phiếu ngành chứng khoán như KLS, VND, BVS… chịu áp lực bán vùng giá trên tham chiếu lớn bởi lo ngại kết quả kinh doanh quý III không thuận lợi. Đây cũng có thể là nguyên nhân chính cản trở sự tăng trưởng của sàn HNX trong thời gian tới, do đa số doanh nghiệp niêm yết thuộc nhóm ngành xây dựng, vật liệu xây dụng và chứng khoán đều đang gặp nhiều khó khăn.

Trong ngắn hạn, BVSC cho rằng, thị trường sẽ còn diễn biến giằng co trong vài phiên tới, đặc biệt khi các chỉ số đang nằm khá sát vùng hỗ trợ mạnh, 54-55 đối với HNX-Index và 380-385 đối với VN-Index.

Nếu không xuất hiện thêm thông tin tiêu cực, việc phá vỡ các “vùng đáy” này sẽ khó xảy ra ngay trong ngắn hạn. Tuy nhiên, duy trì quan điểm thận trọng, chúng tôi cho rằng nhà đầu chưa nên mua vào

trong bối cảnh hiện tại, đặc biệt khi diễn biến thị trường chưa cho thấy dấu hiệu của dòng tiền mới.

Lo ngại thị trường sẽ diễn biến xấu hơn

(CTCK Rồng Việt - VDSC)

Thanh khoản suy kiệt, NĐT tiếp tục giữ tâm lý thận trọng. Trong phiên giao dịch 25/9, áp lực bán mặc dù không quá mạnh, song lực cầu ngần ngại không tham gia chính là yếu tố khiến thị trường giao dịch rất ảm đạm.

VN-Index đóng cửa tăng điểm nhẹ nhờ có sự trợ giúp của các mã trụ cột, trong khi đó, HN-Index tiếp tục sụt giảm do thiếu vắng lực cầu.

Diễn biến trên của các chỉ số cùng với tình hình thanh khoản ngày càng xấu đi cho thấy kỳ vọng của NĐT đối với sự hồi phục của chỉ số hầu như không có trong giai đoạn hiện nay.

Do đó, chúng tôi lo ngại thị trường sẽ diễn biến xấu hơn trước khi có thông tin vĩ mô đủ mạnh để hỗ trợ cho thanh khoản cũng như giúp các chỉ số phục hồi. Vùng dao động hiện tại của VN-Index hiện đang ở ngưỡng 390 điểm, nếu như ngưỡng hỗ trợ này bị phá vỡ, rất có thể áp lực bán sẽ tăng lên và khiến thị trường sụt giảm mạnh hơn.

Cầu cần những bước đột phá tích cực hơn

(CTCK Sài Gòn - SSI)

Lực cung giá thấp của phiên trước không mạnh, nhưng ngày 25/9, lực cung lại chủ yếu ở vùng giá cao, cầu ở mức thấp, tuy vậy chỉ số vẫn có thêm điểm số nhờ các mã vốn hóa lớn như GAS, VNM, VIC. Thị trường phân hóa mạnh và số mã giảm giá vẫn cao hơn mã tăng giá. Tiền vào vẫn khiêm tốn khiến khối lượng chỉ ở mức 20,37 triệu đơn vị, giảm 11,51% so với phiên trước và thấp hơn gần 40% so với khối lượng trung bình 20 phiên.

Cây nến ngày Small White Candle với bóng nến khá dài lùi lại ở mức 394 điểm, một dạng hồi phục yếu (No Demand, A sign of weekness). Như vậy cầu cần những bước đột phá tích cực hơn nếu không cung sẽ lại tăng trở lại đẩy chỉ số kiểm định lại mốc 390 điểm. Nhà đầu tư ưa lướt sóng có thể áp dụng chiến thuật bán giá cao với các cổ phiếu có sẵn và xem xét mua ở giá thấp hợp lý. Đối với nhà đầu tư dài hạn chiến thuật trung bình hạ giá vốn cũng là một lợi thế.

CafeLand.vn
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
 
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.