Thực tế trong thời gian qua, một số trường hợp cụ thể của chứng khoán phái sinh cũng đã hình thành một cách tự phát, nhưng chưa có quy định pháp lý để quản lý và giám sát, bảo vệ nhà đầu tư.
Tuy mong muốn xây dựng thị trường này, nhưng đại diện UBCK cho biết, hiện vẫn còn một số vướng mắc nên ít nhất phải đến năm 2014 thì Việt Nam mới có thể có thị trường chứng khoán phái sinh.
Theo đại diện UBCK, hiện nay chưa có văn bản pháp luật quy định cho thị trường này. Ngoài ra, việc xây dựng thị trường chứng khoán phái sinh yêu cầu Việt Nam cần có một thị trường chứng khoán cơ sở, chính vì vậy, phải đợi hợp nhất 2 Sở GDCK. Ngoài ra, cũng cần xây dựng một chỉ số cho thị trường này, trong khi đó, cách tính các chỉ số hiện nay vẫn còn một số hạn chế. Chính vì vậy, việc nghiên cứu tổng thể để ra đời thị trường chứng khoán phái sinh phải mất một thời gian dài.
Sản phẩm chứng khoán phái sinh bao gồm nhiều sản phẩm khác nhau nhưng tập trung 4 nhóm sản phẩm chính: hợp đồng kỳ hạn (Forwards); hợp đồng tương lai (Futures); quyền chọn (Options) và hợp đồng hoán đổi (Swaps).
Hợp đồng kỳ hạn là loại sản phẩm đơn giản và nhận được nhiều sự quan tâm từ phía NĐT. Đây là loại hợp đồng thỏa thuận mua bán một loại chứng khoán nào đó theo một mức giá đã định tại một thời điểm nhất định trong tương lai. Giá cả của loại chứng khoán đề cập trong hợp đồng kỳ hạn không phụ thuộc vào giá cả của chứng khoán đó tại thời điểm kết thúc hợp đồng, đối tượng tham gia thường là giữa những tổ chức tài chính với nhau hoặc giữa tổ chức tài chính với khách hàng của họ. Các bên tham gia hợp đồng kỳ hạn có thể gặp gỡ trực tiếp để thương thảo về các điều khoản của hợp đồng như giá cả, thời hạn hợp đồng.
Hợp đồng tương lai, về mặt bản chất cũng giống như hợp đồng kỳ hạn, là sự thỏa thuận giữa người mua và người bán một loại chứng khoán nào đó với số lượng nhất định, trong một mức giá nhất định tại một thời điểm trong tương lai. Sự khác biệt ở đây có thể thấy là hợp đồng tương lai thường được giao dịch trên sở GDCK tập trung, trong khi đó hợp đồng kỳ hạn được giao dịch trên TTCK phi tập trung. Người mua và người bán tham gia giao dịch không trực tiếp gặp nhau mà họ có thể thực hiện giao dịch qua hệ thống được cung cấp bởi sở GDCK. Các bên tham gia hợp đồng tương lai không gặp rủi ro về tín dụng, trong khi các bên tham gia hợp đồng kỳ hạn gặp rủi ro tín dụng cao.
Hợp đồng quyền chọn bao gồm hợp đồng quyền chọn mua và quyền chọn bán. Hợp đồng loại này không mang tính nghĩa vụ, NĐT tham gia có thể không thực hiện hợp đồng nếu như việc thực hiện hợp đồng không mang lại nhiều lợi ích cho họ. Với hợp đồng quyền chọn mua, NĐT có quyền được mua một số lượng chứng khoán ở một mức giá đã thỏa thuận tại một thời điểm xác định trong tương lai. Người có quyền chọn mua có thể mua số lượng chứng khoán đó, nếu như giá thị trường lớn hơn giá thực hiện bởi họ có sẽ có lợi nếu như mang số chứng khoán (mua tại mức giá quy định trong hợp đồng) và mang ra bán lại với mức giá thị trường. Tuy nhiên, để có được quyền mua này, NĐT phải trả cho người bán hợp đồng quyền chọn mua một khoản tiền gọi là phí quyền chọn mua. Như vậy, lợi nhuận từ hợp đồng quyền chọn mua là không giới hạn, trong khi đó khoản lỗ mà người mua hợp đồng quyền chọn mua là giới hạn ở khoản phí mà họ phải trả.
Với hợp đồng quyền chọn bán, người mua hợp đồng quyền chọn bán có quyền bán số lượng chứng khoán mình đang nắm giữ được quy định trong hợp đồng, với mức giá thỏa thuận tại một thời điểm quy định trong tương lai. Cũng giống như với hợp đồng quyền chọn mua, người có quyền chọn bán có thể bán số lượng chứng khoán với giá đã quy định trong hợp đồng nếu như giá thị trường của chứng khoán họ đang nắm giữ xuống dưới giá thực hiện được quy định trong hợp đồng. Với hợp đồng quyền chọn bán, NĐT có thể bảo toàn được khoản đầu tư của mình ngay cả khi thị trường giá xuống. Khoản lỗ của NĐT được giới hạn ở khoản phí mà NĐT phải trả cho người bán hợp đồng là phí quyền chọn bán. Khoản phí này được quy định khác nhau trong mỗi hợp đồng và tùy thuộc vào kỳ vọng của người bán các loại hợp đồng này.
Hợp đồng hoán đổi thường được sử dụng trong lĩnh vực lãi suất nhằm giảm rủi ro lãi suất và giảm chi phí cho vay.
Tại các TTCK phát triển, chứng khoán phái sinh được chú trọng, NĐT sẽ có nhiều lựa chọn để giảm thiểu rủi ro và tối đa hóa lợi nhuận khi tham gia đầu tư, góp phần làm sôi động TTCK.