Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) và Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD) vừa đưa ra đánh giá về thuế quan Mỹ đối với triển vọng tăng trưởng của kinh tế Việt Nam trong năm nay và những năm tới.
Tăng trưởng GDP chậm lại do thuế quan
Trong báo cáo sơ bộ sau khi kết thúc đợt tham vấn Điều khoản IV thường niên tại Việt Nam, đoàn cán bộ IMF đánh giá kinh tế Việt Nam đã bật trở lại mạnh mẽ trong năm 2024, đạt mức tăng trưởng 7,1% nhờ xuất khẩu mạnh, vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) có khả năng chống chịu tốt, và các chính sách mang tính hỗ trợ.
Đà tăng trưởng này tiếp diễn trong quý I/2025, với tốc độ đạt 6,9%. Lạm phát tiếp tục được kiểm soát.
Một góc Cảng Tân Cảng - Cát Lái. Ảnh: SNP
Các chuyên gia IMF nhận định rằng triển vọng của kinh tế Việt Nam phụ thuộc nhiều vào kết quả đàm phán thương mại (với Mỹ) và bị tác động từ sự bất định tăng cao trên toàn cầu về chính sách thương mại và tăng trưởng kinh tế.
Với giả định rằng mức thuế quan cao sẽ thực sự có hiệu lực áp dụng từ quý III/2025, dựa trên báo cáo Triển vọng Kinh tế Thế giới của IMF tháng 4/2025, đoàn cán bộ dự báo tăng trưởng kinh tế của Việt Nam sẽ chậm lại và chỉ đạt 5,4% cho cả năm 2025, và tiếp tục giảm tốc hơn nữa trong năm 2026.
Ngược lại, nếu căng thẳng thương mại toàn cầu dịu đi thì triển vọng cho nền kinh tế Việt Nam sẽ cải thiện đáng kể, đoàn nói thêm.
Tương tự, trong Báo cáo Kinh tế Việt Nam 2025 mới công bố, OECD dự báo tăng trưởng kinh tế Việt Nam sẽ chậm lại trong năm nay và năm tới nhưng được dẫn dắt bởi nhu cầu nội địa.
"Điều này phản ánh những trở ngại đáng kể từ mức thuế quan cao hơn của Mỹ và nhu cầu bên ngoài yếu hơn chắc chắn sẽ hạn chế xuất khẩu của Việt Nam", báo cáo nhấn mạnh.
"Thuế quan cao hơn đối với hàng xuất khẩu sang Mỹ, vốn chiếm khoảng 1/3 hàng xuất khẩu của Việt Nam, sẽ làm giảm triển vọng xuất khẩu trong tương lai, mặc dù hệ quả rộng hơn của những diễn biến này, bao gồm cả đối với dòng vốn đầu tư, vẫn còn rất bất định", báo cáo của OECD có đoạn.
OECD dự báo tăng trưởng xuất khẩu của Việt Nam sẽ giảm từ 15,4% năm 2024 xuống 8% vào năm nay và còn 5,4% vào năm sau do xuất khẩu sang Mỹ dự báo sẽ giảm.
Tổ chức này cũng cảnh báo, nếu bị áp thuế cao, Việt Nam sẽ chứng kiến dòng vốn FDI suy giảm mạnh. Áp lực giảm tỷ giá hối đoái mới có thể dẫn đến lạm phát cao hơn, đòi hỏi thắt chặt chính sách tiền tệ.
Đề cập đến các rủi ro tiêu cực đang ở mức cao, các chuyên gia IMF nhận định, trong trường hợp căng thẳng thương mại toàn cầu tiếp tục leo thang hoặc điều kiện tài chính toàn cầu thắt chặt, xuất khẩu và đầu tư có thể bị suy yếu hơn nữa. Ở trong nước, tình trạng căng thẳng tài chính có thể tái diễn do điều kiện tài chính thắt chặt và mức độ vay nợ cao của khu vực doanh nghiệp.
Ở chiều hướng tích cực, việc đạt được thỏa thuận thương mại không phân biệt đối xử và thực hiện thành công những đổi mới về cơ cấu kinh tế và cơ sở hạ tầng như dự kiến có thể thúc đẩy đáng kể tăng trưởng trong trung hạn.
Chính sách tài khóa cần làm bệ đỡ
Với triển vọng kinh tế đầy bất định này, IMF khuyến nghị Việt Nam ưu tiên giữ vững ổn định tài chính vĩ mô và sử dụng hiệu quả chính sách tài khóa.
