Tổng thống Donald Trump mới đây cho biết sẽ gửi thư cảnh báo mức thuế cho khoảng 12 quốc gia vào ngày 7/7, nhằm thông báo về các mức thuế suất xuất khẩu vào Mỹ nếu hai bên không đạt được thỏa thuận. Trước đó, ông Trump từng tuyên bố các quốc gia chưa có thỏa thuận sẽ bị áp thuế đối ứng từ ngày 1/8, song không đưa ra thêm chi tiết. Điều này đặt ra câu hỏi về khoảng trống chính sách trong giai đoạn từ 9/7 đến 1/8.
Theo Bộ trưởng Tài chính Mỹ Scott Bessent, Washington đang đàm phán tích cực với một số đối tác và dự kiến sẽ công bố trong những ngày tới. Đồng thời, Mỹ cũng sẽ gửi thư thông báo cho khoảng 100 đối tác thương mại nhỏ, những quốc gia có quan hệ giao thương hạn chế, về việc áp dụng mức thuế đối ứng như đã công bố ngày 2/4.
Dù thời hạn không còn nhiều, các nhà đầu tư vẫn kỳ vọng sẽ có thêm thông tin chi tiết trước thời điểm then chốt. Họ cho rằng chính quyền Mỹ khó có thể hoàn tất đàm phán với toàn bộ các đối tác trước ngày 9/7.
Ông Jeff Blazek - đồng Giám đốc đầu tư tại Neuberger Berman (New York) cho rằng, thị trường giữ được sự ổn định do kỳ vọng thời hạn có thể được gia hạn, và sẽ không có cú sốc lớn trừ khi có những diễn biến đột biến.
Chia sẻ quan điểm, ông Rong Ren Goh - Giám đốc danh mục đầu tư thu nhập cố định tại Eastspring Investments (Singapore) nhận định, thông báo ngày 2/4 từng tạo ra “cơn địa chấn” toàn cầu, nhưng những thư cảnh báo thuế sắp tới chỉ là “dư chấn”. Ngay cả khi mức thuế đối ứng cao hơn 10% hiện tại, thị trường nhiều khả năng sẽ không bị tác động mạnh.
Nhìn chung, các mức thuế và thời điểm áp dụng đều có thể thay đổi. Trong thông báo ngày 3/7, Tổng thống Trump cho biết mức thuế đối ứng mới với các quốc gia chưa đạt thỏa thuận có thể dao động từ 10-20% đến 60-70%, vượt xa mức 10-50% từng đề cập hôm 2/4.
Một chỉ dấu cho thấy thị trường đã thích ứng là việc các chỉ số chứng khoán liên tiếp thiết lập kỷ lục mới. Tại Mỹ, chỉ số S&P 500 và Nasdaq đồng loạt tăng, với mức tăng tổng cộng 11% kể từ sau ngày 2/4. Thị trường châu Âu cũng ghi nhận chỉ số STOXX 600 tăng 9% trong ba tháng qua.
Trong khi đó, thị trường trái phiếu và đồng USD vẫn chịu sức ép từ áp lực lạm phát do thuế quan và biến động giá dầu liên quan tới Trung Quốc. Những yếu tố này đang ảnh hưởng đến triển vọng điều chỉnh chính sách của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed). Dữ liệu hợp đồng lãi suất tương lai cho thấy giới đầu tư không kỳ vọng Fed sẽ giảm lãi suất trong tháng này, mà có thể thực hiện hai đợt giảm lãi suất, mỗi đợt 0,25 điểm phần trăm từ nay đến cuối năm.
Ông John Pantekidis - Giám đốc đầu tư tại TwinFocus (Boston) dự báo mức thuế có thể trở lại mức 35-40%, với mức trung bình khoảng 10%. Ông nhận định thị trường chứng khoán Mỹ năm nay vẫn có triển vọng tích cực, nhưng cần theo dõi sát diễn biến lãi suất.
Trong khi đó, Hàn Quốc đang tìm cách gia hạn thời gian đàm phán với Mỹ. Ông Wi Sung Lac - Cố vấn an ninh quốc gia của Tổng thống Hàn Quốc Lee Jae Myung, đã lên đường sang Washington ngày 6/7 để thảo luận về thương mại và quốc phòng, dự kiến sẽ gặp Ngoại trưởng Mỹ Marco Rubio. Theo ông, các cuộc tham vấn giữa hai nước đã bước vào giai đoạn quan trọng và cần tăng cường tiếp xúc cụ thể.
Tuy nhiên, do những biến động chính trị gần đây tại Hàn Quốc, tiến trình đàm phán với Mỹ chưa được đẩy mạnh. Hiện, chưa rõ liệu Mỹ có đồng ý gia hạn thời gian đàm phán với Hàn Quốc sau ngày 9/7 hay không.
-
Trước hạn chót thuế quan: Mức hợp lý và lợi ích dài hạn cho sản xuất nội địa
Một mức thuế quan hợp lý đảm bảo cho doanh nghiệp chia sẻ chi phí, giữ vững cạnh tranh xuất khẩu và tăng cường hơn nữa tỷ trọng nội địa trong sản xuất, cung ứng.
-
Thỏa thuận thuế quan Việt - Mỹ: Bước ngoặt chiến lược, mở toang cánh cửa hội nhập
Việc Việt Nam và Hoa Kỳ đạt được thỏa thuận quan trọng về thuế quan không chỉ là một thắng lợi ngoại giao hay thương mại đơn thuần, mà còn là kết quả của một tầm nhìn dài hạn, bản lĩnh đối ngoại và chiến lược hội nhập sâu rộng. Theo chuyên gia xúc tiến xuất khẩu Nguyễn Tuấn Việt, bước đi này sẽ tạo cú hích mạnh mẽ cho dòng vốn đầu tư, tái cấu trúc chuỗi cung ứng, đồng thời định hình lại vị thế của Việt Nam trong trật tự kinh tế châu Á - Thái Bình Dương.
-
Sau Việt Nam, loạt quốc gia đẩy mạnh đàm phán thuế quan với Mỹ
Việc Mỹ - Việt Nam tuyên bố đạt thỏa thuận thuế quan thúc đẩy hàng loạt quốc gia khác như Ấn Độ, Nhật Bản hay Thái Lan nỗ lực đàm phán để đi đến kết quả cuối cùng trước thời hạn 9/7.