"Chính sách tài khóa được hỗ trợ bởi mức nợ công thấp nên gánh vác vai trò chủ đạo trong giảm nhẹ tác động ngắn hạn, đặc biệt trong các kịch bản tiêu cực. Việc đẩy nhanh thực hiện đầu tư công và củng cố các lưới an sinh xã hội sẽ có ý nghĩa quan trọng", đoàn cán bộ nêu ý kiến.
Tương tự, OECD nhận định chính sách tài khóa sẽ tiếp tục hỗ trợ tăng trưởng thông qua việc tăng đầu tư công. Trong bối cảnh thuế quan mới, chính sách tài khóa nên duy trì tính linh hoạt và sẵn sàng hỗ trợ tăng trưởng nếu cần.
"Nhu cầu chi tiêu mới nổi trong bảo vệ xã hội và quá trình chuyển đổi xanh sẽ đòi hỏi phải cải cách hệ thống thuế để huy động thêm nguồn thu, bao gồm cả từ thuế giá trị gia tăng, đồng thời cải thiện quản trị ngân sách và tính minh bạch của các tài khoản tài chính", tổ chức này nêu.
Về chính sách tiền tệ - IMF đánh giá là có dư địa hạn chế hơn rất nhiều, các chuyên gia IMF khuyến nghị kiên định tập trung vào neo giữ kì vọng lạm phát. Việc cho phép tỷ giá biến động linh hoạt sẽ có ý nghĩa vô cùng quan trọng khi nền kinh tế điều chỉnh để thích ứng với cú sốc từ bên ngoài.
Ngoài ra, có thể cân nhắc nới lỏng tiền tệ ở mức độ nào đó trong trường hợp lãi suất toàn cầu giảm như dự kiến và lạm phát giảm. Cần cảnh giác theo dõi và hành động khi phát sinh áp lực lạm phát, bao gồm cả trường hợp do các cú sốc bên ngoài gây ra.
"Cần nỗ lực hơn nữa để tăng cường sự lành mạnh cho khu vực tài chính. Để tăng cường khả năng chống chịu cho hệ thống ngân hàng, cần ưu tiên củng cố giám sát ngân hàng, xây dựng các đệm vốn và thanh khoản, và cải thiện hơn nữa khuôn khổ xử lý ngân hàng yếu kém", đoàn IMF khuyến nghị.
-
Phó thủ tướng: Đang nỗ lực đàm phán với Mỹ để không xảy ra mức áp thuế 46%
Phó thủ tướng Thường trực Nguyễn Hòa Bình cho biết triển vọng đàm phán thuế với Mỹ "tích cực và Chính phủ nỗ lực để mức thuế 46% sẽ không xảy ra".
-
Đàm phán hiệp định song phương về thương mại đối ứng giữa Việt Nam và Hoa Kỳ đạt được nhiều tiến bộ
Tại cuộc họp báo thường kỳ Bộ Ngoại giao ngày 19-6, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Phạm Thu Hằng đã thông tin về diễn biến vòng đàm phán thứ 3 về thương mại đối ứng Việt Nam - Hoa Kỳ, việc Việt Nam trở thành nước đối tác của nhóm BRICS và bảo hộ công dân tại Iran, Israel.
-
Đàm phán thuế quan đang đến hồi kết, nhà đầu tư nên hành động thế nào?
Kết quả đàm phán thuế quan là ẩn số, nhà đầu tư cần quản trị danh mục hợp lý, thay vì dự đoán thị trường thì nên tập trung vào chọn cổ phiếu.






-
Chậm chuyển đổi xanh, doanh nghiệp logistics Việt nguy cơ bị loại khỏi sân chơi
Logistics xanh đã trở thành yêu cầu bắt buộc trong chuỗi cung ứng toàn cầu, nếu không chuyển nhanh, doanh nghiệp logistics Việt sẽ bị loại khỏi sân chơi.
-
Hơn 5,2 tỷ USD kiều hối chuyển về TP. Hồ Chí Minh trong nửa đầu năm 2025
Tổng lượng kiều hối chuyển về TP. Hồ Chí Minh trong 6 tháng đầu năm 2025 đạt 5,23 tỷ USD, tăng nhẹ so với cùng kỳ năm ngoái, đồng thời phản ánh sự ổn định của dòng kiều hối trong thời gian qua, theo số liệu của Ngân hàng Nhà nước chi nhánh Khu vực 2....
-
Hoan nghênh doanh nghiệp đầu tư phát triển đô thị thông minh tại Việt Nam
Chiều 16/7, Phó Thủ tướng Nguyễn Chí Dũng tiếp ông Fung Wai Ka Thomas, Giám đốc Công ty Cơ sở hạ tầng CCC và ông Lai Rong Huo, Chủ tịch Tập đoàn Hero Thâm Quyến.